Bến Tre:
Bến Tre thu hồi đất cấp sai cho ông Truyền, kiểm điểm cá nhân liên quan
(Dân trí) - Ngày 22/11, tin từ UBND tỉnh Bến Tre cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký quyết định thu hồi thửa đất số 598B5, đường Nguyễn Thị Định (phường Phú Khương, TP Bến Tre) và xử lý các bước tiếp theo đối với ông Trần Văn Truyền, Nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ.
Theo đó ngày 19/11, ông Võ Thành Hạo, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre đã ký quyết định thu hồi thửa đất trên.
Ông Võ Thành Hạo, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết: “Sau khi thu hồi thửa đất này UBND tỉnh sẽ tiến hành kiểm điểm trách nhiệm đối với các cơ quan, cá nhân liên quan về việc cấp nhà, cấp đất cho ông Trần Văn Truyền”.
Kết luận của Uỷ ban kiểm tra Trung ương, tháng 12/1992, ông Trần Văn Truyền được Quân khu 9 cấp thửa đất tại lô số 61 thuộc Khu C, địa chỉ 598B5 đường Nguyễn Thị Định, phường Phú Khương, thị xã Bến Tre (nay là TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre) do đơn vị Quân y thuộc Tỉnh đội Bến Tre quản lý với diện tích 210 m2 (diện tích trên thực tế là 351 m2). Việc ông Truyền tuy không phải là cán bộ quân đội nhưng được cấp mảnh đất trên là do Tỉnh đội Bến Tre đề nghị với Quân khu 9, trong khi ông Truyền không có đơn đề nghị, không có xác nhận của cơ quan, đơn vị nơi công tác.
Sau khi được cấp đất, gia đình có san lấp mặt bằng, làm tường rào nhưng không làm nhà ở mà cho người khác mượn để mở quán bán cơm. Đến năm 2002, khi được chính quyền địa phương thông báo nộp 16 triệu đồng tiền sử dụng đất để làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông Trần Văn Truyền làm đơn đề nghị miễn giảm tiền sử dụng đất theo chính sách với gia đình người có công và được Cục Thuế tỉnh Bến Tre quyết định miễn giảm theo Nghị định số 38/CP, ngày 23/8/2000 của Chính phủ đúng với số tiền là 16 triệu đồng. Từ năm 2007 đến nay, UBND tỉnh chưa thu hồi được thửa đất trên, do giữa gia đình ông Truyền và các cơ quan chức năng của tỉnh chưa thống nhất được mức giá đền bù phần chi phí gia đình bỏ ra để san lấp mặt bằng và làm tường rào.
Trong khi chưa giải quyết dứt điểm, thì đến năm 2013, ông Truyền lại có đơn xin xây nhà tạm trên lô đất này cho con dâu làm kho chứa bia và đã được Sở Xây dựng cấp giấy phép.
Lòng dân bất bình về khối tài sản của ông Truyền
Trong 6 căn nhà của ông Truyền thì chỉ tính tiêng tại Bến Tre ông có 2 căn nhà và 1 căn biệt thự bề thế. Ngoài thửa đất 598B5 thì năm 2002 UBND tỉnh cho ông Truyền thuê căn nhà số 6 đường Lê Quý Đôn, phường 1, TP Bến Tre. Trước khi ông Truyền nhận nhà thì Công ty Xây dựng và Phát triển nhà Bến Tre đã tiến hành sửa chữa, cải tạo mới với tổng chi phí là 413,385 triệu đồng.
Tài sản "khủng" nhất là căn biệt thự bề thế ở xã Sơn Đông, TP Bến Tre với diện tích 16.500 m2. Ông Nguyễn Thành Nhân, Trưởng ấp 3, xã Sơn Đông cho biết: “Năm 2010 con ông Truyền tên Trần Hoàng Anh là cán bộ công an tỉnh đến đây mua 8 thửa đất của 4 hộ dân với tổng diện tích 16.500 m2 để xây dựng căn biệt thự này”. Theo ông Nhân, giá mua bán đất khi đó không biết bao nhiêu nhưng giá thị trường khoảng 1 tỷ/1.000 m2 vì ở ngay mặt tiền, gần trung tâm thành phố. Theo nhiều người dân địa phương chỉ tính riêng khu đất có giá hàng chục tỷ đồng. Khi ông Truyền xây dựng nhà, hàng rào bao bọc xung quanh thì người con rể của ông Truyền mới đây cũng mua thửa đất giáp ranh nối đuôi phía sau với khoảng 15.000 m2.
Cạnh căn biệt thự “siêu khủng” này là căn nhà lá lụp xụp do người người phụ nữ tên Hạnh ở để trông coi nhà giúp người bà con. Bà Hạnh cho biết: “Tôi không có chỗ ở nên đến đây ở và trông nhà giúp cho người bà con. Căn biệt thự kế bên xây khá lâu tôi chỉ ở bên ngoài nhìn thôi chứ chưa có dịp vào bên trong coi như thế nào”.
Ông Trần Văn Dũng, 74 tuổi (Cựu chiến binh, cán bộ về hưu – PV) ngụ tại phường 3, TP Bến Tre cho biết: “Thời gian gần đây cán bộ về hưu rất quan tâm đến vấn đề tài sản của ông Trần Văn Truyền. Nhiều người rất bất bình vì cán bộ cao cấp về hưu có tài sản, biệt thự khủng trong khi đó người dân xung quanh thì nghèo, đời sống kinh tế khó khăn. Khi Uỷ ban Kiểm tra Trung ương có kết luận nhiều người rất hoan nghênh vì có như vậy mới tạo lòng tin trong nhân dân. Tuy nhiên, khi giao cho tỉnh xử lý thì chắc chắn có sự nể nang vì hầu hết các bộ đương chức bây giờ là cấp dưới của ông Truyền ngày xưa”.
Theo ông Dũng, vấn đề sắp tới là sẽ xử lý như thế nào về khối tài sản, về mặt Đảng đối với ông Trần Văn Truyền để tạo lòng tin trong nhân dân, tránh trường hợp “phủ bênh phủ, huyện bênh huyện”.
Minh Giang