1. Dòng sự kiện:
  2. Thảm họa lũ quét Làng Nủ
  3. Mưa lũ lớn ở miền Bắc

TPHCM dành 2.000 tỷ đồng làm đường nối Vành đai 2 với cao tốc Chơn Thành

Tâm Linh

(Dân trí) - TPHCM dành 2.000 tỷ đồng làm đoạn đường dẫn khoảng 1,65km, từ Vành đai 2 đến tuyến cao tốc nối Bình Phước.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ góp ý về phương thức thực hiện dự án xây dựng dự án cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành.

Hiện quốc lộ 13 là tuyến kết nối TPHCM đi Bình Dương để đi Bình Phước bị quá tải. Khi cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành hoàn thành sẽ giảm tải cho tuyến đường này.

TPHCM dành 2.000 tỷ đồng làm đường nối Vành đai 2 với cao tốc Chơn Thành - 1

Quốc lộ 13 đoạn qua tỉnh Bình Dương (Ảnh: Hưng Thịnh Land).

Dự án qua TPHCM có chiều dài ngắn nhất trong ba địa phương, khoảng 1,65km. Theo đề án trước đây, cao tốc có điểm đầu tại nút giao Gò Dưa và kết thúc tại quốc lộ 14 (thị xã Chơn Thành, Bình Phước).

UBND TPHCM đồng tình với kiến nghị của UBND tỉnh Bình Dương về phương án đặt điểm đầu cao tốc kết nối đường vành đai 3 TPHCM (đoạn thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương).

Từ vành đai 3, tuyến sẽ có đường dẫn kết nối vào đường vành đai 2 TPHCM (thuộc địa phận TP Thủ Đức, TPHCM) dài khoảng 9km, bắt đầu tại nút giao Gò Dưa, chạy dọc theo tỉnh lộ 43 khoảng 800m, rồi rẽ phải theo đường tỉnh 743 sang Bình Dương.

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đoạn tuyến kết nối từ vành đai 2 (tại nút giao Gò Dưa) đến vành đai 3 không thuộc quy hoạch dự án cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành.

Theo ý kiến của TPHCM thống nhất với Bộ Giao thông Vận tải, thành phố dự tính tách riêng đoạn đường dẫn trên thành dự án riêng, dành tổng mức đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng cho đoạn này, để đồng bộ với đường dẫn phía Bình Dương.

TPHCM dành 2.000 tỷ đồng làm đường nối Vành đai 2 với cao tốc Chơn Thành - 2

Cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành nằm song hành cùng quốc lộ 13, dự kiến kết nối đường vành đai 2 TPHCM tại nút giao Gò Dưa (Đồ họa: Ngà Trịnh).

Theo quy hoạch, dự án cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành dài 68,7km (đoạn qua TPHCM khoảng 1,65km, đoạn qua tỉnh Bình Dương khoảng 60km, đoạn qua tỉnh Bình Phước 7,15km) với quy mô 6-8 làn xe, dự kiến hoàn thành trước năm 2030.

Kết nối ba tỉnh thành Bình Phước, Bình Dương và TPHCM, hạ tầng này có nhiều ý nghĩa trong việc tăng cường kết nối, rút ngắn thời gian di chuyển giữa khu kinh tế trọng điểm phía Nam và Tây Nguyên.