1. Dòng sự kiện:
  2. Gỡ khó về thuế, tài chính cho báo chí
  3. Thủ tướng thăm chính thức Hàn Quốc

TPHCM đang hoàn thiện siêu đề án cảng Cần Giờ, metro để trình Trung ương

Thư Trần Q.Huy
Metro số 1 TPHCM

(Dân trí) - Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết TPHCM đang phấn đấu hoàn thiện thủ tục, trình Thủ tướng xem xét đề án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, hệ thống metro vào quý III.

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý được Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đề cập trong phần phát biểu tại kỳ họp HĐND TPHCM lần thứ 17, khóa X, chiều 16/7.

Theo đề án, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ được bổ sung vào quy hoạch cảng biển TPHCM và định hướng đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2030. Giai đoạn đầu tư dự án được thực hiện vào 2023-2025; cảng được xây dựng trong giai đoạn 2025-2027, khai thác kể từ năm 2028.

TPHCM đang hoàn thiện siêu đề án cảng Cần Giờ, metro để trình Trung ương - 1

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi báo cáo tại kỳ họp HĐND TPHCM lần thứ 17, chiều 16/7 (Ảnh: Quang Huy).

Hạ tầng giao thông kết nối Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ được thực hiện theo lộ trình từ nay đến năm 2030. 

Việc đầu tư xây dựng cảng phải đảm bảo các yếu tố hiệu quả kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường, đặc biệt bảo vệ giữ gìn hệ sinh thái Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ.

UBND TPHCM cho biết, khi đi vào hoạt động (giai đoạn hoàn thiện), Cảng quốc tế Cần Giờ đóng góp trực tiếp cho ngân sách nhà nước khoảng từ 34.000 đến 40.000 tỷ đồng/năm, ước tính tạo ra việc làm cho 6.000-8.000 lao động.

TPHCM đang hoàn thiện siêu đề án cảng Cần Giờ, metro để trình Trung ương - 2

Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có vị trí kết nối Biển Đông dễ dàng theo luồng Vũng Tàu - Thị Vải (Ảnh: Portcoast).

Bên cạnh xúc tiến việc trình đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, TPHCM cũng đặt nhiều quyết tâm hoàn thiện hồ sơ, trình Chính phủ và Quốc hội đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị theo Kết luận 49 của Bộ Chính trị.

Ở đề án này, TPHCM đề xuất 28 cơ chế, chính sách đặc thù để hoàn thành hệ thống đường sắt đô thị theo quy hoạch đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2060. Trong đó có 11 cơ chế thuộc thẩm quyền của Chính phủ, 17 cơ chế thuộc thẩm quyền của Quốc hội. 

Sau khi Thường vụ Thành ủy và HĐND TP thông qua tại kỳ họp này, UBND TP sẽ tiếp tục trình Chính phủ và Quốc hội.

Năm 2035, TPHCM cần hoàn thiện 183km đường sắt đô thị (bao gồm 19,7km metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên) với 148 nhà ga, đáp ứng 7-8 triệu khách/ngày/đêm. Tổng mức đầu tư sơ bộ hơn 36 tỷ USD (tương đương 871.200 tỷ đồng), theo đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị. 

Kết luận 49 của Bộ Chính trị (28/2/2023) về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định vận tải đường sắt đóng vai trò chủ đạo trên hành lang kinh tế Bắc - Nam, các hành lang vận tải chính Đông - Tây và vận tải hành khách tại các đô thị lớn. 

Mục tiêu đến năm 2030, các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM tiếp tục triển khai đầu tư các tuyến metro. Riêng TPHCM cần hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị vào năm 2035. 

Dòng sự kiện: Metro số 1 TPHCM