Bài 2:
Trung tâm bảo trợ trẻ, trẻ “nuôi”… trung tâm?
(Dân trí) - Thời kỳ hưng thịnh, Trung tâm bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Lâm “sống khoẻ” với 3 tổ chức của Mỹ, Ý và Pháp đỡ đầu. Gần 100 trẻ cũng theo những “cửa” này để tới cuộc sống nơi trời tây.
“Mẹ” Chảy giữ được chỗ làm ở Trung tâm Việt Lâm từ những ngày đầu thành lập (năm 2006). Bà kể, thời gian đầu trung tâm rất “xôm tụ”, nhiều trẻ nên thường xuyên có 4-5 mẹ nuôi nhận việc trông coi trẻ. Những bé sơ sinh cứ được đưa về trung tâm một thời gian rồi xuất ngoại thành “con tây”, rồi lại lứa mới về.
Những đứa trẻ hầu hết hồ sơ khai sinh tại Thanh Sơn, một huyện vùng núi nghèo khó của Phú Thọ. Nhiều trường hợp trẻ được đưa tới còn đỏ hỏn, quấn nguyên cả dây rốn, bánh nhau. Không ít bé cuống rốn buộc qua quýt bằng dây đay, dây thừng, thậm chí dây leo dại trong rừng. Những thân phận “khổ từ trong trứng khổ ra” chỉ nặng chừng 2 - 2,5kg.
Các bé được chăm nuôi đến lúc cứng cáp hơn đôi chút, thường độ 3 - 4 tháng tuổi rồi được “đốc” hồ sơ để đưa ra nước ngoài làm con nuôi. Ở tại trung tâm hơn 2 năm, “mẹ” Chảy đã trực tiếp nuôi qua tay gần trăm đứa trẻ.
Gia đình người đứng danh Giám đốc Trung tâm, Tạ Quang Thuật cũng gắn với mấy gian nhà nuôi dưỡng trẻ. Ông Thuật “ăn lương” giám đốc, vợ ông - bà Dung cũng hưởng chế độ như cô nuôi tại đây. Nhưng ông Thuật cho biết, vợ chồng ông cũng chỉ là người làm công cho bà Đinh Thị Tuyết, bà chủ thực sự tại đây. Bà Tuyết là người móc nối, liên lạc thủ tục, “xoay” các nguồn viện trợ, quản nguồn thu chi cho hoạt động của trung tâm.
Nhờ tay bà Tuyết, Trung tâm có được quan hệ với 3 tổ chức nước ngoài đỡ đầu. Ông Thuật cho biết, hai tổ chức của Ý và Mỹ đã “rót” cho Việt Lâm 2 gói tài trợ, mỗi gói 2.000 USD. Còn tổ chức đỡ đầu “ruột”, Agence Francaise De L'adoption của Pháp, đều đặn chuyển khoản hỗ trợ 1.000 USD/tháng.
Trong những email trao đổi qua lại của cặp bố mẹ nuôi… hụt suýt nhận “hai chị em sinh đôi” Phương - Phượng bày tỏ nhiều sự thất vọng vì những gian dối từ tổ chức nuôi dưỡng. Đôi vợ chồng người Mỹ khẳng định đã chi phí 10.000 USD/bé để có thể xúc tiến thủ tục nhận hai bé làm con nuôi.
Nói về điều kiện nuôi dưỡng trẻ quá hạn chế của trung tâm, Giám đốc Tạ Quang Thuật phân trần, việc đảm bảo thu nhập cho số lao động (2 cô nuôi thường xuyên, 1 nhân viên y tế, 1 kế toán văn thư, 2 vợ chồng ông Thuật và bà Tuyết làm quản lý) đã khó. Không còn nguồn tài trợ, “chủ đầu tư” hạ chi phí cho 12 đứa trẻ xuống mức tối thiểu 300.000/cháu/tháng. Vị chi, khoản tiền để nuôi dưỡng bằng ấy bé mỗi tháng chỉ hơn 3,5 triệu đồng, tương đương mức lương thưởng cho 2 “mẹ” nuôi.
Hơn 2 kg gạo và 4 lạng thịt mỗi ngày cho các cháu là “cố gắng tối đa”. Việc đầu tư một chiếc bình nóng lạnh và tiền điện để các cháu có nước ấm lau rửa ngay cả lúc trung tâm vẫn đều đều đón nhận viện trợ nhiều nghìn “đô” mỗi tháng là điều không thực hiện được, trong khi đó, theo miêu tả của nhiều người, bà chủ trung tâm vẫn đi xe hơi sang trọng tới trung tâm. Phòng khách Trung tâm cũng rộng rãi, sáng sủa với sofa, tủ khảm… thiết bị đầy đủ, trong khi phòng ở của các bé quây trong một gian nhà ẩm tối.
“Chị Tuyết thì khá giả” - ông Thuật phân trần. Khu đất xây nhà giữ trẻ ông Thuật cũng cho biết là của gia đình nhượng bán lại cho bà Tuyết để thành lập trung tâm.
Trung tâm Việt Lâm từng bị đóng cửa
Tháng 8/2008, sau khi phát hiện những sai phạm có tính chất “công nghệ” để đưa hơn 300 trẻ từ 2 trung tâm bảo trợ xã hội ở Nam Định ra nước ngoài, Cục Con nuôi quốc tế - Bộ tư pháp đã rà soát lại nhiều trung tâm, địa phương có nghi vấn. Trao đổi với báo chí khi đó, Cục trưởng Vũ Đức Long cho biết, Trung tâm bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Lâm (Lâm Thao, Phú Thọ) rơi vào “điểm ngắm”. Cục Con nuôi quốc tế đã kiến nghị đóng cửa trung tâm thời điểm đó.
Trái với nhận định này, trước đó ít ngày, khi đề cập việc đưa bé Phượng và bé Huy - 2 trường hợp trẻ có dấu hiệu bất thường - tới nơi chăm sóc tốt hơn, GĐ trung tâm Tạ Quang Thuật vẫn khẳng định 2 bé đang được hoàn tất hồ sơ để đi Pháp làm con nuôi.
Ông Long bức xúc cho biết, Cục Con nuôi quốc tế đã làm việc, tác động khá nhiều với địa phương nhưng đến nay, UBND tỉnh Phú Thọ vẫn chưa có trả lời xác đáng. Tỉnh cũng chưa đồng ý giải quyết vấn đề tại trung tâm nuôi dưỡng trẻ bị bỏ rơi này.
Trong đợt rà soát, thanh kiểm tra, Cục Con nuôi quốc tế dù chưa phát hiện sai phạm, nhưng thấy có những hiện tượng thể hiện việc Trung tâm không đảm bảo đủ những điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ nên đã kiến nghị biện pháp xử lý. Còn những dấu hiệu làm sai hồ sơ, gian lận nguồn gốc trẻ, ông Long cho biết công an tỉnh Phú Thọ đang xem xét.
Cục trưởng Cục Con nuôi quốc tế khẳng định các quyết định, hướng giải quyết cần thiết đối với Trung tâm bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Lâm là thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương.
(còn tiếp)