1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Luật báo chí mới "nương" theo quy hoạch báo chí

(Dân trí) - Bộ Thông tin – Truyền thông vừa hoàn thành báo cáo dự kiến những nội dung tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự án luật Báo chí sửa đổi. Cơ quan soạn thảo luật khẳng định, nội dung định hướng trong quy hoạch báo chí gắn kết chặt chẽ, không mâu thuẫn với luật mới.

Bản báo cáo được chuẩn bị để phục vụ cho phiên thảo luận tại hội trường về dự án luật này vào sáng 26/11. Trước đó, chiều 14/11, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự án luật này. Tại đây, một số vị đại biểu cho rằng lẽ ra phải sửa Luật Báo chí rồi mới làm quy hoạch báo chí. Nhưng giờ quy hoạch đã có thì cần phải rà soát lại các quy định trong Luật Báo chí để tạo sự phù hợp.

Giải trình vấn đề này, cơ quan soạn thảo luật khẳng định, đề án quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 đã được Bộ Chính trị xem xét cho ý kiến 3 lần, Ban Chấp hành Trung ương Đảng thảo luận cho ý kiến 1 lần. Do đó, đây cũng chính là những quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác báo chí.

Đồng thời, Luật Báo chí (sửa đổi) được ban hành trong thời gian tới sẽ là căn cứ pháp lý để triển khai các nội dung đã được Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua, được nêu trong đề án quy hoạch.

Luật báo chí mới "nương" theo quy hoạch báo chí - 1

Một nội dung liên quan đến quy hoạch báo chí, sắp xếp lại hệ thống báo chí và cơ quan chủ quản, nhiều đại biểu Quốc hội cũng băn khoăn về quy định đối tượng được thành lập, hoạt động báo chí, doanh nghiệp có được thành lập cơ quan báo chí hay không.

Báo cáo của Bộ Thông tin – Truyền thông giải thích, ý kiến thẩm tra sơ bộ của UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội và ý kiến của UB Thường vụ Quốc hội cho rằng, để đảm bảo quyền bình đẳng của các loại hình doanh nghiệp (tập đoàn Nhà nước, doanh nghiệp cổ phần, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) theo quy định của Hiến pháp, dự thảo không nên chỉ quy định tập đoàn, tổng công ty Nhà nước được phép thành lập tạp chí.

Nội dung này được nhấn mạnh trong báo cáo giải trình: “Việt Nam không chủ trương có báo tư nhân, mà trong xu thế hiện nay, các tập đoàn kinh tế Nhà nước cũng sẽ từng bước cổ phần hóa”.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, cơ quan soạn thảo chỉnh lại quy định đối tượng được có tạp chí khoa học tại dự thảo luật: “Cơ sở giáo dục đại học theo quy định của Luật Giáo dục đại học; tổ chức nghiên cứu khoa học, tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tổ chức dưới hình thức viện hàn lâm, viện theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ; bệnh viện từ cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc tương đương trở lên được thành lập tạp chí khoa học".

Ban soạn thảo dự án luật cũng nhắc lại nguyên tắc được duy trì như luật Báo chí hiện hành: Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về báo chí, Bộ Văn hóa – Thông tin chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về báo chí và UBND các tỉnh, thành thực hiện quản lý nhà nước về báo chí trong phạm vi địa phương theo phân cấp của Chính phủ chứ không phải là Sở Thông tin – Truyền thông tại các địa phương.

Về các nội dung và các hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí, cơ quan thẩm tra dự án luật cũng đã từng nêu băn khoăn, chỉ có thể cấm các hành vi chứ không phải nội dung thông tin, đề nghị quy định chung vì bản chất của nội dung đưa ra cũng là hành vi.

Cơ quan soạn thảo lập luận, nội dung bị nghiêm cấm thông tin trên báo đã được quy định trong Luật Báo chí hiện hành và áp dụng thống nhất. Việc quy định tách nội dung bị nghiêm cấm thông tin trên báo chí và hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động báo chí, theo Bộ Thông tin – truyền thông, sẽ thuận tiện cho việc trích dẫn trong các điều, khoản của dự thảo luật.

Tiếp thu một số ý kiến, dự thảo luật đưa ra thêm một nội dung cấm khác là “thông tin phân biệt đối xử không bình đẳng về giới”.

Một nội dung khác được Thảo luận ở tổ, có vị đại biểu đề nghị quy định nhà báo đang tác nghiệp là thi hành công vụ.

Ban soạn thảo cho rằng, công vụ là hoạt động do công chức nhân danh Nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo vệ nhằm phục vụ lợi ích của nhân dân và xã hội.

Nhà báo tác nghiệp cũng nhằm phục vụ lợi ích của nhân dân và xã hội, nhưng không phải công chức, không nhân danh Nhà nước thực hiện nhiệm vụ theo quy định pháp luật. Do đó, không thể quy định trong dự thảo luật nhà báo đang tác nghiệp là thi hành công vụ.

P.Thảo 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm