(Dân trí) - Dịch Covid-19 ở Campuchia diễn biến phức tạp, nhiều tháng nay, những chiến sĩ biên phòng được xem như "bức tường lửa" đang căng mình tuần tra giữa rừng bảo vệ biên giới Tây Nam.
Trắng đêm giữa rừng làm "tường lửa" chống dịch ở biên giới Tây Nam
Dịch Covid-19 ở Campuchia diễn biến phức tạp, nhiều tháng nay, những chiến sĩ biên phòng được xem như "bức tường lửa" đang căng mình tuần tra giữa rừng bảo vệ biên giới Tây Nam.
Trắng đêm giữa rừng
"Alo, Tiền cùng 2 đứa nữa mau về ăn cơm rồi mang cơm, thuốc chống muỗi ra cho tổ trực", Trung tá Nguyễn Trọng nói qua điện thoại.
"Rõ". Vừa dứt lời, binh nhất Đặng Song Tiền (thuộc chốt số 10 Xa Mát, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh) nhanh chóng bố trí người tuần tra quanh khu vực đường biên, số còn lại thì nhận lệnh rút về chốt chính. Ánh đèn yếu ớt từ chiếc xe máy cũ đi xuyên qua những vạt rừng cao su già.
Từ tháng 3, khi tình hình dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở Campuchia, anh em chiến sĩ ở Xa Mát lúc nào cũng căng như dây đàn. Giờ cơm được rút ngắn, mọi người thay nhau về chốt chính, số còn lại không kịp thì sẽ ăn trong lúc đang canh giữ biên cương.
5 phút sau cuộc gọi, 3 chiến sĩ đã tập hợp ở chốt chính. Khu vực buồng tắm chật kín người, họ buộc phải đứng tắm chung giữa rừng để tiết kiệm thời gian.
"Tắm nhanh rồi tranh thủ ăn nhé, lát mấy đứa ra đưa cơm với nhang muỗi cho mấy anh. Vừa mưa xong, đêm nay muỗi nhiều", Trung tá Trọng ra lệnh.
Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Xa Mát phụ trách kiểm soát 14,7 km đường biên giới giáp với Vương quốc Campuchia. Sau khi dịch Covid-19 bùng lên, đơn vị đã lập 14 chốt bằng trại lán để chống dịch, ngăn chặn người xuất nhập cảnh trái phép qua các đường mòn, lối tắt.
Chốt số 10 được dựng lên giữa rừng cao su sát biên giới Campuchia nhờ đất của người dân cho mượn, che chắn tạm bợ để làm nơi nghỉ tạm cho các chiến sĩ.
"Ở đây còn có cả chốt dựng cạnh cây thường xuyên thu lôi, sét đánh, được đặt tên luôn là chốt sét đánh. Có đêm mưa anh em ướt sũng, phải tìm chỗ không dột để ăn lót dạ…", Trung tá Trọng nhớ lại.
19h30, dưới ánh đèn mờ nhạt của chiếc đèn pin, Trung tá Trọng vỗ vai một chiến sĩ rồi nói gọn: "Anh em tranh thủ ăn nhanh rồi trở về các điểm chốt, các đồng chí còn lại chuẩn bị đồ để đi tuần".
Mùa này ở Xa Mát mưa thường xuyên, muỗi côn trùng nhiều vô kể, những bữa cơm tối muộn, các chiến sĩ không dám bật đèn gần bàn vì sợ côn trùng rời vào thức ăn.
Bữa ăn đơn giản chỉ có cơm trắng, canh, rau và chút thức ăn mặn. Sau bữa tối, một chiến sĩ khác gắp thức ăn, xới cơm vào cặp lồng để mang ra các chốt nhỏ giữa rừng cho các chiến sĩ còn canh gác dọc đường biên giới.
5 phút sau, ai nấy đều đã sẵn sàng, đèn pin, gậy, trang phục… rồi từ từ đi vào màn đêm. Trời biên giới cũng khác, đêm gió lạnh như cắt.
Khu vực biên giới Cửa khẩu Quốc tế Xa Mát, địa hình chủ yếu là rừng cao su và đồng ruộng, chưa có ranh giới rõ ràng. Dân 2 nước vẫn qua lại trồng cây, làm nông nghiệp. Thế nhưng dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, địa hình thuận lợi lại trở thành nơi nguy hiểm nhất.
"Những ngày này miền Nam đang bắt đầu mùa mưa thì anh em vất vả lắm. Mưa biên giới thì có giông, sấm chớp nên chốt tạm kiểu gì cũng bị sập. Đêm thì muỗi bu kín đầy bóng đèn. Chỉ mong không ai bị sốt rét hay ốm để có thể giữ vững biên giới những lúc căng thẳng thế này thôi", chỉ huy Trọng nói.
Tại một chốt giữa rừng, Trung úy Hùng, Đội trưởng phụ trách chốt số 9 tập trung cao độ, quan sát khu vực được phân công giữa đêm tối.
"Ban đêm cây cối rậm rạp rất khó phát hiện nên các đối tượng thường xuyên móc nối để dắt người vượt biên, chỉ đi vài bước chân là sang địa phận nước bạn", Trung úy Hùng nói.
Đại tá Nguyễn Tài Sơn (Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP tỉnh Tây Ninh) cho biết: "Trước tình hình ở Campuchia hiện nay, anh em luôn trong tinh thần cảnh giác, liên tục cập nhật tin tức để bảo vệ lãnh thổ, bởi đường biên rất dài, trong đó địa hình thuận lợi khiến nhiều đối tượng lợi dụng dắt người vượt biên. Thế nhưng, từ đầu mùa dịch, Tây Ninh chưa để xảy ra bất kỳ trường hợp sót lọt nào. Đến nay, 37 trường hợp dương tính ở cửa khẩu đều được đưa đi cách ly ngay."
20h, len lỏi qua những rặng cao su, ánh đèn pin của binh nhì Tiền vẫn soi kĩ tới từng lùm cây, góc khuất.
"Có xe đang chuyển phía đường biên, các đồng chí bám sát mục tiêu", giọng một chiến sĩ trong đội tuần tra nói vội. Những người khác nhanh chóng hướng mắt về phía có ánh đèn le lói từ xa.
Vài phút sau khi thấy ánh đèn di chuyển dần về hướng Campuchia thì cả đội mới giãn người ra.
-"Đèn xe người dân bản địa đi làm về muộn" , một chiến sĩ nói.
23h đêm, sương mù dần xuống thấp, bốn bề tĩnh lặng, chỉ còn nghe tiếng côn trùng cùng tiếng lá xào xạc, anh em vẫn bám biên.
"Đêm nào cũng vậy, trắng đêm để tuần tra, kiểm soát khu vực được phân công, không giám lơ là dù chỉ là một phút. Đôi khi nhớ nhà, muốn gọi về cho người thân, cho bạn gái lắm, nhưng lại sợ nếu mất cảnh giác vài phút thôi là có thể các đối tượng đã lọt qua biên giới rồi. Gần như hơn một năm nay đêm nào cũng thức trắng đêm", Trung úy Hùng chia sẻ.
"Hai lần lỡ hẹn cưới vợ để chống dịch"
Ở Xa Mát, chốt nào may mắn lắm thì có được chiếc bóng đèn, còn lại đều là chốt 4 không: Không điện, không nước, không sóng điện thoại và không bao giờ nghỉ ngơi.
Trung tá Nguyễn Trọng vẫn còn nhớ cơn mưa giông tối ngày 6/5 đổ bất ngờ xuống. Mưa dai dẳng suốt 4 tiếng đồng hồ, rừng cao su bị quật ngã. Đến 10h đêm thì điện thoại reo lên, Trung úy Trần An Ninh thông báo lán nhà bếp thuộc chốt số 9 bị cây keo tràm đè ngang, tan tác hết cả.
Lều tạm được dựng lên giữa rừng cao su làm nơi trú ngụ khi trời mưa cho các chiến sĩ. Ngoài ra, biên phòng còn lập hàng chục chốt phụ, cứ cách 50 m lại có một chốt mọc lên, được dựng thô sơ bằng tôn, bạc cũ, hay đơn giản chỉ là chiếc võng mắc qua 2 gốc cây giữa rừng.
Hàng ngày, các chiến sĩ ở Xa Mát đều phải tự làm mọi thứ, nấu nướng, tăng gia sản xuất để cải thiện đời sống.
Chiến sĩ Nguyễn Bình Huy (chốt số 9) là một trong số các chiến sĩ bám trụ tại Xa Mát lâu nhất kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Hàng ngày ngoài việc đi tuần tra, anh và các đồng đội đều tham gia chăn nuôi thêm gà, vịt, trồng rau ngay tại chốt để có thêm thực phẩm mỗi ngày.
"Nhiều nơi các anh em phải đi xin từng can nước từ nhà dân, chở về chốt trong rừng cách đó 3 km, phải nói rất cực khổ. Thế nhưng chưa ai lơ là nhiệm vụ" - Trung tá Nguyễn Trọng kể.
Tại các chốt ở Xa Mát, nhiều chiến sĩ đã cả năm nay chưa thể về quê thăm gia đình, người thân cũng không thể tới thăm.
Tháng 7 năm trước, Trung úy Trần An Ninh nhận được tin cha bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư khi anh đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra biên giới. Lòng đau như cắt nhưng Ninh chỉ viết đơn xin về phép đúng 15 ngày để chăm sóc cha tại BV Chợ Rẫy (TPHCM). Hết 15 ngày phép, đưa cha về lại quê nhà, Ninh lại tiếp tục lên đường.
2 năm nhận nhiệm vụ ở chốt chống dịch Covid-19 Cửa khẩu Quốc tế Xa Mát là 2 năm Trung úy Võ Mạnh Hùng chưa một lần về thăm quê. Lần đầu tiên giữa tháng 4/2020, bố mẹ vào thăm nhà vợ tương lai, Hùng đã lên kế hoạch tổ chức đám cưới. Vài ngày sau dịch bùng phát, anh đành thất hẹn với người yêu.
Lần thứ 2, vào tháng 11/2020, Hùng tính thực hiện lời hứa cưới vợ thì tình hình biên giới tiếp tục căng thẳng, anh lại đành thất hẹn lần hai.
Từ lần ấy, Hùng chẳng còn dám nghĩ về việc cưới nữa. "Giờ thì khi nào dịch hết thì em mới cưới vậy", Hùng cười.
"Từ tháng 3 khi dịch căng thẳng thì các chiến sĩ gần như không ai về nữa. Nhiều lần nhận lệnh được về đồn rồi, nhưng mọi người vẫn xin được ở lại chốt tiếp tục chống dịch. Khó khăn, khổ cực nhưng vẫn quyết tâm như thế", Đại tá Nguyễn Tài Sơn chia sẻ.
Hùng dự tính hết dịch, điều đầu tiên anh làm là sẽ đưa vợ tương lai về quê để tổ chức một cái đám cưới. Anh vẫn hứa mỗi ngày. Nhưng ngày đó phải là ngày Việt Nam đã thắng được dịch Covid-19!