1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

TPHCM thu phí sử dụng lòng đường, hè phố thế nào?

Tâm Linh

(Dân trí) - Bên cạnh nội dung của cơ quan giao thông, các chuyên gia cũng lưu ý cách thu phí theo đối tượng sử dụng lòng đường, vỉa hè ở TPHCM.

Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM vừa gửi tờ trình về mức thu phí sử dụng tạm lòng đường, hè phố để UBND TP báo cáo HĐND thành phố thông qua.

Ngoài mức phí được đề xuất áp dụng dựa trên giá đất bình quân tại 5 khu vực, Sở GTVT cũng nêu một số nội dung về cách thức, phương án thu phí.

TPHCM thu phí sử dụng lòng đường, hè phố thế nào? - 1

(Nguồn: Sở Giao thông Vận tải TPHCM).

Nếu số ngày sử dụng lòng đường, hè phố dưới 15 ngày trong tháng thì tính nửa tháng; từ 15 ngày trở lên thì tính tròn 1 tháng. Đơn vị "ngày" được tính là việc sử dụng lòng đường, hè phố trong một khoảng thời gian nhất định trong ngày (không nhất thiết đủ 24 giờ). 

Sau đó, toàn bộ số tiền phí thu được sẽ nộp vào ngân sách thành phố, được sử dụng dành cho phục vụ hoạt động thu phí và công tác quản lý, bảo trì, khai thác lòng đường, hè phố.

Cơ quan chức năng sẽ niêm yết công khai tại địa điểm thu và công khai trên trang thông tin điện tử của các đơn vị được giao nhiệm vụ thu phí, về các mục: tên loại phí, mức thu, phương thức thu và các văn bản quy định thu phí.

Trong tờ trình nêu việc tổ chức thu phí phải được triển khai với thủ tục thuận lợi cho tổ chức các nhân đóng phí, trong đó xem xét việc thu phí kết hợp cùng với công tác cấp phép hoặc chấp thuận phương án sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố.

Thời gian bắt đầu thu phí dự kiến từ 1/1/2024. Sở GTVT sẽ đảm nhận thu phí những tuyến cơ quan này quản lý. Các tuyến thuộc quận, huyện quản lý sẽ do địa phương thực hiện.

TPHCM thu phí sử dụng lòng đường, hè phố thế nào? - 2

Việc sử dụng vỉa hè để buôn bán diễn ra thường xuyên tại các quán nhậu trên đường Trường Sa, quận Bình Thạnh (Ảnh: Hải Long).

Trong hội thảo của các chuyên gia về quản lý, sử dụng lòng đường, hè phố TPHCM đầu tháng 9, TS Dư Phước Tân đến từ Viện Nghiên cứu phát triển TP đã đề xuất một số ý kiến về công tác này.

Trước hết, TS Tân cho rằng, với số tiền thu được thì thành phố có thể kêu gọi hợp tác đầu tư dạng công - tư (PPP), để các nhà đầu tư phối hợp đứng ra thực hiện quản lý thay vì đặt hết lên vai trò của lực lượng chức năng, khiến công tác quản lý bị quá tải dẫn đến khó hiệu quả.

Bên cạnh đó, chuyên gia đặt vấn đề tại sao không thu phí trên đối tượng gọi là hộ mặt tiền kinh doanh. Đây là đối tượng dù không hoạt động kinh doanh trên vỉa hè nhưng hầu như họ đều chiếm dụng vỉa hè. 

"Chủ sở hữu nhà, chủ sử dụng đất bên trong vỉa hè thường coi vỉa hè là phần gắn liền với diện tích mặt tiền mà họ sở hữu. Nếu không trả phí, người dân thường sử dụng tùy tiện, không kiểm soát, sẵn sàng lấn chiếm ngoài phạm vi cho phép (1,5m)", ông Dư Phước Tân nói.

Trong tờ trình cũng nói đến nội dung: Sở GTVT, UBND cấp quận, huyện và TP Thủ Đức sẽ rà soát, ban hành danh mục các tuyến đường đủ điều kiện sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn.

TS Dư Phước Tân đề xuất cần khoanh lại và xác định khu vực nào cho phép và không cho phép kinh doanh theo từng tuyến đường, với ký hiệu rõ ràng, dễ hiểu. Đồng thời, việc giám sát và xử phạt phải thật nặng ở các tuyến đường cấm hoạt động.

Trong cùng hội thảo, TS Bùi Ngọc Như Nguyệt từ Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội TP Đà Nẵng, cũng đưa ra ý kiến về mức thu phí. 

"Cơ quan chức năng cần lưu ý đến vấn đề chủ nhà, chủ đất bên trong vỉa hè sẽ tự ý thu phí của người bán hàng trên vỉa hè, trong khi khoản phí này đúng ra phải đóng vào ngân sách nhà nước", TS Nguyệt giải thích.

Theo thống kê của Sở GTVT, TPHCM có 4.869 đường rộng từ 5m trở lên, trong đó 2.271 tuyến đường có vỉa hè, 929 tuyến đường vỉa hè có bề rộng từ 3m trở lên với chiều dài 673,3km sẽ khai thác. Dự kiến, số tiền thu được sẽ là khoảng 1.522 tỷ đồng/năm (trong đó, thu từ vỉa hè chiếm 63,8%).