DNews

Trọng trách của Đà Nẵng trước mô hình đột phá đầu tiên ở Việt Nam

Hoài Sơn

(Dân trí) - Nhắc đến khu thương mại tự do, ông Huỳnh Huy Hòa nói đề xuất mô hình này thể hiện quyết tâm của Đà Nẵng. Đây là trọng trách nặng nề với Trung ương, người dân khi chưa có văn bản pháp lý hoàn chỉnh.

Trọng trách của Đà Nẵng trước mô hình đột phá đầu tiên ở Việt Nam

Quốc hội đã đồng ý thành lập Khu Thương mại tự do (KTMTD) Đà Nẵng gắn với cảng biển Liên Chiểu. Đây được xem là sự đột phá của Đà Nẵng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và cũng là thách thức lớn với địa phương này.

Đề xuất chính sách mới khi luật chưa có khái niệm

Ông Huỳnh Huy Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội TP Đà Nẵng, cho hay, Đà Nẵng là một thành phố năng động, có vị trí quan trọng, đã đạt được những thành tựu nổi bật trên nhiều lĩnh vực trong thời gian qua.

Trọng trách của Đà Nẵng trước mô hình đột phá đầu tiên ở Việt Nam - 1

Khu vực xây cảng biển Liên Chiểu nơi gắn với KTMTD Đà Nẵng (Ảnh: Hoài Sơn).

Qua đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, địa phương này có nhiều chỉ tiêu chưa đạt được, quy mô nền kinh tế còn khá nhỏ; không gian và dư địa phát triển bắt đầu có xu hướng bó hẹp.

Ông Hòa cho rằng, nếu không kịp thời có những cơ chế đột phá đặc thù, tạo dư địa để phát triển, nhất là về đất đai thì con đường phát triển phía trước của Đà Nẵng gặp nhiều khó khăn. Do vậy, rất cần những cơ chế, chính sách mới đột phá, vượt trội để Đà Nẵng vừa phát huy được vai trò là trung tâm vùng kinh tế động lực miền Trung cũng như khu vực miền Trung - Tây Nguyên, tạo xung lực mới cho phát triển.

Trên cơ sở đó, Đà Nẵng đã phối hợp chặt chẽ cùng các bộ, ngành, cơ quan liên quan đề xuất Quốc hội xem xét, ban hành nghị quyết với 30 chính sách. Trong đó, có 9 chính sách về tổ chức chính quyền đô thị, 21 chính sách về phát triển đặc thù TP Đà Nẵng.

Có 2 chính sách rất đáng quan tâm, mang tính chất đột phá, thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Đà Nẵng. Đó là cơ chế chính sách phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và chính sách thí điểm thành lập KTMTD gắn với cảng biển Liên Chiểu. Đây là chính sách thành phố đề xuất mới, ngay cả "trong luật chưa có khái niệm".

"Các chính sách đặc thù vượt trội lần này được Quốc hội thông qua sẽ là xung lực để thúc đẩy mạnh mẽ hơn cho sự phát triển của Đà Nẵng trong thời gian tới và phát huy hơn nữa vai trò, sứ mệnh của mình", ông Hòa nhận định.

Trọng trách của Đà Nẵng trước mô hình đột phá đầu tiên ở Việt Nam - 2

Ông Huỳnh Huy Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội TP Đà Nẵng (Ảnh: Hội đồng nhân dân).

Còn ông Vũ Quang Hùng, Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao và Các khu công nghiệp Đà Nẵng, đánh giá việc thí điểm thành lập KTMTD Đà Nẵng được xem là bước đột phá trong các chính sách thành phố đề xuất.

Việc hình thành KTMTD là cơ sở góp phần thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư FDI vào Đà Nẵng và vùng động lực miền Trung, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng và cả nước.

Theo ông Hùng, KTMTD Đà Nẵng được thành lập để thực hiện thí điểm các cơ chế chính sách mới, tiên tiến. Để KTMTD thực sự có sức hút, tạo ra động lực thúc đẩy phát triển, Đà Nẵng đã đề xuất một số chính sách ở các lĩnh vực quan trọng như đất đai, ưu đãi đầu tư, thuế quan... nhằm hình thành cơ chế hoạt động thuận lợi cho nhà đầu tư.

Chẳng hạn như về ưu đãi đầu tư, thời hạn hoạt động của dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu chức năng thuộc KTMTD Đà Nẵng và dự án của nhà đầu tư thuê lại đất tại KTMTD Đà Nẵng được áp dụng như dự án đầu tư trong khu kinh tế...

Trọng trách nặng nề với Trung ương và người dân

Đánh giá về lợi thế trong việc triển khai KTMTD, ông Vũ Quang Hùng, Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao và Các khu công nghiệp Đà Nẵng, cho rằng địa phương này được nhận định là thành phố có nhiều thuận lợi và điều kiện phù hợp để thực hiện.

Trọng trách của Đà Nẵng trước mô hình đột phá đầu tiên ở Việt Nam - 3

Ông Vũ Quang Hùng, Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao và Các khu công nghiệp Đà Nẵng (Ảnh: Hội đồng nhân dân).

KTMTD là 1 trong 12 quy hoạch phân khu của TP Đà Nẵng, vị trí quy hoạch có tổng diện tích gần 1.300ha với những dự án đầu tư chiến lược, trở thành phân khu đô thị cảng biển lớn của khu vực như: cảng biển Liên Chiểu, ga Kim Liên thuộc tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam, trung tâm logistic, khu công nghệ cao…

Đồng thời, nơi đây tiếp giáp với các khu, điểm du lịch đang và sẽ định hình thương hiệu du lịch Đà Nẵng và miền Trung để hình thành một khu vực năng động, có tiềm năng, thu hút các tập đoàn quốc tế xây dựng các trung tâm mua sắm tập trung; các dịch vụ chất lượng cao làm đa dạng hoạt động thương mại, dịch vụ, từ đó gắn với vai trò trung tâm của TP Đà Nẵng theo đúng tinh thần Nghị quyết số 43 của Bộ Chính trị.

Ông Huỳnh Huy Hòa cho rằng, Đà Nẵng đã có sự ủng hộ về chủ trương, cơ sở chính trị vững chắc. Nghị quyết số 43 và kết luận số 79 là các quyết sách chính trị của Đảng, đề ra các chủ trương, định hướng mang tính chiến lược để xây dựng và phát triển Đà Nẵng trong tầm nhìn dài hạn, làm căn cứ chính trị để các cơ quan Nhà nước cụ thể hóa bằng các văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thực hiện nhằm đạt được các mục tiêu đề ra.

Đà Nẵng có diện tích tự nhiên không nhiều nhưng lại có những lợi thế về vị trí địa lý, hạ tầng. Thành phố nằm trong số rất ít địa phương có cả cảng biển, cảng hàng không quốc tế. Cảng biển của Đà Nẵng đều có vai trò trọng điểm trong khu vực miền Trung.

Trọng trách của Đà Nẵng trước mô hình đột phá đầu tiên ở Việt Nam - 4

Khu Công nghệ cao tại xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng (Ảnh: Hoài Sơn).

Nhiều tuyến đường quan trọng của quốc gia đi qua Đà Nẵng giúp thành phố có ưu điểm vượt trội về kinh tế, thương mại, dịch vụ và du lịch, không chỉ trong nước mà ở cả khu vực Đông Nam Á. Đà Nẵng cũng có thế mạnh trong sản xuất, phát triển công nghệ cao, điểm du lịch lý tưởng, thu hút khách du lịch hàng đầu của cả nước.

Thành phố có kinh nghiệm trong xây dựng một số mô hình tương đồng với KTMTD như khu công nghệ cao, khu công nghiệp. Đây là một trong những cơ sở quan trọng để nghiên cứu các chính sách mới, chuyên biệt hơn, nâng cao hơn cho KTMTD, tránh yếu tố bất lợi có thể xảy ra để phát triển thành công mô hình này; tạo xung lực phát triển mới, thúc đẩy hơn nữa vai trò của Đà Nẵng trong khu vực và cả nước.

Ông Hòa nhận định, việc đề xuất xây dựng KTMTD thể hiện ý chí, quyết tâm của Đà Nẵng nhưng cũng là trọng trách nặng nề với Trung ương và người dân. Mô hình này chưa có hệ thống văn bản pháp lý quy định hoàn chỉnh.

Cơ sở lan tỏa và kinh nghiệm quý giá

Theo ông Huỳnh Huy Hòa, Đà Nẵng đi tiên phong, nên có những khó khăn chưa lường được hết. Trong đó, xây dựng một hành lang pháp lý, cơ chế chính sách hoàn toàn mới để áp dụng trong thực tế là nhiệm vụ rất khó.

Đà Nẵng phải tìm cách tận dụng hết ưu việt của mô hình này, phục vụ cho phát triển, quy hoạch chung, phù hợp với tổng thể. Nếu mô hình thành công sẽ là cơ sở để lan tỏa ra cả nước. Nếu thành công một phần cũng là kinh nghiệm quý giá để người làm chính sách hoàn thiện các quy định.

"Thậm chí trong điều kiện mô hình này chưa phù hợp với Đà Nẵng cũng là một kinh nghiệm thực tiễn quý giá để đánh giá tính hiệu quả, khả thi nếu xây dựng tại các địa phương có điều kiện, nhu cầu phát triển như Hải Phòng, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, TPHCM hay Hà Nội", ông Hòa nhấn mạnh.

Trọng trách của Đà Nẵng trước mô hình đột phá đầu tiên ở Việt Nam - 5

Việc xây cảng biển Liên Chiểu giúp giảm tải cho cảng Tiên Sa hiện hữu (Ảnh: Hoài Sơn).

Ông Hòa cũng cho biết, hơn một năm qua, thành phố đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, thu thập ý kiến các bộ, ngành và nhiều địa phương. Chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành cũng làm việc ngày đêm để thành phố có cơ sở trình Chính phủ chính sách đặc thù thí điểm thành lập KTMTD.

Để đưa chính sách vào thực tiễn, công việc của Đà Nẵng sẽ nhiều hơn, vất vả hơn nhưng phải quyết tâm cao hơn. Đây là trách nhiệm không của riêng TP Đà Nẵng mà với cả vùng Bắc Trung Bộ, Duyên hải miền Trung và cả nước.

Trong khi đó, ông Vũ Quang Hùng cho rằng, việc thành lập KTMTD Đà Nẵng sẽ không tránh khỏi tác động nhất định đến chính sách quản lý quy hoạch, đất đai, giải phóng mặt bằng, giải tỏa, bồi thường và tái định cư cho các hộ dân tại khu vực dự án triển khai. Đặc biệt là vấn đề an sinh, chuyển đổi cơ cấu lao động sau khi thu hồi đất...

Do vậy, Đà Nẵng cần có phương án khảo sát, đánh giá, vận động phù hợp để có thể triển khai thuận lợi, nhanh chóng.

Sự hình thành và hoạt động hiệu quả của KTMTD sẽ là điểm thu hút, tập trung dân cư, khách du lịch, người nước ngoài đến sinh sống, làm việc và hoạt động kinh doanh quanh khu vực KTMTD cũng như trên địa bàn TP Đà Nẵng.

Bên cạnh việc thúc đẩy nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, nguồn lực lao động phát triển tại địa phương còn đặt ra thách thức cho chính quyền các cấp về công tác đảm bảo an ninh trật tự, an ninh kinh tế, an ninh quốc gia trên địa bàn thành phố.

Nhận thức rất rõ về các rủi ro khi triển khai KTMTD nên trong quá trình đề xuất, xây dựng chính sách liên quan, Đà Nẵng đã rà soát toàn diện, kỹ lưỡng các mặt tác động của chính sách khi trình Trung ương.

Trọng trách của Đà Nẵng trước mô hình đột phá đầu tiên ở Việt Nam - 6

Đà Nẵng có kinh nghiệm trong xây dựng một số mô hình tương đồng với KTMTD như khu công nghệ cao (Ảnh: Hoài Sơn).

Việc là địa phương được lựa chọn để thực hiện thí điểm các chính sách cho thấy Đà Nẵng hội tụ nhiều điều kiện bao gồm về năng lực quản trị hành chính địa phương và mức độ phát triển kinh tế - xã hội.

Theo quan điểm cá nhân ông Hùng, đây là điểm tích cực trong việc tạo cơ hội, điều kiện thúc đẩy phát triển thành phố, góp phần giúp thành phố luôn tiên phong trong công cuộc cùng đất nước đổi mới, phát triển.

"Đương nhiên, đi đôi với cơ hội luôn là thách thức. Ngoài nỗ lực của chính quyền và người dân thành phố thì sự ủng hộ của Trung ương là điều kiện cần để thành phố vững tâm triển khai và triển khai hiệu quả các chính sách được Trung ương lựa chọn thí điểm", ông Hùng nói.

Kỳ vọng của địa phương và mong muốn của người dân

Theo ông Hoàng Thanh Hòa, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, địa phương rất kỳ vọng trở thành điểm sáng khi thành lập KTMTD gắn với cảng biển Liên Chiểu vì dự kiến khu logistics sẽ tập trung ở khu vực này.

Tạo ra cú hích với ngành du lịch Đà Nẵng

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng, nhận định, những chính sách được thông qua sẽ tạo ra cú hích với ngành du lịch nói riêng và tổng thể kinh tế thành phố nói chung. Đây là điều kiện tiền đề để Đà Nẵng bước sang một trang mới trong lịch sử phát triển của thành phố.

Đối với riêng ngành du lịch, ông Dũng cho hay, các chính sách được thông qua sẽ giúp phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, thúc đẩy lượng khách đến trao đổi, làm ăn, công tác, từ đó tạo ra sự cộng hưởng cho nghành du lịch của thành phố phát triển.

Bên cạnh đó, việc thí điểm KTMTD sẽ có khu ưu đãi về thuế là điểm đến hấp dẫn cho du khách khi họ có cơ hội tiếp cận những hàng hóa có chất lượng cao, độc đáo nhưng với chi phí hợp lý hơn.

Ông Hòa cho rằng, KTMTD gắn với cảng biển Liên Chiểu được thành lập sẽ thúc đẩy phát triển về thương mại, du lịch, thu hút đầu tư trên địa bàn quận. Từ đó, góp phần tăng nguồn thu cho quận cũng như tạo ra công ăn việc làm cho người dân địa phương.

Chủ tịch quận Liên Chiểu cho biết, hiện nay địa phương có một số tuyến đường dự kiến kết nối cảng Liên Chiểu đến với KTMTD như Tạ Quang Bửu, đường nối cảng ven biển đang xây dựng. Sau khi có các dự án lớn được đầu tư, địa phương sẽ cố gắng nghiên cứu, ưu tiên cho người dân khu vực cảng Liên Chiểu vào làm việc để chuyển đổi ngành nghề.

"Lâu nay người dân chủ yếu làm nghề thủ công, nên khi có các dự án lớn, những người có tay nghề sẽ được chuyển đổi ngành nghề phù hợp với chuyên môn, người không có tay nghề sẽ làm các công việc khác", ông Hòa chia sẻ.

Ông Cường (trú phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) cho hay, người dân sinh sống gần khu vực xây dựng cảng biển Liên Chiểu chủ yếu hành nghề đánh bắt hải sản gần bờ. Khi có chủ trương xây cảng, hầu hết người dân ủng hộ vì góp phần phát triển kinh tế, làm thay đổi một phần bộ mặt của địa phương.

Tuy nhiên, ông Cường cho rằng, việc xây cảng ít nhiều ảnh hưởng đến nghề đánh bắt thủy sản của người dân. Trong khi đó, những người khoảng 45 tuổi trở lên khó chuyển đổi ngành nghề hơn những người trẻ.

"Ở đây những người trẻ hầu hết đã đi làm công ty, còn những người trung niên bám biển từ xưa đến giờ nên rất khó "lên bờ" để làm công việc khác. Vì thế tôi kiến nghị địa phương ngoài việc chuyển đổi ngành nghề, cần nghiên cứu chỗ neo đậu tàu thuyền ổn định cho ngư dân tiếp tục bám biển", ông Cường nói.

Bài liên quan:

- Khu Thương mại tự do Đà Nẵng: Mô hình đột phá đầu tiên ở Việt Nam

- Khu Thương mại tự do Đà Nẵng - nơi có thể hút khách du lịch đến tiêu tiền

- Ngắm cảng biển gắn với Khu Thương mại tự do Đà Nẵng từ trên cao

- Công trường đường nối cảng biển gắn với Khu Thương mại tự do Đà Nẵng