1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Cần làm gì với cầu Thủ Thiêm 4 để TPHCM trở nên khác biệt?

Tâm Linh

(Dân trí) - Các chuyên gia đặt vấn đề, làm sao để cầu Thủ Thiêm 4 xây xong vẫn giữ được giá trị lịch sử, văn hóa đồng thời đưa TPHCM trở thành thành phố cảng quốc tế.

Chiều 18/8, hội thảo "Ảnh hưởng của tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4 đến tiềm năng phát triển du lịch khu vực Cảng Sài Gòn" do báo Nhân dân tổ chức.

Cần làm gì với cầu Thủ Thiêm 4 để TPHCM trở nên khác biệt? - 1

Cầu Thủ Thiêm 3 và cầu Thủ Thiêm 4 nằm trong kế hoạch 5 cây cầu lớn kết nối khu đô thị Thủ Thiêm với các quận lân cận (Ảnh: Hải Long).

5 phương án thiết kế

Theo thiết kế từ năm 2017, cầu Thủ Thiêm 4 dài gần 2,2km, rộng 28m với 6 làn xe và 2 lề bộ hành; có tuổi thọ thiết kế 100 năm, chịu được động đất cấp 7; tĩnh không thông thuyền 80x10 m; vận tốc thiết kế 60 km/h. Tổng mức đầu tư lớn nhất lên đến hơn 5.200 tỷ đồng.

Hai đầu cầu có vị trí bắt đầu từ đường Nguyễn Cơ Thạch (TP Thủ Đức) bắc qua sông Sài Gòn, nối vào đường Lưu Trọng Lư (quận 7).

Khi cầu đi vào hoạt động sẽ rút ngắn khoảng 20km di chuyển giữa khu Nam (quận 4, 7, huyện Nhà Bè) với khu Đông (TP Thủ Đức), thay vì phải đi qua khu vực trung tâm quận 1.

Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cầu Thủ Thiêm 4 ngày 7/8 của Sở Giao thông vận tải (GTVT) TPHCM, 5 phương án thiết kế được đưa ra.

Trong đó 3 phương án hướng tới chiều cao tĩnh không 10m, với kết cấu dầm bê tông cốt thép, kết cấu vòm hoặc dây văng (mức đầu tư 3.600-4.800 tỷ đồng).

Phương án chiều cao tĩnh không đạt mức 15m có kết cấu cầu vòm (hơn 4.800 tỷ đồng) và phương án cầu mở có chiều cao tĩnh không có thể lên tới 45m (khoảng 5.700 tỷ đồng).

Cần làm gì với cầu Thủ Thiêm 4 để TPHCM trở nên khác biệt? - 2

Phối cảnh cầu Thủ Thiêm 4 sau nhiều năm nghiên cứu (Ảnh: Sở GTVT TPHCM cung cấp).

"Có nhiều giải pháp đáp ứng tĩnh không thông thuyền như cầu, hầm, mỗi thiết kế có ưu, nhược điểm khác nhau. Mục tiêu chung là phải hạn chế ảnh hưởng nhiều nhất đến quy hoạch phát triển của hai bên bờ và khu đô thị Thủ Thiêm, theo yêu cầu Sở GTVT đặt ra", đại diện đơn vị tư vấn dự án trình bày.

Theo đơn vị tư vấn, phương án nâng tĩnh không lên 15m sẽ tạo điều kiện cho các tàu trọng tải lớn (hơn 2.000GT) lưu thông vào cảng Sài Gòn. Phương án cầu mở có tĩnh không cao 45m sẽ bị hạn chế thời gian, chỉ có thể nâng cầu về đêm khi phương tiện không nhiều.

Ngoài ra, một số phương án cầu vòm được đề xuất nên ưu tiên lựa chọn để tạo sự khác biệt trên sông Sài Gòn so với các cầu hiện hữu như Thủ Thiêm, Ba Son, Phú Mỹ.

Theo báo cáo của Sở GTVT, cầu Thủ Thiêm 4 có vai trò kết nối quan trọng. Đây sẽ là trục giao thông kết nối khu vực phía nam, giảm tải áp lực giao thông nhất là ở tuyến đường Nguyễn Tất Thành, cầu Kênh Tẻ (quận 4) đang chật hẹp, ùn tắc mỗi ngày.

Bên cạnh đó, Thủ Thiêm 4 là một trong 4 cây cầu kết nối khu đô thị Thủ Thiêm với các địa phương xung quanh, bên cạnh hầm Thủ Thiêm và cầu đi bộ trong tương lai. Sau cầu Phú Mỹ (có tĩnh không thông thuyền 45m), cầu Thủ Thiêm 4 là cây cầu cửa ngõ có tĩnh không cao của khu vực cảng Sài Gòn.

Do vậy, thiết kế tĩnh không thông thuyền của cầu Thủ Thiêm 4 sẽ ảnh trực tiếp đến việc quy hoạch, phát triển kinh tế, đặc biệt là du lịch đường sông của bến cảng Sài Gòn cũng như khu vực sông nước của cả TPHCM.

Cần làm gì với cầu Thủ Thiêm 4 để TPHCM trở nên khác biệt? - 3

Quy hoạch hệ thống các cầu trên sông Sài Gòn (Ảnh: Sở GTVT TPHCM).

Chuyên gia: Không dừng lại ở việc xây một cây cầu

Tại hội thảo, ông Lê Quốc Minh, Tổng biên tập báo Nhân dân (đại diện đơn vị tổ chức), nêu vấn đề thảo luận.

Nếu thiết kế tĩnh không cầu cao, hay phương án cầu xoay, cầu mở sẽ giúp khu vực cảng Sài Gòn đón nhận được tàu biển cập bến, từ đó có thể quy hoạch lại cảng Sài Gòn thành cảng du lịch quốc tế để phát triển kinh tế ven sông.

Ngược lại, thiết kế tĩnh không cầu thấp sẽ đánh mất đi tiềm năng phát triển kinh tế, đặc biệt là ngành du lịch tại khu vực này.

TS Trần Du Lịch, Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, đặt vấn đề, nếu giữ nguyên thiết kế tĩnh không thông thuyền của cầu Thủ Thiêm 4 thấp, TPHCM sẽ mất đi lợi thế của một khu vực đẹp nhất để làm kinh tế ven sông, kinh tế đêm.

Theo TS Lịch, bài toán khai thác lợi thế của khu vực xung quanh cầu Thủ Thiêm 4 là không bàn đến việc làm cầu đắt hay rẻ, quan trọng là cây cầu đó làm được điều gì để TPHCM trở thành riêng biệt.

"Lãnh đạo thành phố phải tính toán định hướng phát triển mảnh đất cảng biển này. Nếu quyết định là chiến lược phải tính quy hoạch trước khi xây cầu, còn nếu xây cầu trước mới tính, đó sẽ là bàn lùi", ông Lịch nói.

Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia nói trên mảnh đất 30ha mang tính lịch sử, văn hóa, từng là thương cảng quốc tế, chiều dài cảng 1.800m, chiếm 8% diện tích quận 4 (400ha) tại vị trí cầu Thủ Thiêm 4, TPHCM có thể trở thành trung tâm dịch vụ tàu biển có chỗ đứng trên thế giới, hay "giết chết" khu đất đắc địa này bằng cách xây lên các cao ốc, biệt thự chỉ cho người giàu ở.

Cần làm gì với cầu Thủ Thiêm 4 để TPHCM trở nên khác biệt? - 4

Hội thảo quy tụ nhiều chuyên gia (Ảnh: BTC cung cấp).

Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng đặt ra câu hỏi: TPHCM có còn muốn giữ thương hiệu đắt giá "thành phố cảng" hay không; Nên phát triển dọc theo chiều dài bờ sông hay chỉ tập trung vào các cây cầu ngang sông.

"TPHCM có nhiều tiền đề chưa được phát huy để phát triển hệ thống cầu cảng, cần tính toán kỹ để quy hoạch đúng từ đầu, bởi tầm nhìn ngắn hạn sẽ lãng phí tiền bạc, thời gian, nguồn lực", ông Dương Trung Quốc đưa ra ý kiến.

Thực tế gần nhất, KTS Ngô Viết Nam Sơn bày tỏ tâm tư nhắc đến cầu Ba Son (cầu Thủ Thiêm 2) nay đang là biểu tượng thành phố, nhưng phải "hy sinh" cả hàng cổ thụ xanh dọc đường Tôn Đức Thắng để xây cầu.

"Khi xây cầu phải xem cầu nối hai bên bờ có gì thì phải ứng xử cho phù hợp, cân nhắc giữ gì, bỏ gì. Bên cạnh đó, cũng như metro hay đường vành đai, những cây cầu mang tính kết nối đô thị như Thủ Thiêm 4 cần gắn với TOD để tăng giá trị nguồn lực", ông Ngô Viết Nam Sơn gợi ý phương án.

Cần làm gì với cầu Thủ Thiêm 4 để TPHCM trở nên khác biệt? - 5

Theo quy hoạch, vị trí dự kiến của cầu Thủ Thiêm 4 sẽ nối từ khu đô thị Sala bắc qua sông Sài Gòn, cắt ngang cảng Tân Thuận, sau đó nối vào đường Huỳnh Tấn Phát quận 7 (Ảnh: Hải Long).

Đại diện cơ quan chủ trì nghiên cứu lập báo cáo tiền khả thi dự án, Giám đốc Sở GTVT TPHCM Trần Quang Lâm bày tỏ sự đồng tình với ý kiến của các chuyên gia.

Trong đó, ông Trần Quang Lâm cũng nêu các yếu tố thuận lợi hiện tại TPHCM đang có: thành phố đang lập quy hoạch chung phát triển đô thị, bên cạnh đó Nghị quyết 98 cho phép thành phố có cơ chế điều chỉnh quy hoạch trong nội bộ.

"Trong quá trình nghiên cứu dự án này, chúng tôi sẽ tiếp thu và nghiên cứu tất cả phương án, những phát sinh cần điều chỉnh, để không ảnh hưởng đến nhu cầu phát triển đô thị trong tương lai, đặc biệt là cầu Thủ Thiêm 3 và 4 làm sao phù hợp quy hoạch tổng thể và tầm nhìn dài hạn", ông Trần Quang Lâm phát biểu.

Hiện nay, dự án cầu Thủ Thiêm 4 đang được thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư, dự kiến sẽ được triển khai trong giai đoạn 2024-2027 theo hình thức PPP (hình thức đối tác công tư).

Về phương thức đầu tư, hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đề xuất đầu tư dự án này theo hình thức BOT. Trong đó phân chia thành 2 dự án thành phần gồm: Dự án BOT xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 phần nhịp chính và cầu dẫn phía TP Thủ Đức; Dự án đầu tư công phần giải phóng mặt bằng và xây dựng phần đường dẫn, cầu dẫn phía quận 7.

Cần làm gì với cầu Thủ Thiêm 4 để TPHCM trở nên khác biệt? - 6

Vị trí dự kiến xây cầu Thủ Thiêm 4 nối bán đảo Thủ Thiêm với quận 7 (Đồ họa: Ngọc Tân).

Tháng 11, Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM đã đề xuất đặt, đổi tên các cầu Thủ Thiêm, thay số thứ tự 1-4 bằng tên mới lần lượt thành cầu Thủ Thiêm, cầu Ba Son, cầu Thủ Ngữ, cầu Bến Nghé.

Trong đó, cầu Thủ Thiêm 4 sẽ có tên gọi mới là cầu Bến Nghé.