Sai phạm “toàn diện” tại trung tâm Việt Lâm
(Dân trí) - Theo kết quả một cuộc kiểm tra tại Trung tâm Việt Lâm vào tháng 3/2009, số trẻ mắc bệnh chiếm tỷ lệ cao, diện tích ở cho trẻ không được đảm bảo, tiền chi cho công tác nhân sự cao bất hợp lý so với chi phí nuôi dưỡng trẻ...
Nghi vấn về một người chuyên nhặt được… trẻ con
Trong số 4 trung tâm bảo trợ xã hội có chức năng cho nhận con nuôi quốc tế tại Phú Thọ, Việt Lâm đứng đầu về tần suất trẻ “xuất” sang trời tây. Trong một thời gian ngắn từ khi thành lập, 30 trường hợp trẻ bị bỏ rơi đã xuất ngoại, trong đó 29 trường hợp sang Pháp, một cháu làm con nuôi tại Ý.
Cũng trong vòng ít tháng sau khi thành lập, đã có 43 trẻ bị bỏ rơi dồn tới trung tâm. Ông Ngô Công Quyền, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Phú Thọ, xác nhận, số lượng trẻ bị bỏ rơi được đưa đến trung tâm nhiều bất thường, cả những vùng xa như Đoan Hùng, Thanh Ba… cũng đồng loạt đưa trẻ tới Việt Lâm.
“Chúng tôi không lý giải được nghi vấn này. Chúng tôi cũng có hỏi chị Tuyết tại sao có nhiều trẻ như vậy, cũng được trả lời là không biết. Chị ấy còn “đánh đố” kiểu nếu cơ quan tư pháp tỉnh chỉ ra văn bản nói rằng dừng nhặt trẻ thì… bàn tiếp”, ông Quyền không giấu vẻ bức xúc.
Ông Quyền cho biết, bà Đinh Thị Tuyết nguyên là giám đốc Trung tâm bảo trợ trẻ em mồ côi tàn tật Việt Trì, có kinh nghiệm trên 10 năm làm trung tâm nuôi dưỡng. Được biết, dù chưa đến tuổi, năm 2007, bà Tuyết xin nghỉ hưu sớm, bỏ vị trí giám đốc một trung tâm hệ công lập để thành lập trung tâm Việt Lâm.
Cuối tháng 6/2008, Sở Tư pháp Phú Thọ gửi tờ trình đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo dừng hoạt động nhân đạo trong lĩnh vực con nuôi quốc tế đối với Trung tâm Việt Lâm. Ngày 7/7/2008, UBND đồng ý, có quyết định đình chỉ hoạt động này của trung tâm.
Cũng trong thời gian này, Sở tư pháp gửi yêu cầu công an tỉnh Phú Thọ xác minh 6 hồ sơ trẻ có nghi vấn về giấy tờ, nguồn gốc, hiện vẫn đang lưu lại trung tâm. GĐ Ngô Công Quyền cho biết, nghi vấn của Sở xuất phát từ những biên bản tường trình việc phát hiện trẻ bị bỏ rơi có nhiều dấu chữ giống nhau. Ông Quyền đặt câu hỏi về việc có một người chuyên… nhặt được trẻ con.
Trả lời của cơ quan công an, 6 trường hợp trẻ này hồ sơ thể hiện là trẻ sơ sinh bị bỏ rơi ở nhiều xã, huyện trong tỉnh. Tuy nhiên, xác minh tại các xã lại không có. Đến nay, công an vẫn đang tiến hành điều tra, chưa xác định được nguồn gốc thực sự của các bé.
Trước đó, cuối tháng 5/2008 đoàn kiểm tra liên ngành của Sở tài chính, Công an và Tư pháp cũng phát hiện vấn đề thu chi tài chính ở Trung tâm Việt Lâm gần như không có cơ quan kiểm soát.
Chi cho trẻ ít, chi lương cán bộ nhân viên nhiều
Ngay trước ngày Dân trí lên tiếng về thực trạng trẻ được chăm nuôi tại trung tâm bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Lâm (thị trấn Hùng Sơ, huyện Lâm Thao, Phú Thọ), UBND huyện đã lập đoàn kiểm tra cơ sở. Trưởng phòng LĐ-TB&XH Ngô Đức Sáu xác nhận nhiều điểm bất thường,
Số trẻ đang mắc bệnh chiếm tỷ lệ cao, trong đó có 5 bé mắc bệnh ngoài da, 2 bé vừa bị bệnh ngoài da vừa bị bệnh về hô hấp, 2 bé bị suy dinh dưỡng. 1 bé có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần.
Đội ngũ nhân viên trực tiếp chăm sóc kiêm nhiệm cả công các dinh dưỡng trẻ có 3 người, trong đó bà Đỗ Thị Dung, vợ Phó GĐ phụ trách Tạ Quang Thuật làm bán thời gian. Ông Thuật, bà Đinh Thị Tuyết (Phó GĐ, Uỷ viên HĐQT) và chị gái Đinh Thị Nguyệt (cán bộ y tế, hợp đồng khi có trẻ mắc bệnh thì làm việc) là 3 cán bộ gián tiếp.
Đoàn kiểm tra khẳng định, lượng cán bộ không đảm bảo. Theo quy định, Việt Lâm đáng ra phải đảm bảo 1 người chăm sóc/1 trẻ dưới 18 tháng tuổi, trong khi hiện 10/12 trẻ tại trung tâm đều ở độ tuổi này.
Cơ cấu nhân viên cũng không phù hợp khi tỷ lệ cán bộ hành chính chiếm tới 50%, trong khi quy định về điều kiện thành lập, tổ chức, hoạt động của các cơ sở bảo trợ xã hội giới hạn ở mức 20%.
Việc thu chi tài chính, theo báo cáo của trung tâm, từ tháng 8/2007 đến nay đã nhận được hơn 503 triệu đồng tài trợ, chi hết 507 triệu đồng. Trong số chi, khoản lớn nhất dành cho lương cán bộ nhân viên (sấp xỉ 200 triệu đồng, gần 40%). Khoản chi thực phẩm cho trẻ gần 173 triệu đồng, bằng 30%. Việc chi này, đoàn kiểm tra cho rằng không cân đối, chi cho trẻ ít, chi lương cho cán bộ nhân viên cao.
Với những dấu hiệu sai phạm như vậy, Phòng LĐ-TB&XH huyện Lâm Thao ra hạn chót với những người lãnh đạo trung tâm, phải có hồ sơ đầy đủ trước 10/4, khắc phục những điểm vi phạm. Nếu không có khả năng hoàn thành các nội dung yêu cầu, trung tâm phải lập hồ sơ xin giải thể trình UBND huyện trước 20/4.
Ảnh: Việt Hưng
(còn tiếp)