1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Cuộc sống mới của “12 phận đời bị chối bỏ”

(Dân trí) - Được các “mẹ” chăm sóc cẩn thận, tắm rửa sạch sẽ, ăn uống đúng giờ giấc - cuộc sống của 12 cháu bé từng ở trung tâm Việt Lâm đã khá hơn trước rất nhiều từ khi chuyển về Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Phú Thọ.

 
Ngon giấc trong vòng tay “mẹ” mới

Mới đi đến cổng Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Phú Thọ (xã Yên Kiện, Đoan Hùng), tiếng cười rộn rã của con trẻ như xua tan đi bao mệt nhọc của chặng đường dài đầy bụi bặm. Dọc hành lang của dãy nhà cấp 4 thoáng mát, bốn năm bà “mẹ” đang nô đùa cùng bọn trẻ. Đứa nào cũng trắng trẻo, sạch sẽ, cười khanh khách. Thỉnh thoảng lại có đứa khóc ré lên vì không được bế.

Hai chị em Phương, Phượng trông lém lỉnh, tinh ranh hơn đôi chút, đứng chụp ảnh còn biết tạo dáng cho đẹp. Thằng cu Long thấy người lạ mở tròn mắt nhìn mãi không thôi. Mấy đứa trẻ xúm xít bên các bà “mẹ”, thấy người lạ cũng theo mà không hề sợ sệt.
 
Cuộc sống mới của “12 phận đời bị chối bỏ” - 1
Các bé trong ngôi nhà mới

Trong phòng còn mấy đứa đang ngủ. Trên chiếc giường nhỏ có trải đệm bằng một chiếc chăn bông mỏng, chúng đánh giấc ngon lành. Các “mẹ” phải luôn mắt trông chừng kẻo chúng dậy lúc nào không hay, lại quờ quạng lăn xuống đất. Bây giờ khác trước, giấc ngủ của chúng không còn bị “trói buộc” nữa.

Vừa trông chừng bọn trẻ, “mẹ” Tám kể tôi nghe về cái hôm đầu tiếp nhận các cháu. Chiều tối hôm đó, xe đưa các cháu đến nơi, các “mẹ” ra đón, bọn nhỏ ào ra, bám riết lấy các “mẹ” như những đứa trẻ bình thường đã cả ngày ngồi trông mẹ về chợ. Đứa nào cũng cố bám thật chặt “mẹ”. Cứ hễ thả xuống là chúng khóc thét lên.

Ông Nguyễn Quốc Sửu, giám đốc trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh tận tay bế các cháu vào nhà mới cũng bị bọn trẻ bám chặt lấy. Bất ngờ và xúc động, lúc ấy ông nghĩ mà thương cho bọn nhỏ: “Có lẽ lâu rồi không được ai ôm ấp nên chúng “thèm” bế”. Không cần biết là ai, cứ chìa hai tay ra là chúng theo hết, và bám thật chặt như có một nỗi sợ nào đó đeo bám.

Nhìn lũ trẻ còi cọc, xanh xao, các “mẹ” không khỏi mủi lòng. Vội vã, ông Sửu lệnh cho các “mẹ” tắm rửa ngay cho các cháu. Một nồi cháo thịt thơm lừng đã được chuẩn bị từ trước để đón lũ trẻ. Háu đói, lại lâu rồi không được ăn đủ chất, bọn trẻ xúm lại quanh các đĩa cháo. Các mẹ phải xúc, phải thổi liền tay mới kịp tốc độ “tằm ăn dỗi” của bọn nhỏ.

No rồi, chúng lăn ra ngủ cả lượt. Có lẽ lâu lắm rồi, bọn trẻ mới được ăn một bữa no nê đến vậy. Và giấc ngủ đêm đó là giấc ngủ thoải mái đầu tiên sau bao ngày bị lãng quên ở “ngôi nhà cũ”.
 
Cuộc sống mới của “12 phận đời bị chối bỏ” - 2
Giấc ngủ không còn bị "trói buộc"
 
Đợi chờ một tương lai

“Mới được 2 hôm mà trông đứa nào cũng trắng trẻo, sạch sẽ hơn trước nhiều” - ông Sửu tâm sự. 12 cháu bé chuyển từ trung tâm Việt Lâm về đây được ghép với 7 cháu đã ở từ trước. Các cháu sẽ được chia nhỏ về các phòng, mỗi phòng 4 cháu do 2 “mẹ” chăm sóc. So với cái mức 2 “mẹ” chăm 12 con như ở Việt Lâm, chắc chắn rằng bọn trẻ sẽ có được sự quan tâm, săn sóc cẩn thận hơn.

Phòng ở của các cháu cũng rất thoáng đãng, sạch sẽ. Dù là dãy nhà cấp 4 nhưng nền cao, rất thoáng mát. Nền đá hoa, được lau sạch sẽ để các cháu vô tư chơi đùa dưới sàn nhà.

Một phòng dành cho 4 cháu rộng hơn phòng của 12 cháu ở Việt Lâm. Phòng rộng ngót 30 mét vuông được chia ra làm 3 phòng nhỏ: một phòng lớn để các cháu ăn ngủ, có cả tivi “phục vụ” các cháu; hai phòng nhỏ được dùng làm phòng tắm và phòng bếp. Mỗi phòng có 2 giường.

Buổi tối, các mẹ ngủ luôn bên bọn trẻ, túc trực ngày đêm chăm sóc chúng. Ở đây các cháu sẽ không còn phải chịu cảnh tắm bằng nước lạnh mùa đông nữa. Phòng nào cũng được trang bị bình nóng lạnh và cả quạt sưởi để giữ ấm cho các cháu khi ngủ.
 
Cuộc sống mới của “12 phận đời bị chối bỏ” - 3
Ngôi nhà mới luôn đầy ắp tiếng cười của các cháu

Trung tâm còn tổ chức khám và chữa các bệnh ngoài da cho chúng. Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh có một phòng y tế riêng với 5 y, bác sỹ luôn túc trực.

Khẩu phần ăn của mỗi cháu bây giờ là 600.000 đồng/tháng. Số tiền trên lấy từ nguồn hỗ trợ của tỉnh 500 nghìn và 100 nghìn từ tấm lòng của các nhà hảo tâm. Các khoản khác như quần áo, y tế được tính riêng để đảm bảo cho các cháu có điều kiện sinh hoạt tốt hơn.

Một ngày, bọn trẻ được ăn hai bữa chính vào lúc 10 giờ sáng và 4 giờ chiều. Bữa ăn diễn ra ấm cúng như trong một gia đình, không có cảnh chen chúc, tranh nhau từng thìa cháo, nhưng 2 “mẹ” cũng phải luôn tay mới đáp ứng được bọn trẻ háu đói. Ngoài bữa chính, hàng ngày, mỗi cháu đều được uống sữa theo tỷ lệ tuổi riêng. Trung tâm cũng chỉ dùng một loại sữa, thế nên khi nhận bàn giao các cháu từ trung tâm Việt Lâm, trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh đã từ chối nhận các loại sữa khác nhau mà các nhà hảo tâm mang đến trong những ngày vừa qua.

Buổi chiều, bọn trẻ ra hết ngoài hành lang nô đùa. Các “mẹ” cũng phải luôn tay đỡ đứa này, dỗ đứa khác. Mới được 2 hôm nhưng các “mẹ” cũng đã kịp nhớ hết tên các cháu. “Mẹ” Tám, “mẹ” Vĩnh xem ra vất vả nhất. Ba cháu Huy, Long và Việt, cháu nào cũng hiếu động, không lúc nào nghỉ chân nghỉ tay. Mà “mẹ” cứ rời nửa bước là chúng lại khóc thét lên đòi mẹ. Bận bịu nhưng các chị, những người “mẹ” ấy luôn vui vẻ vì trong lòng ai cũng có một niềm thương yêu lớn lao dành cho các cháu.

Một cuộc sống mới đã đến với các cháu. Một tương lai mới đang chờ đón những thân phận từng bị lãng quên!
 
Ông Nguyễn Quốc Sửu, giám đốc trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh cho biết, việc tiếp nhận các cháu theo chỉ đạo của tỉnh hơi gấp gáp nhưng trung tâm cũng đã kịp thời bố trí chỗ ăn, chỗ nghỉ cho các cháu. Các “mẹ” ở đây đều là những người có tâm, rất thương bọn trẻ. Hầu hết các “mẹ” đều chưa có gia đình nhưng việc chăm sóc các cháu rất thành thạo.
 
Ông Nguyễn Phúc Phú, Phó giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Phú Thọ, người trực tiếp chỉ đạo việc chuyển các cháu về nhà mới cho hay, Sở đã giao nhiệm vụ cho trung tâm và đã dặn dò rất kỹ vì đây là những đứa trẻ đặc biệt, từng bị “bỏ rơi” bao ngày. Hiện Sở đã trình tỉnh xin ý kiến về việc hỗ trợ các cháu, đồng thời cũng vận động các nhà hảo tâm trong và ngoài nước giúp đỡ các cháu.
 
 
Tiến Nguyên