Sở GTVT TPHCM: Kế hoạch vận hành metro số 1 vẫn trong năm 2024
(Dân trí) - Phó giám đốc Sở GTVT TPHCM cho biết, kế hoạch vận hành metro số 1 vẫn nằm trong năm 2024. Có 2 nhánh quan trọng là nhanh chóng hoàn thiện đầu tư xây dựng và xúc tiến nhanh dự án đi kèm.
Tại phiên thảo luận của tổ 4, kỳ họp HĐND TPHCM lần thứ 17, khóa X chiều 15/7, có 9 đại biểu phát biểu với 48 ý kiến xoay quanh những vướng mắc, khó khăn về các dự án giao thông, hạ tầng đô thị trên địa bàn.
Một số vấn đề đáng chú ý được đại biểu đặt câu hỏi như giải pháp giảm kẹt xe cho thành phố, tiến độ vận hành metro số 1 trong năm 2024, vì sao gần 2 thập kỷ chưa thể hoàn thành con đường giáp sân bay Tân Sơn Nhất (Phạm Văn Bạch), tồn đọng về ngập trên đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7)...
Kế hoạch vận hành metro số 1 vẫn trong năm 2024
Phản hồi đại biểu, ông Võ Khánh Hưng, Phó giám đốc Sở GTVT TPHCM cho biết kế hoạch vận hành dự án metro số 1 vào quý II/2024 có nhiều khó khăn. UBND TP đã đề ra 21 đầu việc, trong đó, Sở GTVT đảm nhận 14 đầu việc.
Sở GTVT TP và Ban quản lý dự án đường sắt đô thị đang bàn bạc hoàn thành các nội dung được giao để đưa dự án vào vận hành.
"Về kế hoạch vận hành metro số 1 vẫn nằm trong năm 2024. Có 2 nhánh quan trọng là một mặt nhanh chóng hoàn thiện đầu tư xây dựng, một mặt xúc tiến nhanh dự án đi kèm tuyến metro số 1 vào vận hành", ông Võ Khánh Hưng nói và cho biết Sở GTVT đảm nhận vai trò này.
Trong đó có 2 dự án lớn đi theo metro số 1 là Tăng cường kết nối vận tải metro số 1 (các bãi xe dọc nhà ga), tổ chức mới 18 tuyến xe buýt, hệ thống taxi, xe cá nhân, xe đạp công cộng kết nối metro số 1.
Sở GTVT cũng đang triển khai, lập hồ sơ đấu thầu, bàn phương án nhận diện hình ảnh, tăng cường giao thông kết nối vào tuyến metro số 1, hệ thống giao thông biển báo, đường nhánh, đường gom kết nối metro số 1.
Tiêu chuẩn xe buýt vận chuyển hành khách hiện nay phải trên 17 chỗ ngồi, nhưng đối với xe buýt kết nối tuyến metro số 1 thuận lợi hơn là cho phép xe nhỏ đi vào các tuyến đường hẹp, hẻm.
"Sở ngành cũng rất mệt mỏi"
Đối với dự án đường Phạm Văn Bạch, ông Hưng cho biết dự án được thực hiện từ năm 2006, thực hiện theo hình thức Nhà nước nhân dân cùng làm. Tức các hộ có diện tích nhà bị giải tỏa một phần đóng góp bằng cách giảm 50% đơn giá đền bù về đất.
Trong chi phí đền bù giải phóng mặt bằng dự án hơn 195 tỷ đồng, ngân sách TPHCM chi gần 148 tỷ đồng và phần đóng góp của các hộ dân hơn 47,6 tỷ đồng.
Dự án có 580 hộ vướng mặt bằng, trong số này có 67 hộ chưa nhận và chưa bàn giao mặt bằng cho địa phương.
"Đặc biệt là có 13 hộ khiếu nại về ranh dự án. Có những trường hợp giải quyết vấn đề khiếu nại không ổn thì người dân khiếu nại luôn người giải quyết làm cho địa phương, sở ngành chúng tôi rất mệt mỏi", ông Võ Khánh Hưng nói.
Ông Hưng cho biết hiện nay UBND quận Tân Bình, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM đang tập trung đề ra giải pháp.
Dự án mở rộng đường Phạm Văn Bạch (giáp sân bay Tân Sơn Nhất) dài 5,7km, có tổng vốn đầu tư 273 tỷ đồng.
Metro số 1 dài 19,7km, từ Bến Thành (quận 1) đến depot Long Bình. Tổng vốn đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng (khoảng 2 tỷ USD). Công trình có 3 ga ngầm và 11 ga trên cao. Đây là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TPHCM, một trong 10 tuyến thuộc hệ thống metro của thành phố.
Tuyến metro số 1 hiện đạt 98% tổng khối lượng. Sau nhiều lần chậm tiến độ và lùi thời gian hoàn thành, chủ đầu tư đặt mốc vận hành toàn tuyến vào tháng 11.