TPHCM sẽ tạo bản sao cho tượng Trần Nguyên Hãn đã xuống cấp?
(Dân trí) - Kết quả kiểm định cho thấy tượng Trần Nguyên Hãn đã xuống cấp phức tạp. Sở VH&TT đề xuất lưu trữ tượng gốc và tạo khuôn đúc tượng mới bằng chất liệu bền vững hơn.
UBND TPHCM vừa nhận được báo cáo của Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) thành phố về kết quả kiểm định và đề xuất phương án thực hiện xử lý tượng vua Lê Lợi và tượng Trần Nguyên Hãn. Công tác thực hiện kiểm định chất lượng chuyên sâu 2 bức tượng này được UBND thành phố chấp thuận thực hiện từ tháng 6 năm 2023.
Đối với tượng Trần Nguyên Hãn, tổng thể không còn nguyên vẹn, bề mặt ngoài có dấu hiệu phong hóa nhẹ, lớp bề mặt bị nứt vỡ cục bộ, một số vị trí để lộ cốt thép hoen rỉ. Nhiều lằn nứt nhỏ xuất hiện trên bề mặt tượng, cánh tay phải đỡ chim bồ câu bị gãy rời, phần thanh kiếm và cánh tay cũng có dấu hiệu nứt gãy.
Tượng Trần Nguyên Hãn, vị tướng tài ba thời Hậu Lê, được dựng lên tại bùng binh trước chợ Bến Thành từ năm 1965. Tượng được làm bằng xi măng sơn màu đồng.
Năm 2014, tượng phải dời đi cho công trường làm ga metro cho đến nay. Kể từ thời điểm đó, tượng Trần Nguyên Hãn được dời về Công viên Phú Lâm (quận 6).
Quá trình kiểm định cho thấy, 4 chân tượng bị cắt không thể đứng được, vị trí chân ngựa bị cắt lộ ra cốt sắt đã bị mục. Chân phải tượng mất trước khi di dời.
Phần thân ngựa, bề mặt bê tông còn tốt, tuy nhiên phần sắt điêu khắc bị lộ ra do lớp vữa bao bọc mỏng, bị bong tróc và mục như khu vực đai kiếm, đuôi ngựa, cánh tay đỡ chim bồ câu.
Do kết cấu rỗng, sau thời gian dài chịu nắng mưa ngoài trời, cốt thép bên trong bị nước mưa xâm thực nên rỉ sét. Việc xử lý các hư hỏng rất phức tạp và tốn nhiều chi phí.
Sở VH&TT cho biết, trường hợp phục dựng, di dời, đặt trên bệ cao, tác động của gió lớn sẽ không đảm bảo an toàn cho tượng Trần Nguyên Hãn. Tượng đã xuống cấp phức tạp, hiệu quả sử dụng về lâu dài không cao và chi phí bảo trì hàng năm rất tốn kém.
Do đó, đơn vị này đề xuất lập phương án di dời tượng gốc về lưu trữ. Sau khi di dời về vị trí lưu giữ, các đơn vị sẽ tu bổ, bảo quản tại chỗ và đúc khuôn âm bản tượng.
Công tác đúc khuôn dương bản tạo bản sao và thay thế tượng đài hiện hữu bằng tượng có kết cầu bền vững hơn (đúc đồng, tạc đá...) sẽ được tiến hành sau khi có ý kiến của cơ quan có thẩm quyền.
Đối với tượng Vua Lê Lợi, Sở VH&TT đề xuất UBND thành phố phương án thực hiện phục dựng tượng và trưng bày lâu dài. Sở sẽ thực hiện việc phục dựng tượng về nguyên hiện trạng và bàn giao cho UBND quận 6 để bố trí, sắp xếp trưng bày tại vị trí phù hợp.
Đối với tượng cụ Trần Nguyên Hãn Sở VH&TT thực hiện việc phục dựng về nguyên hiện trạng và chuyển giao cho Ban Quản lý công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc bảo quản, lưu trữ đảm bảo yếu tố lịch sử, trang trọng, khoa học. Đồng thời, Sở VH&TT sẽ đúc khuôn tạo bản sao âm bản phục vụ đúc tượng mới bằng chất liệu bền vững hơn khi có chỉ đạo của UBND thành phố.
Đối với tượng vua Lê Lợi, Sở VH&TT cho biết, về tổng thể, tượng còn nguyên vẹn, bề mặt ngoài có dấu hiệu phong hóa nhẹ, lớp bề mặt tượng nứt vỡ cục bộ, một số vị trí để lộ cốt thép hoen rỉ và nhiều lằn nứt nhỏ trên bề mặt. Các vết nứt nhỏ (chân chim) xuất hiện trên toàn bộ tượng, vết nứt lớn tập trung vào vị trí vai cánh tay cầm cờ.
Điểm vỡ bố cục của tượng vua Lê Lợi tập trung ở vị trí chân phải, đai lưng. Các vết bong tróc xuất hiện do mục sắt bên trong, được đắp lớp vữa mỏng bên ngoài.
Tượng có các vị trí hư hỏng cục bộ, tuy nhiên về tổng thể vẫn có lớp bê tông vững chắc.
Từ hiện trạng này, Sở VH&TT đề xuất phục dựng tượng và trưng bày lâu dài. Trường hợp xác định được vị trí phục dựng tượng, Sở VH&TT sẽ chỉ đạo Trung tâm Bảo tồn di tích phối hợp cùng các đơn vị lên phương án lắp dựng hệ khuôn bao bọc, bảo quản trước khi di dời.
Sau khi di dời đến vị trí cần phục dựng, các đơn vị sẽ bơm xử lý các vết nứt, chống thấm và có biện pháp bảo quản, tu bổ chuyên sâu điểm hư hỏng hiện nay và phục dựng toàn bộ bề mặt bị phong hóa. Tượng cũng sẽ được gia cố các vị trí bị vỡ lớp bê tông bảo vệ, rỉ mòn cốt thép, sử dụng các phụ gia chuyên dụng để bổ sung vào một số điểm hư hại.