1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Kiên Giang:

Từ cựu tù Phú Quốc tay không phá kẽm gai vượt ngục đến nông dân sản xuất giỏi

(Dân trí) - Cựu tù Phú Quốc Ba Toản từng tay không phá kẽm gai thoát “địa ngục trần gian” nay là một nông dân thực thụ với thành tích 15 năm đạt danh hiệu nông dân sản xuất giỏi. Ông Toản là tấm gương trong chiến đấu và trong lao động cho con cháu noi theo.

Bất khuất trước kẻ thù…

Ông Bà Toản tên thật là Nguyễn Văn Mỹ (SN 1940), quê quán xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây (cũ). Nay ông là thương binh, một đảng viên gương mẫu và là nông dân sản xuất giỏi ở xã Cửa Dương, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Chưa nói chuyện “mần ăn”, ông Ba Toản kể lại cuộc đời theo cách mạng của mình và dấu mốc khi ông nhập ngũ bộ đội trung đoàn 46 vào tháng 10/1963. Sau đó ông được cử đi học lớp trinh sát và năm 1966 ông cùng nhiều đồng đội vượt Trường Sơn vào Sài Gòn nhận nhiệm vụ trinh sát đặc công ở Y 4.


Nhà tù Phú Quốc không có tường cao nhưng được xây dựng, bao quanh bằng nhiều lớp kẽm gai thế này và luôn có lính và chó nghiệp vụ canh gác nghiêm ngặt

Nhà tù Phú Quốc không có tường cao nhưng được xây dựng, bao quanh bằng nhiều lớp kẽm gai thế này và luôn có lính và chó nghiệp vụ canh gác nghiêm ngặt

Đêm Giao thừa 1968, ông cùng nhiều đồng đội nhận nhiệm vụ đánh chiếm Sở chỉ huy trung đoàn xe bọc thép quận Gò Vấp.

Trong trận đánh này, ông Toản bị bắt và bị địch đưa ra đảo Phú Quốc, giam ở nhà lao Cây Dừa - nay gọi là nhà tù Phú Quốc.

Theo ông Ba Toản, nhà tù Phú Quốc khác với các nhà tù khác là không có tường rào bê tông cốt thép cao, xung quanh nhà tù được bao bọc bởi nhiều lớp rào được làm bằng kẽm gai. Ngoài ra, 4 góc nhà tù còn có chòi canh và các đội tuần tra liên tục cùng với chó săn nghiệp vụ…

Sau khi quan sát kỹ địa hình, đêm 22/6/1968, ông Ba Toản cùng các đồng chí khác tổ chức vượt ngục. Ông Toản dùng tay không bẻ gãy lớp kẽm gai dày đặc, cùng 6 đồng đội là cán bộ cấp cao vượt ngục thành công.


Sắp đến ngày thương binh liệt sĩ, ông Ba Toàn liên tục nhận được các cuộc điện thoại thăm hỏi từ những bạn cựu tù Phú Quốc.

Sắp đến ngày thương binh liệt sĩ, ông Ba Toàn liên tục nhận được các cuộc điện thoại thăm hỏi từ những bạn cựu tù Phú Quốc.

Vượt ngục thành công, ông Ba Toản liên hệ với chỉ huy và được giao nhiệm vụ ở lại huyện Phú Quốc kết hợp với quân giải phóng địa phương đánh địch.

Từ sở trường là bộ đội đặc công, ông Ba Toản xin Ban chỉ huy quân sự huyện Phú Quốc cho lập đội đặc công và ông được giao nhiệm vụ huấn luyện và phối hợp với bộ đội địa phương tổ chức phá đồn địch.

Những năm 70, lực lượng quân địch đóng trên địa bàn huyện Phú Quốc rất đông, quân số hàng chục ngàn lính, trong khi lực lượng của ta chỉ vài trăm.

Địch có đủ mọi phương tiện, vũ khí hiện đại tối tân. Phía bộ đội ta chỉ dùng cách đánh du kích, đánh địch khắp nơi nhưng cũng đủ làm chúng hoang mang, lo sợ.


Ông Huỳnh Văn Em – nguyên Phó Chủ tịch Hội cựu chiến binh huyện Phú Quốc - cho biết, trong chiến đấu ông Ba Toản bất khuất kiên trung; trong lao động ông là tấm gương cho con cháu noi theo.

Ông Huỳnh Văn Em – nguyên Phó Chủ tịch Hội cựu chiến binh huyện Phú Quốc - cho biết, trong chiến đấu ông Ba Toản bất khuất kiên trung; trong lao động ông là tấm gương cho con cháu noi theo.

Theo ông Ba Toản, bí quyết để các trận diệt đồn địch thành công trên đảo Phú Quốc chính là sự chính xác và thần tốc.

“Các trận đánh đồn chỉ được phép diễn ra trong 5 phút, vì nếu trễ hơn, lực lượng chi viện của địch đến, bộ đội ta kẹt lại là khó sống. Để đánh nhanh như vậy, không cách nào khác là lực lượng trinh sát của ta phải giỏi, nắm rõ địa hình, quân lực của địch. Bộ đội đặc công vào cắt kẽm gai, phá mìn… Lúc này, bộ đội ta tiến vào đánh úp quân địch là xong”, người lính kiên trung nhớ lại.

Ngày 30/4, ông Ba Toản cùng quân giải phóng địa phương tiếp quản các căn cứ địch đóng trên địa bàn huyện Phú Quốc mà không tốn viên đạn nào.

Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, ông Ba Toản ở lại huyện đảo lập gia đình và về công tác ở Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Kiên Giang.

Đến 1983, ông Ba Toản được phép nghỉ hưu theo chính sách, sau đó ông về địa phương làm Phó Ban phát triển bắc đảo Phú Quốc. Chính thời gian này ông có nhiều thời gian gắn bó với mảnh vườn 12ha đất nông nghiệp, trồng cây dó bầu, cây ăn trái...

Người thương binh cần cù làm kinh tế

Năm nay ông Ba Toản đã hơn 77 tuổi nhưng sức khỏe và trí nhớ còn rất minh mẫn. Nhất là khi kể lại những năm tháng “uống mật, nằm gai” ở nhà tù Phú Quốc và thời gian vượt ngục ra ngoài đấu tranh với kẻ thù, giọng ông sang sảng, đôi mắt sáng lên… Tuy nhiên, khi nói về chuyện làm kinh tế, giọng ông nhẹ nhàng, đơn giản: "Với nông nghiệp, ngoài sự tính toán giỏi thì cần tính cần cù, bền chí là bí quyết thành công".

Vợ chồng ông sở hữu tới hơn 12ha đất là vì ông đến và gắn bó với mảnh đất Phú Quốc từ rất sớm, đồng thời vợ chồng ông biết chắt chiu từng đồng lương để mua đất… Khi có đất (khoảng 1983) ông Ba Toản bắt tay vào việc biến vùng đất nghèo khó thành những vườn cây lâu năm xanh mướt.

Ông Toản làm nông nghiệp theo phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, ông trồng tiêu “nuôi” cây dó bầu, tạo trầm hương…


Du tuổi cao nhưng tinh thần và sức khỏe ông Ba Toản vẫn rất tốt. Hàng ngày ông giành nhiều thời gian chăm sóc vườn ươm cây dó bầu.

Du tuổi cao nhưng tinh thần và sức khỏe ông Ba Toản vẫn rất tốt. Hàng ngày ông giành nhiều thời gian chăm sóc vườn ươm cây dó bầu.

Ông Toản nói, chục năm về trước, bà con Phú Quốc sống khỏe với cây tiêu nhưng mấy năm gần đây giá cả không ổn định, thời tiết thất thường, tiêu giảm năng xuất, tiêu chết… đời sống bà con khó khăn. Riêng ông đã bỏ cây tiêu từ mấy năm trước, bây giờ chỉ chăm cây ăn quả, cây dó bầu… chờ đến ngày lấy trầm hương, thu tiền.

Theo ông Toản, hiện ông có trên 2.500 gốc cây dó bầu đang trong thời kỳ cấy để lấy trầm hương. Khi vườn dó bầu đến kỳ lấy trầm, ông có thể thu vào tiền tỷ/năm. Tuy nhiên từ khi trồng cây dó bầu đến lúc thu trầm mất từ 6 -7 năm. Do vậy, để bù vào khoảng trống này, ông Toản dành hơn 2 ha trồng các loại cây ăn trái như: dừa, xoài… để có nguồn thu nhập luôn ổn định.


Ông Toản bên một cây dó bầu.

Ông Toản bên một cây dó bầu.

Với người dân Phú Quốc, ông Toản là người tiên phong trồng cây dó bầu. Khi cây dó bầu không còn ở thời hoàng kim, ông Toản lại là người tiên phong trên đảo trồng cây ăn quả - đang là hướng đi cần thiết cho hòn ngọc Phú Quốc đang phát triển từng ngày.

Nhờ tính cần cù lao động, chịu khó nghiên cứu, học hỏi trong sản xuất nên ông Ba Toản được xem là một trong những nông dân có thu nhập cao nhất nhì trên đảo Phú Quốc.

Chính nhờ những mô hình làm ăn hiệu quả, 15 năm liền ông Ba Toản vinh dự nhận bằng khen nông dân sản xuất giỏi của tỉnh Kiên Giang.

Ông Huỳnh Văn Em – nguyên Phó Chủ tịch Hội cựu chiến binh huyện Phú Quốc, chia sẻ: "Trong đấu tranh anh Ba Toản kiên cường, bất khuất với địch. Hòa bình lập lại, anh tiếp tục phục vụ nhà nước, chuyên cần lao động, tiên phong trồng những loại cây trồng mang lại hiểu quả kinh tế cao. 4 đứa con anh đều ăn học thành tài, có cơ ngơi ổn định. Anh Ba Toản là một tấm gương để những cựu chiến binh, thương binh như chúng tôi học hỏi và cũng là tấm gương son sắt với Đảng với nhân dân cho con cháu noi theo".

Theo Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Phú Quốc, trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, huyện đảo Phú Quốc có 372 gia đình liệt sĩ với 656 liệt sĩ, 176 thương binh, có 48 Mẹ Việt Nam anh hùng (3 mẹ còn sống), 3 anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Huyện Phú Quốc vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Nguyễn Hành