1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

TS Trần Du Lịch: Trong tương lai, 2 bờ sông Sài Gòn là nơi sầm uất ở TPHCM

Tâm Linh

(Dân trí) - TS Trần Du Lịch, Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, bày tỏ sự kiên trì với ý tưởng đưa sông Sài Gòn trở thành điểm nhấn của thành phố này, không nơi nào có được.

Trong hội thảo "Ảnh hưởng của tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4 đến tiềm năng phát triển du lịch khu vực Cảng Sài Gòn" hôm 18/8, các chuyên gia và doanh nghiệp đã đặt nhiều vấn đề. Họ băn khoăn về việc "đối xử" với sông Sài Gòn ra sao xung quanh việc xây một cây cầu.

Lo cầu ngăn sông, chặn dòng chảy di sản

Ông An Sơn Lâm, Chủ tịch Công ty thuyền buồm Đông Dương, đang khai thác hai thuyền buồm và đã "thực chiến" trên sông Sài Gòn 20 năm nay.

"Khi cầu Thủ Thiêm 1 và Thủ Thiêm 2 (cầu Ba Son) được xây lên, thuyền buồm hết đường xuôi đến tận cầu Sài Gòn như trước đây. Chúng tôi đành phải hạ cột buồm xuống khiến kết cấu nhìn không được đẹp", ông Lâm kể.

TS Trần Du Lịch: Trong tương lai, 2 bờ sông Sài Gòn là nơi sầm uất ở TPHCM - 1

Tàu nhà hàng tái hiện thuyền buồm được doanh nghiệp kinh doanh trên sông Sài Gòn (Ảnh: H.H.).

Ông Sơn Lâm mong muốn, nếu đầu tư làm du lịch trên sông, chiếc thuyền buồm Đông Dương không những phải được giữ nguyên kết cấu để tạo nét đẹp, tái hiện hình ảnh Sài Gòn khi xưa, mà còn phải làm to hơn để phục vụ ngày càng đông khách.

Tiếp cận theo góc nhìn của người nghiên cứu lịch sử, nhà sử học Dương Trung Quốc nói về cảng Sài Gòn có lịch sử hình thành từ xa xưa. Ông nói, nơi đây đã được người Pháp vào xây dựng và đưa cảng này định vị trên bản đồ hàng hải thế giới từ cả thế kỷ trước.

Năm 1860, nhà cầm quyền tuyên bố mở cửa cảng Sài Gòn là cảng tự do, kết nối với hệ thống cảng của nước Pháp. Đến những năm 1930, đây là một trong 80 cảng lớn nhất của Pháp và vùng hải ngoại.

"Chúng ta có được gốc gác, di sản như thế, thì tôi có câu hỏi đặt ra: Chúng ta còn muốn giữ thương hiệu thành phố cảng hay không? Thương hiệu với bề dày hơn một thế kỷ rưỡi tồn tại cho đến nay liệu sẽ phai nhạt và có khi không còn nữa khi quy hoạch không đúng", ông Dương Trung Quốc băn khoăn.

Ông Quốc lấy ví dụ về thành phố cảng Liverpool của nước Anh được Unesco công nhận là di sản vào năm 2004, đã bị tước danh hiệu vào năm 2021 vì không chịu bảo tồn.

Sân vận động bóng đá quy mô thế giới được xây lên trong lõi di sản này đã mang lại nguồn thu lớn từ du lịch, đồng thời, giới bất động sản đã "ăn theo" xây lên các cao tốc hiện đại. Unesco cho rằng đó là đi ngược lại việc định hình di sản thành phố cảng.

Cùng trong năm đó, Unesco tước bỏ danh hiệu di sản văn hóa đối với thung lũng Dresden Elbe của Đức, chỉ vì một cây cầu bắc ngang sông Elbe để giải quyết giao thông đường bộ có quy mô và kết cấu không phù hợp cảnh quan và giá trị của dòng sông. Việc này ảnh hưởng đến toàn bộ không gian của di sản.

"Cảng sông ở TPHCM chưa được công nhận là di sản nhưng chúng ta cần thừa nhận nó là di sản bởi vì đang có sẵn thế mạnh về yếu tố lịch sử, văn hóa", nhà sử học Dương Trung Quốc bày tỏ quan điểm.

TS Trần Du Lịch: Trong tương lai, 2 bờ sông Sài Gòn là nơi sầm uất ở TPHCM - 2

Cầu Thủ Thiêm và cầu Ba Son phía xa bắc ngang sông khu vực cảng Sài Gòn (Ảnh: Hải Long).

Từ năm 2002, TPHCM triển khai Nghị quyết 20 của Bộ Chính trị về phát triển thành phố, có một điểm mang tính lịch sử, đó là di dời các cảng biển ra khỏi cảng Sài Gòn. Đến nay hơn 20 năm chúng ta vẫn chưa thực hiện xong việc này. 

Mặc dù nhìn vào thực tế, theo nhu cầu phát triển logistics, các cảng hàng hải cần được đưa ra xa trung tâm thành phố để đáp ứng các phương tiện tàu vận tải lớn hơn về kích thước lẫn số lượng, như Cát Lái, Cần Giờ.

"Nhưng ít nhất cảng Sài Gòn vẫn cần đủ quy mô để đáp ứng tàu du lịch hạng lớn", nhà sử học Dương Trung Quốc nói.

Quay lại câu chuyện xây cầu, ông Dương Trung Quốc cho hay, nói về yếu tố kỹ thuật và các phương án thiết kế cầu mà các cơ quan chức năng đang bàn bạc, đối với khả năng của nhân lực TPHCM quá đơn giản.

"Điều quan trọng là phải định hình tương lai. TPHCM có nhiều tiền đề chưa được phát huy để phát triển hệ thống cầu cảng, cần tính toán kỹ để quy hoạch đúng từ đầu, bởi tầm nhìn ngắn hạn sẽ lãng phí tiền bạc, thời gian, nguồn lực", ông Dương Trung Quốc nhấn mạnh.

TS Trần Du Lịch: Trong tương lai, 2 bờ sông Sài Gòn là nơi sầm uất ở TPHCM - 3

Quy hoạch hệ thống các cầu trên sông Sài Gòn. Sau cầu Phú Mỹ có tĩnh không thông thuyền 45m, cầu Thủ Thiêm 4 là cầu cửa ngõ của khu vực cảng Sài Gòn có tĩnh không cao thứ 2 (Ảnh: Sở GTVT TPHCM).

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty Vietravel, đồng tình với quan điểm cần quy hoạch lại cầu Thủ Thiêm 4, với góc độ doanh nghiệp du lịch và là người từng công tác tại Sở GTVT TPHCM.

"Việc nâng tĩnh không cầu có thể tăng chi phí, nhưng sẽ rẻ hơn rất nhiều nếu đặt vào bối cảnh tương lai. Tôi thực sự mong muốn thành phố tính toán lại để không đánh mất lợi thế quan trọng này", ông Kỳ đưa ra ý kiến.

Nhìn xa hơn độ cao một cây cầu

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nhìn tổng thể ven sông ở TPHCM không nên chỉ tập trung vào 1.800m đất cảng ở khu trung tâm (quận 1, 4), mà phải nhìn vào phần đất phía quận 7 gần phía cửa sông Sài Gòn, thì quy hoạch ven sông mới có thể trọn vẹn.

"Để định hình chân dung thành phố khu vực sông Sài Gòn, các cây cầu bắc ngang sông và cầu Thủ Thiêm 4 nói riêng đóng vai trò quan trọng. Nếu làm tĩnh không cầu thấp sẽ chặn sự khơi thông, nếu làm cầu cao thì chân dung khu vực sẽ khác", ông Thiên nhận định.

Do đó, TPHCM cần tận dụng lợi thế mở của dòng sông mang lại để làm các công trình trên sông và ven sông sao cho phát huy mọi tiềm năng vốn có.

Là người nhiều năm nghiên cứu và có tình cảm với TPHCM, TS Trần Du Lịch, Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, bày tỏ sự kiên trì với ý tưởng đưa sông Sài Gòn trở thành điểm nhấn của thành phố này mà không nơi nào có được, từ thương cảng nhộn nhịp quốc tế của quá khứ sẽ trở thành trung tâm dịch vụ lớn sầm uất của khu vực.

Hiện, cảng Sài Gòn rộng 30ha kéo dài từ kênh Bến Nghé (quận 1) đến kênh Tẻ (cầu Tân Thuận, quận 4) có chiều dài bến cảng 1.800m, chiều rộng cầu cảng trung bình từ 12m đến 25m, đảm bảo thuận lợi để phục vụ hoạt động của các tàu khách nội địa, tàu hành khách quốc tế.

"Từ vị trí này, với lợi thế đường bờ sông dài và hạ tầng cầu cảng đã hình thành, khi được kết nối ngang với bên kia sông là Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) và theo chiều dọc đến các cầu ở quận Bình Thạnh, trong tương lai hai bờ sông Sài Gòn sẽ trở thành bức tranh tuyệt đẹp, là nơi sầm uất nhất TPHCM", ông Lịch kỳ vọng.

TS Trần Du Lịch: Trong tương lai, 2 bờ sông Sài Gòn là nơi sầm uất ở TPHCM - 4

Khung cảnh về đêm tại bến Bạch Đằng thuộc ven sông cảng Sài Gòn (Ảnh: Hải Long).

Theo tính toán của Sở Du lịch TPHCM, số lượng khách quốc tế đến bằng đường tàu biển tại thành phố này trong năm 2023 và 2024 đạt khoảng 100.000 lượt khách, tăng khoảng 12-15% trong những năm tiếp theo. Doanh thu du lịch từ tàu biển năm 2023 và 2024 đạt 500 tỷ đồng/năm và tăng khoảng 12% trong những năm tiếp theo.

"Tàu thuyền vận tải hàng hóa có thể đưa ra xa thành phố, nhưng vận tải hành khách thì phải đưa vào khu vực trung tâm này", ông Nguyễn Lê Chơn Tâm, Tổng giám đốc Cảng Sài Gòn khẳng định từ con số doanh thu nêu trên.

Song, lãnh đạo cảng nêu hiện trạng, TPHCM và các địa phương ven biển, sông lân cận chưa có vành đai nhà ga, bến bãi cho phương tiện đường thủy như vành đai đường bộ, do đó chưa tạo tính kết nối du lịch liên vùng, kể cả nội đô.

Ngoài ra, ông Chơn Tâm đề xuất thành phố cần quan tâm đến việc đầu tư hạ tầng dịch vụ dành cho các tàu du lịch cập bến, trong đó có việc nghiên cứu tĩnh không cầu ngang sông phù hợp để tàu thuận lợi đi qua. Đồng thời tạo điểm nhấn cảnh quan cho khu vực sông Sài Gòn.

"Trong quá trình nghiên cứu dự án này, chúng tôi sẽ tiếp thu và nghiên cứu tất cả phương án, những phát sinh cần điều chỉnh, để không ảnh hưởng đến nhu cầu phát triển đô thị trong tương lai, đặc biệt là cầu Thủ Thiêm 3 và 4 làm sao phù hợp quy hoạch tổng thể và tầm nhìn dài hạn", ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TPHCM cho biết.

TS Trần Du Lịch: Trong tương lai, 2 bờ sông Sài Gòn là nơi sầm uất ở TPHCM - 5

Vị trí dự kiến xây cầu Thủ Thiêm 4 nối bán đảo Thủ Thiêm với quận 7 (Đồ họa: Ngọc Tân).

Hiện nay, dự án cầu Thủ Thiêm 4 đang được thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư, dự kiến sẽ được triển khai trong giai đoạn 2024-2027 theo hình thức PPP (hình thức đối tác công tư).

Thiết kế tĩnh không thông thuyền của cầu Thủ Thiêm 4 sẽ ảnh trực tiếp đến việc quy hoạch, phát triển kinh tế, đặc biệt là du lịch đường sông của bến cảng Sài Gòn cũng như khu vực sông nước của cả TPHCM.

Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cầu Thủ Thiêm 4 ngày 7/8 của Sở Giao thông vận tải (GTVT) TPHCM, 5 phương án thiết kế tĩnh không được đưa ra. 

Tháng 11/2022, Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM đã đề xuất đặt, đổi tên các cầu Thủ Thiêm, thay số thứ tự 1-4 bằng tên mới lần lượt thành cầu Thủ Thiêm, cầu Ba Son, cầu Thủ Ngữ, cầu Bến Nghé.

Trong đó, cầu Thủ Thiêm 4 sẽ có tên gọi mới là cầu Bến Nghé.