1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Trang mạng sống ký sinh, gặt hái những gì ngon ngọt nhất của báo chí

(Dân trí) - “Trang mạng có nhiều nên quản lý rất khó, nó đang ký sinh trên cơ thể báo chí, gặt hái những gì ngon ngọt nhất cho mình, trong khi không phải mất một chút mồ hôi, công sức, tiền bạc nào”, đại biểu Nguyễn Phi Thường nêu thực trạng.

Sáng ngày 26/11, thảo luận tại hội trường về Luật Báo chí sửa đổi, các đại biểu tập trung phân tích những vấn đề liên quan đến quyền tác giả, bản quyền báo chí.

Mất bản quyền, báo chí mất người đọc, mất doanh thu

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (đoàn TP Hải Phòng) đánh giá quyền tác giả báo chí là vấn đề rất quan trọng. Điều này có tác dụng đánh giá, động viên, khuyến khích những người làm báo vượt qua những khó khăn, nguy hiểm trong quá trình tác nghiệp.


Đại biểu Trần Ngọc Vinh nói về bản quyền trong lĩnh vực báo chí.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh nói về bản quyền trong lĩnh vực báo chí.

Tuy nhiên, đại biểu đoàn TP Hải Phòng nhận thấy, hiện nay, việc thực hiện các quy định pháp luật về quyền tác giả chưa nghiêm, chưa triệt để, dẫn đến mất quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ. “Điều đó làm cho nhiều trang báo mất người đọc, mất luôn cả khả năng tăng doanh thu từ quảng cáo và các cơ hội kinh doanh khác”, đại biểu Trần Ngọc Vinh nói.

Thực tế về quyền tác giả có nhiều tồn tại, nhưng đại biểu Trần Ngọc Vinh nhận thấy dự thảo Luật Báo chí sửa đổi lần này quy định quyền tác giả trong lĩnh vực báo chí và xử lý vi phạm trong lĩnh vực báo chí chưa đầy đủ, thiếu cụ thể, thiếu tác dụng thực tế. Đại biểu đề nghị bổ sung các quy định chi tiết, chặt chẽ về bảo vệ quyền tác giả, đặc biệt là của báo điện tử.

Về quyền tác giả trong lĩnh vực báo chí được quy định tại điều 43, đại biểu Lâm Văn Thành (đoàn Lạng Sơn) cũng nhận thấy, trên thực tế, quyền tác giả trong lĩnh vực báo chí bị vi phạm nhiều nhưng khó kiểm soát. Tình trạng sao chép bài, tin, ảnh không trả thù lao, trích dẫn nguồn chưa đúng quy định diễn ra khá phổ biến, gây bức xúc cho tác giả, phản cảm cho người đọc.

Ngoài ra, đại biểu cũng cho biết, trong Luật Sở hữu trí tuệ 2005 cũng chưa có quy định cụ thể việc vi phạm bản quyền tác giả với sản phẩm báo chí. “Nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ trong việc bảo vệ quyền tác giả, theo tôi cần có những quy định cụ thể, chi tiết nội dung này. Đồng thời bổ sung chức năng bảo vệ bản quyền báo chí và quy định cơ quan xử lý tranh chấp”, đại biểu đoàn Lạng Sơn đề xuất.

Theo đại biểu, việc thực hiện tốt nguyên tắc tác giả trong hoạt động báo chí sẽ làm tăng chất lượng nội dung báo chí, cũng như góp phần thúc đẩy sắp xếp, quy hoạch lại hệ thống báo chí ở nước ta hiện nay.

Nhiều trang mạng làm giả, ăn thật

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội) dành nhiều thời gian phân tích các trang thông tin điện tử đang phát triển rất nhiều hiện nay. Điều đại biểu băn khoăn nhất là thủ tục đăng ký các trang thông tin tổng hợp tương đối đơn giản. Vì vậy, thời gian qua số lượng trang thông tin điện tử tổng hợp tăng lên rất nhanh, gây quá tải trong công tác quản lý.

Ngoài ra, có rất nhiều trang thông tin điện tử tổng hợp hoạt động sai chức năng, nhiệm vụ, vi phạm bản quyền tác giả, luật sở hữu trí tuệ, gây bức xúc rất nhiều cho các nhà báo, tờ báo. Chỉ 1 tháng tìm hiểm, đại biểu nhận thấy có hàng chục trang thông tin điện tử tổng hợp bị xử phạt, như tổng hợp tin không trích dẫn nguồn hay trích dẫn không đầy đủ.

“Trang thông tin điện tử không nằm trong phạm vi điều chỉnh của Luật Báo chí, chính vì vậy nó hoạt động hoàn toàn không có tôn chỉ, mục đích. Tin tức ở các trang này thường theo hướng giật gân, câu khách, đưa mặt trái, tiêu cực trong xã hội. Các tin chính thống, tin chính trị xã hội tích cực ít được tổng hợp, nếu có thì rất nhỏ”, đại biểu Nguyễn Thanh Hải chỉ rõ.

Từ những phân tích trên, đại biểu Nguyễn Thanh Hải mong Quốc hội bổ sung thêm một số quy định, chế tài cụ thể vào Luật Báo chí sửa đổi để quản lý hiệu quả các trang thông tin điện tử tổng hợp trong khi chờ đưa Nghị định 72 về quản lý thông tin trên mạng lên thành Luật.

Cùng vấn đề trên, đại biểu Nguyễn Phi Thường (đoàn TP Hà Nội) đưa ra ví dụ, khi có vụ việc xảy ra, trong lúc báo chí chính thống tuân thủ các định hướng (chưa đưa) thì truyền thông xã hội đã đưa rất nhiều. “Bạn đọc không kiên nhẫn chờ đợi cho đến khi báo chí chính thống đưa tin. Lâu dần báo chính thống mất bạn đọc, điều đó làm báo chí suy yếu”, đại biểu đoàn TP Hà Nội nói.

Theo đại biểu Nguyễn Phi Thường nhiều trang mạng đang làm giả nhưng ăn thật
Theo đại biểu Nguyễn Phi Thường nhiều trang mạng đang làm giả nhưng ăn thật

Một thực tế được đại biểu Nguyễn Phi Thường chỉ rõ là tình trạng vi phạm bản quyền báo chí rất phổ biến nhưng việc thực hiện quyền báo chí hầu như là không thể. Các cơ quan báo chí chỉ có thể dựa vào ý thức tự giác là chính.

“Trang mạng có nhiều nên quản lý rất khó, nó đang sống ký sinh trên cơ thể báo chí, gặt hái những gì ngon ngọt nhất cho mình, trong khi không phải mất một chút mồ hôi, công sức, tiền bạc nào. Vậy là có tình trạng người làm thật mà ăn giả, kẻ làm giả thì ăn thật. Tốc độ cóp nhặt siêu tốc nên việc quản lý các trang tin rất khó khăn, thế mới có chuyện sáng đưa trưa rút”, đại biểu Nguyễn Phi Thường nêu thực trạng.

Vì vậy, đại biểu đoàn Hà Nội đề nghị trong luật cần xóa bỏ khái niệm trang tin điện tử tổng hợp. Chỉ các cơ quan báo chí mới được quyền xuất bản các trang tin mang tính chất báo chí.

Theo đại biểu, nếu làm được như vậy mới tạo ra môi trường lành mạnh, phát triển bình đẳng để các cơ quan báo chí yên tâm đầu tư phát triển.

Quang Phong