1. Dòng sự kiện:
  2. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh
  3. Vi phạm giao thông ở các thành phố lớn

“Trong cơ quan Nhà nước có người chỉ đi đi về về, không làm được việc gì!”

(Dân trí) - Theo đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Trà – Phó Chủ nhiệm UB Kiểm tra Trung ương, trong cơ quan Nhà nước, có người chỉ đi đi về về, không làm được việc gì. Bản thân họ rất muốn về hưu sớm, nhưng vướng cơ chế chính sách nên không thể thực hiện.

Chiều ngày 29/5, thảo luận tại tổ về Bộ Luật lao động (sửa đổi), đại biểu Lê Tấn Tới (đoàn Bạc Liêu) cho rằng, việc tăng tuổi nghỉ hưu (dù có lộ trình) sẽ tác động rất lớn đến những sinh viên khi ra trường và những người trong độ tuổi cận kề với người chuẩn bị về hưu.

“Trong cơ quan Nhà nước có người chỉ đi đi về về, không làm được việc gì!” - 1

Đại biểu Lê Tấn Tới - Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu cho rằng, không nên tăng tuổi nghỉ hưu

“Nước ta đang phát triển, rất cần tuổi trẻ vươn lên. Thế nhưng, như dự luật hiện nay, một ông 60 tuổi về hưu, được điều chỉnh tăng lên 62 tuổi, thì chỉ cần 2-3 ông Vụ trưởng như vậy là chịu rồi, không có chỗ cho người trẻ! Như thế tác động rất lớn. Quan điểm của tôi là không nên tăng tuổi nghỉ hưu bởi Việt Nam chưa bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu Lê Tấn Tới nói.

Cùng vấn đề trên, đại biểu Hoàng Văn Trà (đoàn Phú Yên) – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương lại cho rằng, tăng tuổi nghỉ hưu là xu thế tất yếu, không thể làm khác được. Thực tế, hiện tuổi thọ và kể cả sức khỏe người Việt Nam cũng đã cao lên như các nước.

“Tăng tuổi nghỉ hưu, cũng có ý kiến dẫn đến xung đột việc làm với lớp trẻ bởi tâm lý sợ không có việc làm. Tuy nhiên, theo tôi, ở đây không phải là việc người này làm mất việc của người kia”, đại biểu Trà nói và cho rằng, ban soạn thảo luật cần phân tích rõ hơn để tăng tính thuyết phục cho lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu.

“Trong cơ quan Nhà nước có người chỉ đi đi về về, không làm được việc gì!” - 2

Đại biểu Hoàng Văn Trà (đoàn Phú Yên) – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Đại biểu Hoàng Văn Trà cũng dành nhiều thời gian phân tích quyền về hưu sớm. Theo ông, thực tế, trong cơ quan Nhà nước có người chỉ đi đi về về, không làm được việc gì. Vì vậy, những người này rất muốn về hưu sớm nhưng chế độ chính sách hiện nay không thực hiện được, bởi chưa đủ tháng, chưa đủ ngày mà nghỉ thì ảnh hưởng đến tiền lương.

“Họ không làm được gì, nhưng lại chiếm một vị trí trong cơ quan, trong khi đó, muốn bổ nhiệm một người mới vào vị trí đó thì sẽ... tắc. Ví như một Phó Giám đốc Sở muốn về lắm cũng không về được mà còn làm một ông Trưởng phòng cũng không lên được”, đại biểu Trà nói và cho rằng, trong quy định cần phải “mềm” hơn một chút về quyền nghỉ hưu sớm hoặc muộn.

Cá nhân đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đồng tình với việc tăng tuổi nghỉ hưu nhưng đề nghị cần phải xét từng đối tượng cụ thể, không nên làm đại trà. Bởi nhiều cán bộ, công chức “không ham” với việc tăng tuổi nghỉ hưu.

“Anh em toàn gửi gắm tôi phản ánh rằng đừng tăng tuổi nghỉ hưu, thậm chí còn được mong nghỉ sớm”, đại biểu Hòa nói.

Thực tế, theo đại biểu Hòa, hiện nay, nhiều sinh viên ra trường không có việc làm ổn định, nếu tăng tuổi nghỉ hưu thì mất cơ hội của họ. “Mình cứ ngồi như vậy thì làm sao các cháu nó có cơ hội vào làm việc. Hơn nữa, hiện nay, cơ quan nhà nước đang tinh giản biên chế, việc tăng tuổi như vậy ảnh hưởng rất lớn đến cơ hội của các cháu”, đại biểu đoàn Đồng Tháp nêu quan điểm.

Cùng quan điểm với đại biểu Phạm Văn Hòa, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đắk Lắk) cho rằng, việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu cần nghiên cứu phù hợp với từng đối tượng, lĩnh vực, ngành nghề.

“Tăng tuổi nghỉ hưu chỉ hợp với nhà nghiên cứu, làm hành chính, còn với người lao động thì không tốt”, đại biểu Xuân cho hay.

Liên quan đến đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, Chính phủ trình 2 phương án để Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Phương án 1,tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Phương án 2,tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường: cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Đồng thời, dự thảo cũng quy định, quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 tuổiđối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt.

Quyền nghỉ hưu muộn hơn không quá 5 tuổiđối với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt.

Cả hai phương án quy định trong dự thảo đều có lộ trình tăng chậm. Với phương án 1, thì tuổi nghỉ hưu của nam giới đạt 62 tuổi vào năm 2028 và tuổi nghỉ hưu của nữ giới là 60 tuổi vào năm 2035 (sau 8 năm với nam và sau 15 năm với nữ kể từ năm 2021). Phương án 2 có lộ trình nhanh hơn phương án 1: tuổi nghỉ hưu của nam đạt 62 tuổi vào năm 2026  và tuổi nghỉ hưu của nữ đạt 60 tuổi vào năm 2030 (sau 6 năm với nam và sau 10 năm đối với nữ kể từ năm 2021).

Chính phủ đề xuất lựa chọn phương án 1 vì đây là phương án có ưu điểm hơn, phòng tránh cao hơn các rủi ro khi điều chỉnh tuổi đối với thị trường lao động, tránh gây sốc thị trường lao động, giữ được ổn định xã hội và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Quang Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm