1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Trung tướng Phạm Tuân: “Máy bay Mỹ không dễ bắn trúng ta!”

(Dân trí) - “Cất cánh lên trời lần nào tôi cũng gặp rất nhiều máy bay F4, F11 của Mỹ quần đảo bảo vệ B52. Nhiều lần tôi thấy tên lửa địch bắn sáng rực. Thế nhưng họ bắn trúng vào tôi không dễ…”, Trung tướng Phạm Tuân nhớ lại.

Đến ngày 27/12/1972, hàng loạt máy bay B52 của Mỹ đã bị bắn hạ, thế nhưng chiến công của lực lượng không quân vẫn chưa thấy. Những ngày đó, ông và lãnh đạo đơn vị không quân có sốt ruột không?

Sốt ruột chứ! Nhiệm vụ chính là đánh B52, nhưng khi nó vào mà chưa đánh được chúng, tôi rất sốt ruột, rất băn khoăn và lo lắng. Trong khi đó truyền thống không quân của mình là bắn rơi tất cả các loại máy bay địch. Hơn nữa, cấp trên giao nhiệm vụ đích danh cho không quân là phải góp phần bắn rơi B52. Sau Noel, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhắc nhở không quân chúng tôi làm thế nào để đánh được máy bay địch.

Trung tướng Phạm Tuân: “Máy bay Mỹ bắn ta trên trời không dễ!”
Trung tướng Phạm Tuân: “Máy bay Mỹ bắn ta trên trời không dễ!”

Thực tế, tuy chưa bắn rơi B52 nhưng chúng tôi đã phối hợp với tên lửa rất tốt để bảo vệ Hà Nội. Không quân hoạt động ban đêm làm cho đội hình địch rối loạn, tạo điều kiện cho SAM2 hạ gục B52. Còn ban ngày không quân bay để bảo vệ các trận địa, tạo điều kiện cho các đơn vị tên lửa lắp đạn, chấn chỉnh lại đội hình.

Tâm trạng sốt ruột cùng với những băn khoăn, lo lắng, tạo động lực cho các ông hạ gục B52 thế nào?

Máy bay B52 vào như thế mà ta chưa bắn hạ được nên càng hạ quyết tâm tìm mọi cách để đánh. Qua những lần chiến đấu, xuất kích, anh em ngồi lại với nhau tìm cách để hạ gục B52 trên bầu trời. Chúng tôi hỏi nhau khi địch chặn trên trời, mình có sợ không. Thực tế khi cất cánh lên trời, thấy máy bay địch nhiều lắm nhưng nó không dễ bắn vào máy bay mình. Từ đó, rút ra rằng mình không nhất thiết phải giấu lực lượng mà cứ bay làm sao đạt tốc độ và độ cao nhất định để khi gặp B52 có thể bắn ngay. Với tính năng của B52, chúng ta có thể bắn rơi nhưng vì khó khăn quá nên không quân chưa làm được.

Trung tướng Phạm Tuân
Trung tướng Phạm Tuân

Khó khăn ở đây là gì thưa ông?

Về phía địch, họ xác định không quân là lực lượng chính nên ngay ngày đầu, tất cả các sân bay miền Bắc bị chúng đánh phá. Hoạt động của lực lượng không quân của ta luôn bị Mỹ theo dõi, đặt vào tầm ngắm. Máy bay chúng tôi cất cánh ở sân bay nào Mỹ đều biết và cho máy bay đuổi đánh. Sau này, khi tên lửa phòng không bắn rơi nhiều B52 thì Mỹ mới tỉnh ngộ.

Hơn nữa, lực lượng của ta có ít - máy bay có nhiều nhưng phi công lái máy bay đêm chỉ vài chục người. Điều kiện tập luyện để đánh B52 trước đây cũng khác xa so với thực tế 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không”. Hoàn cảnh chúng ta như vậy địch lại tung hàng nghìn máy bay F4, F11 đi theo để bảo vệ 192 máy bay B52…

Với hàng loạt thách thức ở dưới đất cũng như trên trời, đêm 27/12/1972, ông bay thế nào để hạ gục B52?

Đêm đó tôi cất cánh từ sân bay Yên Bái khá muộn (khoảng 22h đêm) và cũng rất may địch không đánh sân bay. Khi cất cánh lên, địch cũng biết mình, đám F4 đang trực sẵn trên đầu. Thấy F4 tôi tránh một cách nhẹ nhàng, nghĩa là làm động tác vượt qua nó chứ không bám vào.

Không hiểu thế nào thời điểm tôi cất cánh sóng nhiễu rất ít, ở khoảng cách 50km tôi đã phát hiện B52. Có thể do đêm hôm trước, địch thua ta quá lớn (8 chiếc B52 bị bắn rơi) nên đội hình địch đã rệu rạo.

Khi chiếc MIG-21 đã vượt qua các tốp F4 vào được phía sau đuôi B52 tôi mới chỉnh điểm ngắm, thấy tín hiệu tên lửa tốt, tôi phóng hai quả tên lửa. Quả tên lửa thứ nhất bay vút đi, quả thứ hai theo sau tạo thành một đường sáng rực. Chiếc B52 nổ tung.

Trận ấy không thực sự phức tạp. Nhưng thành quả đó có được là do chúng ta đã từng đổ xương máu, đổ mồ hôi cho những trận chiến đấu trước.

Phi công Phạm Tuân gặp lại phi công Mỹ sau 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không
Phi công Phạm Tuân gặp lại phi công Mỹ sau 12 ngày đêm "Điện Biên Phủ trên không"

Như ông nói địch rất đông, luôn đợi sẵn trên trời, tại sao lại để ông dễ dàng vượt qua để hạ gục B52?

Họ rất đông nhưng ban đêm ra đa của địch cũng rất khó phát hiện máy bay của ta. Nếu chúng phát hiện được ta trên trời nhưng ở góc không tốt thì chỉ vài giây sau là mất dấu. Mục tiêu của địch và của ta cùng bay ở trong một khu vực cũng không dễ để phân biệt được hết.

Khi gặp lại những phi công Mỹ, họ đánh giá thế nào về chiến thắng của ta trong trận chiến 12 ngày đêm “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, thưa ông?

Trước khi vào Việt Nam, người Mỹ tự tin rằng phòng không - không quân mình bắn rơi họ là rất khó. Thứ nhất, họ cho rằng đã rất rõ điểm mạnh, yếu của tên lửa, máy bay của ta ra sao. Thứ hai, họ đã diễn tập với nhiều tình huống giả định như ở chiến trường Việt Nam. Thấy họ trả lời vậy, tôi lại hỏi: Các ông cảm thấy thế nào khi ngồi ở đây (trại giam)? Phi công Mỹ trả lời đó là điều chưa biết hết sức mạnh của người Việt Nam.

Cuộc chiến 12 ngày đêm, phòng không – không quân ta hạ gục tới 34 “pháo đài bay” B52, khiến báo chí phương Tây chua cay nhận định, nếu kéo dài cuộc chiến thêm 3 tháng nữa, B52 sẽ tuyệt chủng. Quan điểm của ông thế nào?

Nhiều người cũng hỏi tôi điều đó. Câu nói đó thực ra hơi cường điệu nhưng ngẫm cho cùng thực tế là như vậy. Tôi nói nếu đem chiến tranh để áp đặt một dân tộc dù nhỏ bé cũng rất khó, không chỉ ở Việt Nam. Mỹ có thể đánh thắng nhưng làm sao có thể chiếm được, làm sao có thể tiêu diệt được tinh thần dân tộc khác! Khi Mỹ muốn chiếm nước khác mà họ luôn đứng lên đấu tranh, chống lại thì chiếm để làm gì. Cứ liên tục như vậy liệu họ có chịu được không?

Trúc Linh