Bạn đọc viết

Từ vụ của ông Trần Văn Truyền nghĩ về việc kê khai tài sản

(Dân trí) - Câu chuyện về khối tài sản của Cựu Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền và Kết luận của UBKT Trung ương về những dấu hiệu vi phạm trong thực hiện chính sách nhà, đất của ông Truyền, khiến dư luận bất ngờ và băn khoăn.

Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

Bất ngờ vì nó lại xảy ra đúng ở cơ quan Thanh tra Chính phủ - nơi lẽ ra phải là cơ quan gương mẫu nhất phải, trong sạch nhất.Đặc biệt, người đứng đầu cơ quan Thanh tra Chính phủ, càng cần phải gương mẫu vì đó là tấm gương để mọi người soi rọi.

Và băn khoăn là Đảng và nhà nước ta vẫn còn có sơ hở trong việc quản lý cán bộ công chức, đặc biệt là thực hiện giải pháp liên quan đến phòng chống tham nhũng để người không đủ phẩm chất được giữ trọng trách suốt một thời gian dài, tham mưu cho Đảng và Nhà nước trong việc phòng chống tham nhũng mà lại có những sai phạm như vậy.

Nhưng bù lại dư luận đã đánh giá cao trách nhiệm của Ủy ban Kiểm tra Trung ương trong vụ việc này khi đã đưa ra được kết luận hợp lòng dân. Điều đó cũng đồng nghĩa việc quyết tâm trong việc phòng chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta. Đó thực sự là “cuộc chiến không có vùng cấm” cho bất cứ ai. Cho dù là cán bộ đương chức, đương nhiệm mà ngay cả lúc về nghỉ hưu mà lâu nay nhiều người cứ nhầm tưởng đã “hạ cánh an toàn”.

Từ vụ việc này dư luận cho rằng: Đảng, nhà nước ta vẫn còn không ít sơ hở trong việc quản lý cán bộ công chức, đặc biệt là sơ sở thực hiện việc kê khai tải sản - một trong những giải pháp quan trọng trong công tác phòng chống tham nhũng. Bởi nếu việc kê khai tài sản ngay từ ban đầu và kê khai bổ sung hàng năm được thực hiện nghiêm túc, mà chính Thanh tra Chính phủ tham mưu việc đó thì sẽ phát hiện được từ rất lâu rồi chứ không phải cho tới bây giờ mới phát hiện ra.

Đúng là điều không thể phủ nhận là, từ trước đến nay, có nhiều các văn bản hướng dẫn thực hiện việc công khai, minh bạch tài sản nhằm phục vụ cho việc phòng chống tham nhũng trong cán bộ công chức. Song các cơ quan triển khai công việc này trong đơn vị mình dường như vẫn còn xem nhẹ việc việc kê khai tài sản, thu nhập, dẫn đến việc kê khai tài sản, thu nhập vẫn còn mang tính hình thức. Còn số cán bộ công chức cứ kêu lương thấp nhưng lại sở hữu nhà lầu, xe hơi sang trọng; con cái du học nước ngoài; sở hữu những bộ sưu tập đồ cổ lên tới hàng triệu USD, hay chơi những ván cờ tiền tỷ… đương nhiên rất sợ công khai kê khai tài sản, thu nhập của mình, nếu bắt buộc phải kê khai thì thường thiếu minh bạch.

Có thể nói đây là lỗ hổng lớn nhất trong việc quản lý xã hội của nước ta. Đặc biệt là quản lý tài sản của cá nhân, quản lý tài sản thuộc sở hữu của các quan chức, công chức, những người đang tham gia vận hành bộ máy Nhà nước. Chính vì còn lỗ hổng đó nên đã để xảy ra những hậu quả đáng tiếc mà vụ việc của ông Trần Văn Truyền- nguyên Tổng thanh tra Chính phủ là một hệ lụy điển hình của việc kê khai tài sản hình thức, thiếu kiểm tra, giám sát.

Minh Tư