1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Từ vụ ông Truyền, nên rà soát cả những cán bộ đương chức”

(Dân trí) - “Nhiều người đặt vấn đề “còn bao nhiêu Trần Văn Truyền?”. Tôi cho rằng sự việc này không nên dừng lại mà phải tiếp tục kiểm tra, rà soát không chỉ với cán bộ nghỉ hưu mà cả những cán bộ đương chức”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu quan điểm.

Bên hành lang Quốc hội ngày 24/11, trao đổi với báo chí về sự việc liên quan đến ông Trần Văn Truyền - nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ - đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhận thấy có kẽ hở lớn trong vấn đề kê tài sản cán bộ, quan chức.

“Từ vụ ông Truyền, nên rà soát cả những cán bộ đương chức”
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, sau vụ việc liên quan đến ông Truyền, phải tiếp tục kiểm tra các cán bộ khác

Sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố kết luận thanh tra khối tài sản nhà đất của ông Truyền, cử tri cả nước rất ủng hộ. Tuy nhiên, cử tri vẫn băn khoăn còn có bao nhiêu quan chức như ông Truyền chưa bị xử lý?

Có người đặt vấn đề là có bao nhiêu Trần Văn Truyền có tài sản bất hợp pháp như vậy? Tôi cho rằng sau sự việc này không nên dừng lại mà phải tiếp tục kiểm tra, rà soát không chỉ với cán bộ đã nghỉ hưu mà còn cả cán bộ đương chức nữa.

Cái này chúng ta đã có chủ trương rồi khuyến khích nhân dân cung cấp thông tin và quy định cũng có rồi nhưng lâu nay chưa được chú ý mà thôi.

Qua sự việc ông Trần Văn Truyền chỉ khi về hưu mới bung ra khối tài sản lớn đến như vậy, ông có suy nghĩ thế nào?

Luật pháp hiện hành đã quy định khá đầy đủ, không đưa ra một tấm lá chắn nào cho những cán bộ sai phạm về hưu có thể hạ cánh an toàn. Qua sự việc của ông Trần Văn Truyền còn cho thấy, khi còn đương chức anh có thể ém các tài sản, vi phạm nhưng khi anh về hưu nếu cơ quan chức năng phát hiện sai phạm thì anh vẫn bị xử lý. Từ những sai phạm để có được tài sản không hợp pháp là phải thu hồi, đây cũng là một trong những yêu cầu của chống tham nhũng. Điều khá hay ở chỗ sự việc được đưa ra ánh sáng dựa vào dư luận, thông tin của cử tri.

Ngoài ra, ở đây còn cho thấy những vấn đề liên quan đến kê khai tài sản. Sau 20 năm xây dựng kinh tế thị trường, trong cán bộ đảng viên có chức quyền có điều kiện để làm giàu, có tài sản. Nếu họ không kê khai tài sản đầy đủ thì đây là khuyết điểm. Còn không kê khai trung thực, tài sản bất hợp pháp thì rõ ràng đây là sai phạm nặng. Cán bộ có chức có quyền, có tài sản là vài ba căn nhà, xe hơi, đất đai… nếu tất cả đều hợp pháp thì việc gì anh không kê khai, giấu giếm.

Trong báo cáo của Thanh tra Chính phủ mới đây cho thấy trong 1 triệu bản kê khai tài sản có rất ít được kiểm tra, trong đó chỉ có một trường hợp bị xử lý vì kê khai không trung thực. Điều đó cho thấy những trường hợp có nhiều tài sản như ông Truyền rất khó phát hiện nếu chỉ dựa vào sự tự giác kê khai của quan chức?

Lúc đề ra chủ trương bắt buộc kê khai tài sản tôi đã bày tỏ quan điểm, mục đích chính của kê khai tài sản là biết được sự thật về tài sản người đó để đối chiếu, so sánh vài năm sau khi vẫn giữ chức vụ. Kinh nghiệm các nước, anh ở chức vụ càng cao thì mức độ bảo vệ đời tư của anh càng hẹp. Khi lên tới tổng thống rồi thì hầu như tài sản phải công khai hết. Nói đời tư thì rất rộng, nhưng trong đó thì tài sản của công chức là dạng đời tư ít được bảo vệ nhất.

Với những cán bộ có tài sản thì phải kê khai và công khai không đồng nghĩa với nhau. Công khai trong cơ quan Đảng thì phạm vi hẹp, còn công khai dán trước cửa nhà để mọi người biết, giám sát lại là chuyện khác. Vì có thời điểm nếu tung tất cả lên mặt báo để công khai thì cũng không đem lại lợi ích, vì người dân chỉ biết ông này, bà kia có bao nhiêu căn nhà, mảnh đất… chứ thực tế không biết cụ thể nguồn từ đâu mà họ có được những tài sản lớn tới vậy. Đó là chưa kể có những người biết kê khai không trung thực nhưng lại được “che chở”.

Theo ông có cách nào để bịt kín kẽ hở, để tới đây không còn những người như ông Trần Văn Truyền - mãi tới khi về hưu, tưởng rằng đã “hạ cánh” an toàn mới bung khối tài sản lớn ra?

Kinh nghiệm của các nước cho thấy, quan chức giữ vị trí càng cao trong bộ máy chính quyền thì phải càng trong sạch, liêm khiết. Bản kê khai chi tiết tài sản của các nguyên thủ các quốc gia đều được công bố rộng rãi để người dân cùng giám sát. Còn ở Việt Nam, dù việc kê khai tài sản đã được thực hiện nhưng mới là những quy định mang tính khẩu hiệu, chưa “đến đầu đến đũa”.

Vì thế cần chi tiết hóa, đặc biệt trước các kỳ bầu cử, đại hội để chọn lựa người tài đức vào đội ngũ lãnh đạo bằng cách đưa ra quy định riêng về kê khai và điều tra xác minh sau kê khai xem từ đâu có nguồn tài sản này. Việc xác minh phải đảm bảo các yếu tố: tài sản kê khai có thật hay không; đã đủ chưa, có che giấu không; nguồn gốc tài sản từ đâu có. Đây là công việc nhất thiết phải làm, song tiếc là trước đây đã bị lơ là.

Để việc kê khai này phát huy hiệu quả thì cơ quan nào sẽ trực tiếp xác minh và chịu trách nhiệm với việc kê khai tài của cán bộ, công chức của mình?

Đảng viên thì có cơ quan kiểm tra Đảng, còn ở các cấp ủy Đảng đều có bộ phận kiểm tra đó chứ. Nên nhớ, việc kiểm tra này không phải để phát hiện sai phạm, mà phải được tiến hành sau kê khai tài sản. Nếu phát hiện có vấn đề thì sẽ truy vấn đối tượng cán bộ để họ giải trình. Xác định có sai phạm thì sẽ xử lý.

Xin cảm ơn ông!

Quang Phong (ghi)