Bí thư Đà Nẵng: Chấp nhận rủi ro khi thí điểm Khu thương mại tự do
(Dân trí) - Nhận định đề xuất thí điểm Khu thương mại tự do là bước đột phá, Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng khẳng định thành phố chấp nhận rủi ro. "Nếu thành công, đây sẽ là nền tảng nhân rộng cả nước", ông nói.
Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng được các đại biểu Quốc hội thảo luận trong phiên làm việc tại tổ chiều 31/5.
Nhiều tập đoàn công nghệ lớn đã sẵn sàng đầu tư vào Đà Nẵng
Báo cáo thêm về bối cảnh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết theo tinh thần nghị quyết của Bộ Chính trị, Đà Nẵng sẽ trở thành trung tâm của vùng và cả nước, phát triển trở thành một thành phố đạt đẳng cấp quốc tế và khu vực.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, mục tiêu ấy đều không đạt được.
"Nếu không có những cơ chế đột phá, đặc thù, Đà Nẵng sẽ không đạt được mục tiêu mà nghị quyết của Bộ Chính trị và Trung ương đã đặt ra", ông Quảng nói.
Bí thư Đà Nẵng phân tích hiện nay, dư địa phát triển, đặc biệt dư địa về đất đai của thành phố đã có những hạn chế nhất định. Địa phương vì thế định hướng vào phát triển xanh, phát triển bền vững dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, triển khai những chính sách mới trong thu hút đầu tư.
Trong 5 chính sách mới được đề xuất cho Đà Nẵng lần này có 2 chính sách rất đáng quan tâm.
Một là Đà Nẵng mạnh dạn đề xuất thí điểm Khu thương mại tự do. Việc này, theo ông Quảng, đã được Bộ Chính trị đồng ý và được quy định trong một điều của dự thảo nghị quyết.
Người đứng đầu Đảng bộ TP Đà Nẵng nhìn nhận đây là một trong những đột phá thể hiện tinh thần dám nghĩ dám làm của địa phương, trong việc thử nghiệm một mô hình đã được thế giới khẳng định nhưng chưa có tiền lệ, chưa có thực tiễn ở Việt Nam.
"Xác định việc này có rủi ro, nhưng chúng tôi chấp nhận rủi ro đó. Nếu thành công, đây sẽ là nền tảng nhân rộng cho cả nước, còn rủi ro thành phố là người sẽ gánh chịu", ông Quảng nêu quyết tâm.
Đà Nẵng cũng hướng tới mục tiêu phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, thu hút nguồn lực cho phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Ông Quảng nhắc lại một trong những mục tiêu mà Quốc hội, Chính phủ đặt ra là tập trung xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho một số ngành, lĩnh vực, trong đó có công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.
Đặc biệt, theo Bí thư Đà Nẵng, có lĩnh vực rất phù hợp với người Việt Nam như thiết kế chip bán dẫn, chip AI, trên cơ sở đó có cơ chế để thu hút các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới như ARM, Ampere, Qualcomm, Intel… đầu tư vào thành phố. "Hiện nay, các nhà đầu tư lớn đã đặt vấn đề, chỉ chờ cơ chế chính sách này sẽ bắt đầu đầu tư vào thành phố", ông Quảng nói.
Chia sẻ thêm, lãnh đạo Đà Nẵng chỉ ra một điểm mới rất khác so với nhiều địa phương là Đà Nẵng không dựa vào nguồn lực xin của Trung ương mà xây dựng chính sách để tự chủ nguồn lực của thành phố và huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển.
Cùng quan điểm khi đánh giá về dư địa phát triển của Đà Nẵng, đại biểu Lương Văn Hùng (Quảng Ngãi), cho rằng thành phố phát triển chưa tương xứng với tiềm năng phát triển và xung lực.
Do đó, quyết sách kịp thời tạo dư địa đáp ứng yêu cầu thực tiễn để Đà Nẵng phát triển đột phá, theo đại biểu, là rất cần thiết.
Ủng hộ việc thí điểm Khu thương mại tự do Đà Nẵng, đại biểu Hùng cho rằng đây là mô hình mới ở Việt Nam nhưng các nước đã có từ lâu và cũng đã chứng minh được hiệu quả mang lại cho nền kinh tế.
Vị đại biểu cho rằng việc thí điểm sẽ mang lại môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn để thu hút các nhà đầu tư chiến lược.
Kiến nghị thí điểm Khu thương mại, tài chính tự do để hút vốn
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) góp ý với cơ chế cho Đà Nẵng, cần bổ sung thêm những chính sách ưu tiên đặc biệt và khả thi nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào thành phố, song cũng cần đi kèm điều kiện mà nhà đầu tư phải đáp ứng.
Điều kiện đó là "phải có cam kết bằng văn bản về việc hợp tác với doanh nghiệp địa phương". "Nếu điều kiện này được đưa vào sẽ thúc đẩy chuyển giao công nghệ và kiến thức, đồng thời hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương", bà Nga nói.
Một điều kiện khác cần bổ sung, theo bà Nga, nhà đầu tư phải cam kết đầu tư dài hạn, có kế hoạch phát triển bền vững tại Đà Nẵng; tham gia thành lập và phát triển các trung tâm nghiên cứu, phát triển của thành phố và tham gia vào các dự án nghiên cứu khoa học của địa phương.
Với đề xuất thí điểm Khu thương mại tự do, nữ đại biểu tỉnh Hải Dương góp ý có thể thành lập Khu thương mại, tài chính tự do vì đây sẽ là bước đi chiến lược để thúc đẩy sự phát triển toàn diện, bền vững của Đà Nẵng.
Theo bà, việc kết hợp giữa thương mại và tài chính trong cùng một khu vực tự do sẽ tạo ra được một môi trường giao dịch linh hoạt, thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp. Điều này cũng giúp giảm thiểu chi phí giao dịch và thời gian xử lý, từ đó thúc đẩy nguồn vốn đầu tư vào Đà Nẵng tốt hơn.
Bên cạnh đó đó, khu vực thương mại, tài chính tự do có thể cung cấp những dịch vụ tài chính tiên tiến như dịch vụ ngân hàng, dịch vụ bảo hiểm hay quỹ đầu tư, từ đó hy vọng có thể thu hút được các tập đoàn tài chính lớn và các nhà đầu tư quốc tế đến Đà Nẵng.
Ngoài ra, việc thí điểm thành lập khu thương mại, tài chính tự do ở Đà Nẵng sẽ giúp thu hút nguồn tài chính từ các tập đoàn lớn, giúp Đà Nẵng cạnh tranh với các trung tâm kinh tế lớn khác trong khu vực như Singapore, Hồng Kông, những nơi có khu vực tài chính phát triển mạnh mẽ.