1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

3 giả thiết về nguyên nhân thảm hoạ sập cầu Cần Thơ

(Dân trí) - Sự cố sập hai nhịp dẫn lên cầu Cần Thơ đã xảy ra được 5 ngày. Đó là khoảng thời gian chưa đủ dài để các ngành chức năng tìm được nguyên nhân cuối cùng của sự cố. Tuy nhiên, việc mổ xẻ dưới nhiều góc độ và đưa ra những giả thiết khác nhau để tìm nguyên nhân là điều cần thiết.

Chiều ngày 26/9, trong buổi trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Trần Chủng - Cục trưởng Cục giám định chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng, ủy viên Hội đồng nghiệm thu nhà nước cho rằng: Cần có thời gian đánh giá phân tích bởi đây là sự cố xảy ra trong quá trình thi công. Theo “khuyến cáo” của ông Chủng, các cơ quan hữu quan cần nhắm vào các biện pháp kỹ thuật về tổ chức thi công hệ thống đà giáo và các biện pháp khác liên quan đến quá trình thi công để tìm nguyên nhân của vụ tai nạn.

Tuy nhiên, đến đêm ngày 27/9, ông Nguyễn Văn Công - phát ngôn viên của Bộ GTVT cho biết, nguyên nhân ban đầu của sự cố đã được xác định là do đất chôn dàn giáo bị lún. Dàn giáo được bắc từ trước, đến ngày 25/9 đơn vị thi công đã đổ được 10 đốt trong tổng số 12 đốt (nhịp cầu được chia thành 12 đốt - PV). Đêm 25/9 trời mưa rất to đã làm nền đất bị yếu.

Ngay sau đó, qua phương tiện thông tin đại chúng, một số cán bộ trong ngành GTVT có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh nguyên nhân này.

Trước đòi hỏi của dư luận về việc xác định cho được nguyên nhân thảm hoạ, chúng tôi đã tìm đến những chuyên gia đầu ngành xây dựng của Việt Nam với mong muốn tìm được mẫu số cuối cùng cho những giả thiết mà công luận đặt ra. Nền đất yếu và sự bất cẩn trong thi công là những nguyên nhân đầu tiên được các chuyên gia này nhắc đến.

Có thế nền đất yếu đã gây nên tai hoạ - Ông Đặng Gia Nải - Chủ tịch Hội đồng Khoa học công nghệ, Phó Viện trưởng Viện khoa học và Công nghệ GTVT

Nguyên nhân của sự cố, theo tôi là do sự ổn định của nền đất quá yếu và đà giáo quá cao gây nên sự mất ổn định. Chiều cao của hệ đà giáo cũng đồng thời tỉ lệ thuận với trọng lượng của nó. Một khi nền đất phù sa yếu đặc trưng (lại càng yếu hơn vào mùa mưa) của vùng ĐBSCL là rất yếu, không thể gánh nổi toàn bộ tải trọng đó thì lún là hiện tượng tất yếu phải xảy ra.  

Tuy nhiên, có một vấn đề mà các cơ quan chức năng chưa có giải đáp thoả đáng. Việc 2-3 ngày, bê tông đạt được cường độ là đúng. Nhưng tôi xin nói, kể cả sau đến 10 ngày đi chăng nữa mà đà giáo bị lún thì vẫn có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. Dầm bê tông ở đây là dị ứng lực, phải căng kéo bo cáp dự ứng lực sau đó mới đưa đà giáo. Chỉ khi đó, dầm mới có đủ khả năng chịu tải.

10 ngày, thậm chí 30 ngày đi chăng nữa mà tháo đà giáo trong khi không căng kéo bê tông dự ứng lực thì cầu vẫn cứ đổ. Nếu bo cáp không căng kéo, bê tông cứ uốn theo đà giáo và đương nhiên là gẫy vì khả năng bê tông chịu kéo không tốt. 

Sự cố đã xảy ra, trụ xiên chắc chắn đã hỏng, phải làm lại. Còn trụ thẳng thì phải đo đạc lại, kiểm tra đánh giá lại toàn bộ. Nếu trong phạm vi nghiêng độ cho phép thì có thể gia cố thêm cọc để khỏi tốn kém nhưng nếu “quá” một chút là phải đập bỏ.  

Có thể do lỗi của bên thi công 

Theo ông Chu Ngọc Sủng - Phó Chủ tịch thường trực, kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam cho rằng, có thể tại một điểm kê nào đó của dàn giáo bị gãy, hỏng sập xuống kéo theo cả một đoạn gãy sập. Trong trường hợp này còn bị kéo theo hỏng thân trụ cầu. Không loại trừ khả năng những trụ xây rồi sau này phải làm lại.  

Nguyên nhân này thường do lỗi của bên thiết kế hay thi công, thưa ông? 

Thường là lỗi do bên thi công bắc dàn giáo không cẩn thận. Các sự cố này cũng có xảy ra trong các công trình xây dựng nhưng rất hạn hữu. Đây là thiệt hại trong xây cầu lần đầu tiên ở Việt Nam. Cầu Rào ở Hải Phòng sập cách đây 10 năm là cầu khai thác rồi nhưng do cốt thép bị rỉ nên bị sập chứ không phải cầu đang thi công.  

Ngoài nguyên nhân điểm kê dàn giáo bị yếu thì có những nguyên nhân nào có thể dẫn đến sự cố như cầu Cần Thơ? 

Tôi chưa xem kỹ thực tế cầu Cần Thơ nhưng có trường hợp đất dưới móng yếu hoặc thanh kê không đủ lớn bị oằn (từ chuyên môn gọi là mất ổn định) cũng gây sập. Có thể không sập ngay khi đổ bê tông nhưng sẽ dẫn đến việc bị sập. 

Có khả năng nhà thầu không để ý đến độ lún - PGS.TS Đào Xuân Lâm - Nguyên TGĐ Tổng công ty thiết kế Giao thông vận tải (TEDI) - Bộ GTVT

Một số nhận định ban đầu cho rằng có thể do dàn giáo yếu nên gây sự cố ở cầu Cần Thơ, ông có thể nhận định gì về giả thiết này?  

Thường cầu dây văng trong quá trình thi công hay xảy ra sự cố do đúc dầm tại chỗ. Các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc đều đã bị sự cố trong quá trình thi công cầu loại này. Sự cố ở cầu Cần Thơ có lẽ do nhà thầu không để ý lắm đến độ lún của dàn giáo trong khi đất ở đây rất yếu. Trường hợp này dù làm dàn giáo nhưng phải đóng bệ cọc rất chắc để giữ dàn giáo ấy và phải theo dõi suốt trong quá trình làm để xem độ lún thế nào, nếu lún phải xử lý ngay.

Nếu sự cố là do dàn giáo yếu như nhận định ban đầu thì có thể trường hợp này nhà thầu, tư vấn giám sát theo dõi không kỹ nên để lún. Nếu lún mà bê tông đúc dầm chưa cứng thành một khối thì sẽ gây đổ sập. Vì bê tông đúc tại chỗ sẽ thành một khối rất nặng. Nếu nặng quá mà dàn giáo lún sẽ làm đổ sập. Trường hợp đúc sẵn thành từng phiến để làm dầm thì sẽ nhẹ và dễ lắp hơn, lắp đúng kỹ thuật thì không có vấn đề gì cả.  

Với nền đất yếu như ở cầu Cần Thơ phải làm dàn giáo thế nào, thưa ông? 

Dàn giáo này phải có móng riêng của nó. Đất yếu thì móng sâu, tốn kém hơn, có thể vẫn lún nhưng vẫn chịu lực được. Nếu độ cao 30m có thể dàn giáo lún vài chục phân. Nhưng với dàn giáo tốt chỉ lún 1-2 phân. Phải theo dõi kỹ độ lún trong quá trình thi công. Nếu đúng lỗi do dàn giáo thì có thể do hệ thống dàn giáo làm kém, không được vững. 

Một số công nhân cho biết xuất hiện vết nứt trên mặt dầm cách đây 10 ngày. Mới đổ bê tông được 2-3 ngày nhưng sau đó dàn giáo đã được di động để đúc bê tông các nhịp tiếp theo... Như thế tiến độ có quá gấp, gây ảnh hưởng tới kết cấu không? 

Những cái đó phải xem xét cụ thể. Nhưng bê tông thường là bị nứt khi co ngót ở những chỗ ít thép gọi là nứt co ngót chứ không phải nứt chịu lực. Bây giờ có chất phụ gia giúp bê tông đông cứng nhanh nên sau 2-3 ngày có thể thi công tiếp. Nhưng phải xem lại chất lượng phụ gia và phải xem tỷ lệ có đúng hay không? Cái này phải lấy mẫu thí nghiệm để đối chứng. Nếu quy định 2 ngày làm tiếp được thì sau 7 tiếng phải thí nghiệm, 2 ngày sau thí nghiệm đạt thì làm tiếp. Quy định này rất nghiêm ngặt, cứ làm đúng thì không có sự cố gì cả.

Trong thời gian này kết cấu dầm chưa làm việc vì vẫn ở giai đoạn đổ bê tông. Dầm đang dựa vào dàn giáo chống nó chứ bản thân chưa làm việc. Chắc chắn phải cần thời gian để xem xét lại thiết kế thi công và công nghệ thi công thế nào vì nhà thầu giỏi vẫn có thể để lọt sơ hở.  

Phúc Hưng
(Thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm