1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Báo chí “công lập và ngoài công lập”

(Dân trí) - Ông Lê Như Tiến - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng - cho biết xu hướng chung của dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thảo luận chiều nay 14/11 là không thừa nhận báo chí tư nhân, có nghĩa là cá nhân đứng lên để làm báo; còn tổ chức xã hội, trường học, bệnh viện thì được.

 

Ông Lê Như Tiến.
Ông Lê Như Tiến.

 

Phóng viên: Thưa ông, tại sao chúng ta không thừa nhận báo chí tư nhân nhưng khi thẩm tra dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi), Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng lại đồng ý cho tập đoàn, tổng công ty được quyền thành lập báo chí? Và như vậy có mâu thuẫn không khi chúng ta đang cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước?

Ông Lê Như Tiến: Thật ra chúng ta không nói báo chí tư nhân nhưng trong thực tế nếu ta cho phép các tổng công ty nhà nước và ngoài nhà nước thì đó chính là báo chí ngoài công lập, cũng giống như trường học gồm trường công lập và ngoài công lập.

Tôi ủng hộ việc này vì nó chia sẻ khó khăn cho nhà nước, mà người dân cũng được tiếp cận nhiều thông tin nhưng không phải dùng nhiều ngân sách nhà nước để trang trải cho các cơ quan báo chí.

Điều đó có trái với quy hoạch báo chí hiện nay?

Không thừa nhận báo chí tư nhân với tư cách là cá nhân đứng ra thôi, còn tổ chức thì khác. Vì thế luật ghi rõ đối tượng được thành lập cơ quan báo chí là giữ nguyên các đối tượng theo luật hiện hành nhưng bổ sung thêm các đối tượng được thành lập các tạp chí khoa học như: cơ sở giáo dục đại học trong và ngoài công lập; tổ chức nghiên cứu khoa học; tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tổ chức dưới Viện Hàn lâm, viện theo quy định của Luật Khoa học công nghệ; bệnh viện từ cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc tương đương trở lên; các cơ sở khoa học công nghệ tư thục có đầu tư của nước ngoài thì được phép ra tạp chí chứ không phải báo chí nói chung, chỉ được phép thành lập tạp chí chuyên ngành chứ không phải báo chí nói chung. Mà báo chí nói chung phải do các tổ chức chính trị xã hội thành lập.

Xu hướng chung của luật lần này là không thừa nhận báo chí tư nhân có nghĩa là cá nhân đứng lên để làm báo. Còn tổ chức xã hội, trường học, bệnh viện thì được. Như vậy quy định đối tượng được thành lập đã được mở rộng hơn so với luật trước.

Tôi nghiên cứu một số luật báo chí của các nước thì thấy ta đã tiếp cận được trào lưu chung của sự phát triển chung của báo chí thế giới. Tuy nhiên có một số cử tri và công dân muốn cởi mở hơn nữa nhưng chắc chắn chúng ta phải có lộ trình bước đi, nếu không hiện nay có 845 cơ quan báo chí chúng ta đã cảm thấy nhiều rồi, nếu mở rộng hơn nữa sẽ có sự hỗn loạn báo chí.

Cho nên bên cạnh tạo điều kiện cho báo chí phát triển thì các cơ quan quản lý nhà nước và luật cũng phải có yêu cầu phù hợp để quản lý được báo chí tốt hơn.

Ông nhận định như thế nào về những hành vi bị cấm trong dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) lần này?

Điều 10 trong dự thảo có quy định 12 loại thông tin và 10 hành vi bị cấm. Tôi cho như vậy là cũng phù hợp với các quy định chung của Hiến pháp và các pháp luật khác của mình.

Tuy nhiên, theo tôi cần đưa vào hành vi bị cấm mà trong thời gian qua chúng ta hay mắc phải. Đó là cá nhân, tổ chức nghiêm cấm xúc phạm danh dự, thân thể, sức khỏe thậm chí là tính mạng của nhà báo. Nghiêm cấm việc thu hồi phương tiện hành nghề trong lúc nhà báo đang tác nghiệp đúng pháp luật.

Không thể nào lấy lý do bảo vệ cơ quan mà xúc phạm danh dự, thậm chí là tính mạng nhà báo. Điều này phải đưa vào nghiêm cấm. Trong xã hội dân chủ của ta không thể nào đối xử với báo chí như thế.

Dự thảo luật cũng quy định về trách nhiệm của lãnh đạo cơ quan báo chí khi thông tin bị sai. Ông nhận định như thế nào về việc quy cả trách nhiệm đối với lãnh đạo cơ quan báo chí?

Trong luật này ghi rõ trách nhiệm nhà báo là người trực tiếp viết bài; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan báo chí cũng phải liên đới trách nhiệm. Và khi báo chí có vấn đề thì cơ quan chủ quản báo chí cũng phải chịu trách nhiệm.

Ví dụ như báo chí của một bộ, ngành chủ quản nào đó khi báo chí có vấn đề thì cơ quan chủ quản gần như đứng ngoài cuộc, chỉ có người viết và người đứng đầu cơ quan báo chí chịu trách nhiệm, do đó bây giờ phải làm rõ trách nhiệm của tùy từng cấp ở mức độ nào thì cơ quan chủ quản báo chí chịu trách nhiệm và ở mức độ nào thì người đứng đầu cơ quan báo chí gồm Tổng biên tập và Phó tổng biên tập chịu trách nhiệm? Ở mức độ nào thì nhà báo phải chịu trách nhiệm?

Những bài viết ra mà không đúng sự thật thì tùy theo tính chất mức độ nguy hiểm cho xã hội, hay tác động đến xã hội như thế nào để quy trách nhiệm. Chứ sơ suất nhỏ do lỗi kỹ thuật do người làm báo, viết báo thì người làm báo, viết báo chịu trách nhiệm. Nếu ảnh hưởng lan tỏa tới toàn xã hội thì người đứng đầu cơ quan đứng đầu báo chí và cơ quan chủ quản phải chịu trách nhiệm.

Xin cảm ơn ông!

Kha Xuân Lộc (ghi)