Tăng tuổi hưu, lợi cán bộ việc nhàn, lương cao: Cân nhắc
Các ĐBQH đều cho rằng việc tăng tuổi nghỉ hưu là cần thiết tuy nhiên phải có lộ trình để tránh gây sốc.
Trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), Bộ LĐ-TB-XH đề xuất điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi đối với nam, 60 tuổi với nữ từ năm 2021. Đề xuất này vấp phải sự phản đối từ những người lao động trực tiếp, nhất là công nhân may, giáo viên mầm non...
Thậm chí, có luồng ý kiến đặt câu hỏi việc tăng tuổi nghỉ hưu có lợi cho ai?
Trao đổi bên hàng lang kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, một số đại biểu Quốc hội đều khẳng định việc tăng tuổi nghỉ hưu là cần thiết, tuy nhiên phải có lộ trình để tránh gây sốc.
Theo ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình, Ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu không phải đến lần sửa đổi Bộ luật Lao động này mới đưa ra, mà những năm trước khi thảo luận sửa đổi luật, đã có nhiều ý kiến đề nghị tăng tuổi nghỉ hưu.
Tuy nhiên, do dư luận xã hội, sức ép của những người lao động trực tiếp ở các doanh nghiệp, cuối cùng đề xuất trên đã không được thông qua.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương khẳng định, quan niệm cho rằng tăng tuổi nghỉ hưu chỉ có lợi cho những cán bộ lạnh đạo, người có chức có quyền là không hợp lý.
"Tuổi thọ của người Việt Nam ngày càng tăng, tuổi nghỉ hưu của các nước trên thế giới phổ biến là trên 60 đối với nữ, trên 62 đối với nam, thậm chí có quốc gia tuổi nghỉ hưu là 70-75 tuổi.
Điều đó cho thấy tăng tuổi lao động đến thời điểm này là hợp lý, khi tuổi thọ của người dân tăng, sức lao động cũng tăng. Hiện nay, nhiều lĩnh vực người lao động phải nghỉ hưu sớm rất đáng tiếc như khoa học công nghệ, nghiên cứu, quản lý...", đại biểu Phương cho biết.
Cũng theo ông Phương, trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) cũng quy định việc nâng tuổi nghỉ hưu sẽ có lộ trình dần dần nhằm phù hợp với tình trạng hiện nay, nhất là khi có một lực lượng lớn người trong độ tuổi lao động thiếu việc làm.
Bên cạnh đó, việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu cũng là để phù hợp với chế độ BHXH. Bởi khi tuổi thọ người dân càng tăng, BHXH phải chi trả nhiều, nếu không tăng tuổi nghỉ hưu thì nguy cơ vỡ quỹ BHXH phải được tính đến.
"Luật sẽ có quy định phù hợp với từng lĩnh vực, ngành nghề. Chẳng hạn, những người làm việc trong các ngành nghề ảnh hưởng đến sức khỏe, bị ô nhiễm... thì có thể nghỉ hưu sớm hơn. Như vậy, luật vẫn có quy định cá biệt để phù hợp với thực tế lao động hiện nay", đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nói.
Đồng tình với việc tăng tuổi nghỉ hưu song ĐBQH Phạm Văn Hòa (đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp), Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội lưu ý, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu phải có tầm nhìn dài hạn và có lộ trình, giải quyết việc làm, thất nghiệp, tránh gây sốc, tác động tiêu cực đến thị trường lao động.
"Dư luận cho rằng cán bộ công chức, viên chức, những người có chức có quyền muốn tăng tuổi nghỉ hưu trong khi người lao động trực tiếp, sử dụng chân tay, cơ bắp lại thấy nếu kéo dài thời gian làm việc thì không đảm bảo được sức khỏe cũng như hiệu quả công việc.
Đây là ý kiến cần cân nhắc, xem xét thấu tình đạt lý để đảm bảo luật có tính khả thi và nhận được sự ủng hộ của các đối tượng lao động. Phải đánh giá rõ tác động tích cực và tiêu cực đối với thị trường lao động khi thực hiện lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu; phản ứng của các đối tượng bị tác động ở các ngành nghề, lĩnh vực, từ đó có phương án tối ưu khi xem xét điều chỉnh tuổi nghỉ hưu.
Chính vì thế, đề xuất tăng tuổi lao động phải có sự tham gia, đóng góp ý kiến của các chuyên gia, người lao động, cán bộ, công chức, viên chức..., có như vậy đại biểu Quốc hội biểu quyết mới khả thi hơn", đại biểu Phạm Văn Hòa lưu ý.
Theo Thành Luân/Báo Đất Việt