3 năm xây 566km đường cao tốc - bằng một nửa khối lượng của 20 năm trước
(Dân trí) - "Mạng lưới đường bộ cao tốc bước đầu được hình thành với 29 tuyến/đoạn tuyến, tổng chiều dài 1.729km", Bộ trưởng GTVT báo cáo. Riêng 3 năm đầu nhiệm kỳ đã có 566km đường cao tốc được hoàn thành.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng vừa ký báo cáo gửi đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ 5. Ông là một trong 4 thành viên Chính phủ sẽ đăng đàn trả lời chất vấn tại kỳ họp lần này.
Bức tranh hạ tầng giao thông được khái quát ngắn gọn trong báo cáo này với nhiều điểm nhấn về việc triển khai các dự án giao thông trọng điểm từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay.
Tính toán xây hàng loạt cao tốc
Theo Bộ trưởng GTVT, mạng lưới đường bộ cao tốc bước đầu được hình thành với 29 tuyến/đoạn tuyến cao tốc, tổng chiều dài 1.729km.
"Trong 3 năm từ đầu nhiệm kỳ đã hoàn thành 566km đường cao tốc - bằng 1/2 khối lượng đã triển khai trong gần 20 năm trước đây với khoảng 1.163km", báo cáo của Bộ GTVT nhấn mạnh việc này góp phần tăng cường năng lực vận tải trên các hành lang kinh tế quan trọng.
Bên cạnh đó, có hơn 1.000km cao tốc đang tiếp tục triển khai thi công; gấp rút hoàn thiện thủ tục để khởi công các đường vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội, vành đai 3 TPHCM và các tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Tuyên Quang - Hà Giang, Đồng Đăng - Trà Lĩnh...
Khi thực hiện xong các dự án này, Bộ GTVT tính toán sẽ hoàn thành thêm khoảng 344km đường cao tốc, phấn đấu đến năm 2025 cả nước có trên 3.000km đường bộ cao tốc; đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục đầu tư các tuyến cao tốc hướng tâm vào Hà Nội và TPHCM.
Trong lĩnh vực đường sắt, Bộ trưởng GTVT cho biết hạ tầng loại hình này đã được đầu tư nâng cấp, cải tạo với việc hoàn thành 4 dự án đường sắt quan trọng, cấp bách trên tuyến đường sắt Hà Nội - TPHCM, góp phần rút ngắn thời gian chạy tàu, nâng cao an toàn.
4 dự án cải tạo, nâng cấp các đoạn còn lại dự kiến hoàn thành năm 2025. Đặc biệt, Bộ GTVT cho biết kế hoạch đưa vào khai thác tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và đang đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt đô thị trên địa bàn: Nhổn - Ga Hà Nội, Bến Thành - Suối Tiên, Bến Thành - Tham Lương.
Ngoài ra, Bộ GTVT cho hay đang tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam theo ý kiến của Hội đồng thẩm định Nhà nước và các tuyến đường sắt khác như: Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Ngọc Hồi - Thạch Lỗi, TPHCM - Cần Thơ, Biên Hòa - Vũng Tàu, Thủ Thiêm - Long Thành... làm cơ sở định hướng kêu gọi đầu tư.
Nhiều mục tiêu quan trọng được Bộ GTVT xác định, gồm: Đến năm 2025 cả nước có khoảng 3.000km, thông tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông; phấn đấu đến 2030 có khoảng 5.000km; hoàn thành trên 1.700km đường ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau; hoàn thành xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành (giai đoạn 1), mở rộng cảng hàng không quốc tế Nội Bài, nhà ga T3 - cảng hàng không quốc tế Tân Sơn nhất, nâng cấp cảng hàng không Điện Biên; triển khai nghiên cứu, đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam…
Trong lĩnh vực hàng không, 22 sân bay đã được cải tạo và đưa vào khai thác. Thời gian quan, Bộ GTVT cho biết đã hoàn thành nâng cấp, cải tạo đường cất hạ cánh, đường lăn, nhà ga Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất; đã khởi công xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành (giai đoạn 1), Nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, cải tạo, mở rộng một số cảng hàng không: Điện Biên, Cát Bi, Phú Bài.
"Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đã từng bước đồng bộ, hiện đại, tạo lập cơ cấu vận tải hợp lý, hiệu quả, góp phần hạn chế tai nạn giao thông trong cả nước, giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn", theo đánh giá của Bộ GTVT.
Di dời trường học, bệnh viện khỏi nội thành để giảm ùn tắc
Dù vậy, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng thừa nhận vẫn còn những tồn tại như một số quy định pháp luật chưa đồng bộ dẫn đến thủ tục đầu tư còn phức tạp, kéo dài.
Bên cạnh việc vốn đầu tư chưa đáp ứng nhu cầu, Bộ GTVT cho biết việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông còn hạn chế.
Báo cáo về việc giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn, Bộ GTVT cho biết thực trạng này đã từng bước được khắc phục, đặc biệt ở Hà Nội, TPHCM.
Điển hình, trước năm 2022, vào các dịp cao điểm, các trạm thu phí BOT là tâm điểm về ùn tắc giao thông nhưng sau khi triển khai hệ thống thu phí không dừng trên phạm vi toàn quốc, ùn tắc giao thông tại các trạm thu phí đã được giải quyết một cách căn bản.
Giải pháp cho bài toán ùn tắc giao thông, theo Bộ GTVT, là thực hiện nghiêm quy định đất dành cho giao thông chiếm 16-26% diện tích xây dựng đô thị; tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương di dời các trường đại học, bệnh viện, khu công nghiệp ra khỏi nội thành.
Liên quan vấn đề kiềm chế tai nạn giao thông, Bộ GTVT báo cáo từ năm 2011 đến nay, tai nạn giao thông liên tục được kéo giảm trên cả 3 chỉ tiêu gồm số vụ, số người chết và số người bị thương.
Đáng lưu ý, năm 2011, số người chết do TNGT là 11.400 người thì đến 2020, con số này giảm còn 6.700 người. Số vụ tai nạn giao thông đã giảm từ trên 31.600 vụ năm 2012 xuống còn 14.000 vụ vào 2020; số người bị thương trong các vụ TNGT cũng giảm từ 33.400 người năm 2012 xuống còn 10.800 người năm 2020.