1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM yêu cầu tiếp tục giảm giá vé xe Tết

(Dân trí) - Sở GTVT TPHCM đề nghị các doanh nghiệp vận tải tại Bến xe miền Đông, miền Tây phải đăng ký kê khai lại giá cước mới được tính tiền phụ thu dịp Tết. Đối với các đơn vị bán vé cao hơn so với kê khai sẽ bị xử phạt nặng.

Đảm bảo đủ xe cho người dân về quê ăn Tết

Hành khách chờ đợi mua vé xe thương hiệu
tại bến xe miền Đông
Hành khách chờ đợi mua vé xe thương hiệu tại bến xe miền Đông

Trong cuộc họp triển khai kế hoạch phục vụ vận tải hành khách đường bộ Tết Nguyên đán 2015 diễn ra chiều 22/1, ông Phạm Đình Đức, Trưởng phòng Quản lý vận tải sở GTVT TPHCM, cho biết, dịp Tết Nguyên đán, do nhu cầu đi lại của người dân tăng cao 2 lần so với ngày bình thường tại các bến xe khách trên địa bàn, nên Sở GTVT giải quyết cho các đơn vị vận tải đang hoạt động tại bến thuê thêm xe khách, điều động thêm xe khách đang hoạt động hợp đồng, đưa rước công nhân và xe buýt vào bến phục vụ.

“Sở GTVT TP cam kết điều động đủ xe khách để phục vụ người dân về quê đón Tết cùng gia đình. Bến xe miền Đông sẽ tiếp tục tổ chức chuyến cuối cùng trong đêm 30 để chở bà con về quê ăn Tết”, ông Đức nhấn mạnh. Tết năm trước, bến xe miền Đông cũng có 2 chuyến xe xuất phát lúc 22 giờ và 23 giờ chở hành khách về miền Trung và 1 tuyến ra Bắc.

Liên quan đến việc phụ thu 60% gá vé, ông Lê Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở GTVT TP cho rằng nhà xe phải thuê thêm xe chạy bên ngoài tăng cường phục vụ hành khách dịp Tết. Để bù chi phí cho chiều chạy rỗng nên nhà xe có phụ thu giá vé từ 20 – 60% tùy tuyến đường và ngày phục vụ. Giá vé Tết năm nay giảm từ 7 – 20% so với Tết nguyên đán năm rồi, do giá cước cơ bản được điều chỉnh theo đà giảm giá xăng dầu trong thời gian qua.

Ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc bến xe miền Đông cho biết, đến thời điểm hiện tại chỉ có 115/207 doanh nghiệp đăng ký giảm giá cước, doanh nghiệp nào đăng ký kê khai giá sớm thì bán vé sớm. Không kê khai thì không được tính phụ thu chiều chạy rỗng dịp Tết.

Hiện đã phát hiện 2 doanh nghiệp chạy tuyến Phú Yên – TPHCM và ngược lại đã tăng giá cước bất thường. Ngoài ra, qua kiểm tra đột xuất Thanh tra Sở cũng phát hiện nhiều doanh nghiệp bán vé cao hơn so với quy định ở đầu bến địa phương gồm tuyến TPHCM -  Hải Phòng, TPHCM – Thái Nguyên,… Với những trường hợp này thì TP chỉ xử lý bằng văn bản gửi tới địa phương nơi doanh nghiệp đăng ký đầu bến để xử lý.

Còn tại bến xe miền Tây, ông Trần Văn Phương – Phó giám đốc cho biết, hiện có 110/130 doanh nghiệp  giảm giá cước, trong đó có doanh nghiệp giảm tới 2 lần. Mức giảm từ 3 – 20.000 đồng/vé (từ 6 – 15%  giá vé). Trong đó, có 10 doanh nghiệp không giảm giá cước và có giải trình rằng những lần xăng, dầu tăng phía doanh nghiệp không tăng giá nên giờ xăng, dầu giảm giá doanh nghiệp không thể giảm giá được. Còn có 10 doanh nghiệp không giảm giá và cũng không có giải trình.

Yêu cầu doanh nghiệp tiếp tục giảm giá cước

Mức giảm giá cước của doanh nghiệp vận
tải hiện nay là chưa phù hợp
Mức giảm giá cước của doanh nghiệp vận tải hiện nay là chưa phù hợp

Theo ông Nguyễn Quốc Chiến, Trưởng ban Vật giá Sở Tài chính TP, tính đến ngày 15/12/2014 thì hầu hết các doanh  nghiệp tại TPHCM đã thực hiện kê khai lại giá cước. Đối với vận tải hành khách bằng taxi đã có 25/26 doanh nghiệp kê khai lại giá cước với mức giảm từ 3 – 9%. Đối với vận tải hành khách cố định, đã có 45/57 doanh nghiệp kê khai lại giá cước. Trong đó có 42 doanh nghiệp kê khai giảm giá cước từ 2 – 14%.

Từ ngày 22/11/2014 đến 6/1/2015, giá xăng, dầu tiếp tục giảm sâu. Giá xăng còn 17.570 đồng/lít (giảm 17%), dầu giảm còn 16.560 đồng/lít (giảm 13,6%).

Đối với vận tải hành khách bằng taxi đã có 12/20 doanh nghiệp giảm giá cước lần 2 với mức đăng ký giảm giá từ 1,7 – 14,3% (giảm từ 500 – 1.500 đồng/km) trong đó có các doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong ngành taxi như: Vinasun, Mai Linh, Phương Trang. Theo ông Chiến, tính đến thời điểm hiện đã có 10 doanh nghiệp kê khai giảm giá cước 2 lần, giảm từ 1.000 – 1.500 đồng/km (giảm từ 6 – 14,3%).

Đối với doanh nghiệp vận tải cố định, có 32/35 doanh nghiệp kê khai giảm giá cước lần 2 với mức giá từ 3.2 – 18,5% cho tất cả các tuyến. Tính đến thời điểm hiện nay có 24 doanh nghiệp kê khải giảm giá 2 lần với mức giảm từ 7 – 22%.

Ông Nguyễn Quốc Chiến nhận định, mức giá kê khai lại của các doanh nghiệp vẫn chưa phù hợp với mức giảm xăng, dầu. Đến ngày 21/1/2015, Bộ Tài chính tiếp tục điều chỉnh giá xăng, dầu. Tính đến thời điểm hiện nay sau 2 lần điều chỉnh giá xăng dầu gần nhất kể từ 22/12/2014 giá xăng đã giảm thêm 2.210 đồng/lit (giảm 12,4%), giá dầu giảm 1.820 đồng/lít (giảm 10,7%).

Trước tình hình đó, Sở Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp tiếp tục xem xét lại cơ cấu giá thành cũng như sự tác động giảm giá xăng, dầu trong 2 lần điều chỉnh giá gần nhất để điều chỉnh, kê khai lại phù hợp gửi về Sở Tài chính trước 31/1/2015. Những doanh nghiệp chưa giảm giá cước lần 2 thì cộng dồn lần 3 để kê khai lại. Theo ông Chiến, đối với mức giảm xăng dầu mới đây thì taxi giảm từ 500 – 1.000 đồng nữa là phù hợp. Còn vận tải hành khách cố định thì giảm từ 10 – 15%.

Tăng cường xử phạt nhà xe bán vé cao hơn giá kê khai

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chánh Thanh tra Sở Tài chính cho biết, từ đầu năm đến nay, Đoàn kiểm tra liên ngành đã xử phạt 2 đơn vị vi phạm bán vé cao hơn kê khai, với số tiền 30 triệu đồng. Dịp Tết này, Đoàn sẽ tăng cường kiểm tra yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc. Trong năm 2014, Sở Tài chính đã lập biên bản xử phạt 8 doanh nghiệp bán vé con hơn giá quy định, với tổng số tiền phạt là 120 triệu đồng.

Quốc Anh