1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Tướng Thước: Formosa gây thiệt hại đến đâu phải đền bù đến đó

(Dân trí) - “Bất kể ai gây ra hậu quả nặng nề như vậy đều phải bị xử lý thích đáng theo pháp luật. Nhà nước không được nhân nhượng, du di cho đối tượng gây ra thảm họa môi trường ở biển miền Trung. Thiệt hại đến đâu, họ phải đền bù đến đó”, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước trao đổi với PV Dân trí.

Trước sự việc cá chết hàng loạt ở vùng biển miền Trung, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ ngành làm đến nơi đến chốn, truy tìm bằng được thủ phạm gây ra hậu quả. Ông ghi nhận thế nào với những nỗ lực đó?

Tôi thấy trong vụ việc này, dường như phải đến lúc Thủ tướng thấy cần phải hành động ngay thì các Bộ ngành mới rốt ráo khắc phục hậu quả, truy tìm nguyên nhân cá chết. Vì vậy, tôi hoan nghênh vai trò của Thủ tướng trong việc chỉ đạo điều hành xử lý vụ việc, như vậy mới có kết quả như ngày hôm nay.

Qua sự việc, đơn vị có liên quan phải nghiêm túc rút kinh nghiệm. Bộ máy tham mưu giúp việc phải có kiến thức dự báo, dự kiến tình huống chưa xảy ra, chứ cứ để tình huống xảy ra rồi mới đi khắc phục hậu quả và truy tìm nguyên nhân thì không được. Điều này cũng giống như chúng tôi đánh giặc - giặc đến thì phải xử trí ngay, chứ cứ để nó đánh tan hoang rồi mới phản ứng thì dù chúng ta có thắng thì thiệt hại cũng rất nặng nề.


Theo Trung tướng Nguyễn Quốc Thước sau khi nguyên nhân cá chết được làm rõ, bà con hãy bắt tay vào sản xuất và khắc phục hậu quả ổn định đời sống

Theo Trung tướng Nguyễn Quốc Thước sau khi nguyên nhân cá chết được làm rõ, bà con hãy bắt tay vào sản xuất và khắc phục hậu quả ổn định đời sống

Theo ông, Chính phủ phải xử lý thế nào với việc Formosa đã gây ra hậu quả rất nặng nề đến đời sống nhân dân ven biển và thảm họa môi trường nghiêm trọng ở vùng biển miền Trung, có thể mất cả trăm năm cũng chưa chắc khôi phục được?

Sự việc không phải như mấy chục tấn cá chết trong hồ mà nó ảnh hưởng lớn tình hình kinh tế, xã hội và tài nguyên môi trường biển, do vậy những kẻ gây ra hậu quả phải đền bù một cách thỏa đáng. Những thiệt hại đó phải được tính toán một cách kỹ lưỡng từ ngày mới xảy ra sự việc và cả trong tương lai. Cả một vùng biển rộng lớn, ngư dân từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế đi đánh bắt hải sản bán nhưng không ai mua. Còn ngư dân chuyển đổi sang nghề khác cũng không thể trong một sớm một chiều là chuyển ngay được.

Tóm lại, bất kể ai gây ra hậu quả nặng nề như vậy phải bị xử lý thích đáng theo pháp luật. Nhà nước không được nhân nhượng, du di cho bất cứ đối tượng nào gây ra thảm họa môi trường ở biển miền Trung. Thiệt hại đến đâu, họ phải đền bù đến đó.

Sự việc đã được Chính phủ và các Bộ ngành nỗ lực làm rõ, vậy thời gian tới chính quyền và nhân dân phải làm gì để khắc phục hậu quả, thưa ông?

Đây là sự việc không ai mong muốn, đã và đang được xử lý theo pháp luật. Do vậy, thời gian tới bà con hãy yên tâm sản xuất vì lợi ích của bản thân và cùng Nhà nước khắc phục hậu quả môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội miền Trung.

Từ sự việc như vậy, theo ông các Bộ, ngành địa phương nên rút ra bài học, kinh nghiệm gì để không xảy ra những trường hợp tương tự trong tương lai?

Theo tôi, tất cả những dự án ngay từ khi có chủ trương đầu tư phải tính toán cả những hậu quả về kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh có thể xảy ra. Tôi là nhà quân sự nên luôn cảnh giác những vấn đề liên quan đến an ninh – quốc phòng. Những vấn đề này nếu không nghiên cứu kỹ thì cực kỳ nguy hiểm.

Tóm lại, các Bộ ngành, địa phương đừng để lợi ích trước mắt, lợi ích kinh tế mà quên đi hậu quả xã hội, đặc biệt là hậu quả an ninh - quốc phòng. Những vùng nhạy cảm, địa bàn nhạy cảm, lĩnh vực nhạy cảm thì đừng ham cái lợi trước mắt để rồi gây ra hậu quả đến hàng trăm năm sau không khắc phục được. Các dự án phải nhìn một cách tổng quát, kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh.

Xin cảm ơn ông!

Quang Phong (thực hiện)