1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM có “cai” được trợ giá xe buýt?

(Dân trí) - Tỷ lệ trợ giá cho xe buýt tại TPHCM những năm gần đây vào khoảng 40% và doanh nghiệp vận tải xe buýt cho rằng thấp so với thực tế hoạt động nên dẫn đến tình trạng bỏ chuyến, hoạt động thua lỗ, nợ lương nhân viên… Một trong những “yêu sách” là tính lại mức trợ giá đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp than mức trợ giá đã “lỗi thời”

Tại chương trình Lắng nghe và trao đổi diễn ra ngày 9/9 do HĐND TPHCM tổ chức với chủ đề “trợ giá xe buýt hiệu quả và giải pháp”, ông Trần Chí Trung – Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TPHCM cho biết những năm gần đây, thành phố trợ giá xe buýt khoảng 1.000 tỷ đồng mỗi năm.

Việc này góp phần đảm bảo cho người nghèo, học sinh, sinh viên… tham gia sử dụng phương tiện công cộng. Năm 2017, lượng hành khách sử dụng xe buýt khoảng hơn 223 triệu lượt; năm 2018, sản lượng trung bình từ 650.000-700.000 lượt khách mỗi ngày. Sau nhiều năm giảm liên tục, lượng hành khách đi xe buýt đã tăng nhẹ trở lại.

Doanh nghiệp xe buýt cho rằng trợ giá xe buýt không đảm bảo chi phí hoạt động vì giá xe tăng, nhiên liệu tăng, lương nhân viên tăng...
Doanh nghiệp xe buýt cho rằng trợ giá xe buýt không đảm bảo chi phí hoạt động vì giá xe tăng, nhiên liệu tăng, lương nhân viên tăng...

Tuy nhiên, ông Trung cho rằng ngành xe buýt đang gặp khó khăn, đặc biệt là bộ định mức đơn giá từ năm 2009 đã không còn phù hợp với thực tế hiện nay do chi phí đầu vào tăng như giá xe, nhiên liệu, tiền lương cho nhân viên đều tăng.

“Các tuyến xe buýt hiện hữu bão hòa, hành khách không tăng, do đó kinh phí trợ giá chưa bù đắp đủ kinh phí doanh nghiệp bỏ ra. Vì vậy, việc thương thảo ký hợp đồng với doanh nghiệp, hợp tác xã xe buýt chậm”, ông Trung nói.

Bà Tống Thị Thu Thanh – Phó Giám đốc Hợp tác xã Quyết Thắng cho biết đơn vị tham gia trợ giá xe buýt từ 2002 đến nay. Đơn vị có 161/168 xe tham gia chạy tuyến có trợ giá.

Từ năm 2013 các doanh nghiệp vận tải xe buýt gặp nhiều khó khăn do bất cập trong tính toán trợ giá. Bộ định mức đơn giá trợ giá xe buýt không còn phù hợp. Hành khách trên một số tuyến bão hòa qua nhiều năm do đó hoạt động không bù được chi phí bỏ ra.

“Hai năm trở lại đây việc trợ giá lại gặp khó khăn, nhất là đối với các tuyến đầu tư xe mới. Các đơn vị cũng khó ký hợp đồng với trung tâm”, bà Thanh nói.

Theo bà Thanh, đã 8 tháng rồi mà doanh nghiệp chưa nhận được tiền trợ giá xe buýt ảnh hưởng đến hoạt động đơn vị và đời sống nhân viên. Bà đề nghị cần sớm ban hành bộ định mức tính trợ giá mới, đồng thời giải quyết hỗ trợ lãi vay mua xe mới để doanh nghiệp tiếp tục duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động…

Doanh nghiệp vận tải cho biết sẽ chấn chỉnh thái độ phục vụ của nhân viên, tài xế đối với hành khách để nâng cao chất lượng dịch vụ
Doanh nghiệp vận tải cho biết sẽ chấn chỉnh thái độ phục vụ của nhân viên, tài xế đối với hành khách để nâng cao chất lượng dịch vụ

Trong khi đó, đại diện Hợp tác xã 19/5 cho biết trợ giá xe buýt không đủ gây nhiều khó khăn vì giá nhiên liệu tăng, bến bãi tăng… Vì khó khăn, có xã viên phải tự lái xe để cắt giảm chi phí.

Ông Trần Thanh Tùng, xã viên HTX Quyết Thắng cho biết: “Giá xe tăng 2-3 lần. Đầu tư xe buýt mới nhưng việc khấu hao cho phương tiện tính theo đơn giá từ 2009 nên không thể thu hồi vốn đầu tư. Đề nghị sớm thông qua bộ đơn giá mới để duy trì hoạt động xe buýt, góp phần nâng cao đời sống người lao động trong hợp tác xã”.

Để nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt, ông Nguyễn Tấn Tạo, Phó giám đốc HTX vận tải 15 kiến nghị xem xét có đường dành riêng cho xe buýt để đi đúng giờ; rà soát bến bãi, nhà chờ, trạm dừng để bổ sung. “Nếu được, thành phố xem xét cho HTX đầu tư bến bãi theo hình thức xã hội hóa để có chỗ đậu xe, hành khách có thêm tiện ích ở các đầu bến”, ông Tạo nói.

Xe buýt giá rẻ mới hấp dẫn người dân

Liên quan đến chất lượng dịch vụ của xe buýt, ông Dư Phước Tân, Trưởng phòng Nghiên cứu quản lý đô thị (thuộc Viện nghiên cứu phát triển TPHCM) cho biết qua khảo sát, tỷ lệ hài lòng của người dân đối với hoạt động xe buýt đã tăng từ 21% năm 2013 lên 37% năm 2016. Xe buýt giá rẻ cũng là điểm hấp dẫn người dân tham gia loại hình vận tải công cộng này.

Đồng quan điểm, bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo TP đề nghị: “Thành phố giảm chi phí cho học sinh để động viên, tập thói quen đi xe buýt”.

Dù giá xe buýt rẻ nhưng vẫn chưa thể thay đổi thói quen sử dụng xe gắn máy của người dân vì đặc thù cấu trúc đô thị và tiện ích của xe 2 bánh
Dù giá xe buýt rẻ nhưng vẫn chưa thể thay đổi thói quen sử dụng xe gắn máy của người dân vì đặc thù cấu trúc đô thị và tiện ích của xe 2 bánh

Bà Lê Ngọc Thùy Trang, Phó giám đốc Sở Tài chính TP cho biết, trong 8 tháng đầu năm đã thanh toán hơn 740/1.000 tỷ đồng tiền trợ giá xe buýt. Mới đây, Sở Giao thông vận tải đề xuất tăng hơn 300 tỷ đồng trợ giá xe buýt cho năm 2018.

Theo bà Trang, tăng trợ giá do giá nhiên liệu tăng đã có nguồn dự phòng. Còn điều chỉnh tăng dự toán trợ giá do tăng luồng tuyến mới cần đánh giá lại. Theo đó, luồng tuyến nào không hiệu quả thì cắt rồi cân đối với việc mở luồng tuyến mới.

Để bổ sung nguồn chi cho trợ giá xe buýt, thành phố cho quảng cáo trên xe buýt. Năm 2017 số tiền thu từ quảng cáo nộp ngân sách là 16 tỷ đồng, 2018 thu được 53 tỷ đồng từ quảng cáo trên thân xe buýt, nhà chờ.

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng ngành xe buýt thành phố cần đưa ra những giải pháp mà không tốn tiền để nâng cao tỷ lệ người đi xe buýt như vệ sinh trên xe buýt, tại nhà chờ, an toàn trên xe. Đặc biệt, chấm dứt tình trạng phân biệt đối xử đối với người sử dụng vé trợ giá, bỏ người cao tuổi đứng chờ xe buýt…

“Ai chịu trách nhiệm chăm lo nhà chờ xe buýt.Thành phố có 2 mùa nắng mưa rõ rệt. Nhà chờ mà không đảm bảo che mưa, che nắng sao người dân đi xe buýt. Đây là phản ánh rất thực tế”, bà Tâm nói.

Ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng cho biết, hiện thành phố có trên 4.200 nhà chờ, trụ dừng, trong đó chỉ có hơn 600 nhà chờ. Thời gian tới sẽ cho rà soát trên toàn hệ thống để cải tạo, bổ sung. Về việc thanh toán tiền trợ giá xe buýt còn nợ, hỗ trợ lãi vay mua xe mới cho doanh nghiệp, ông Trung cho biết sẽ giải quyết trong tháng 9 này.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Bùi Xuân Cường cho biết ngành xe buýt sẽ thay đổi, không phải chỉ biết tiêu tiền mà còn tạo ra nguồn thu
Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Bùi Xuân Cường cho biết ngành xe buýt sẽ thay đổi, không phải chỉ biết tiêu tiền mà còn tạo ra nguồn thu

Trong khi đó, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Bùi Xuân Cường cho biết, hiện nay hệ thống vận tải hành khách công cộng thành phố đáp ứng khoảng 9,5% nhu cầu, mục tiêu năm 2020 là 15%. Theo ông, hiện nay mức trợ giá xe buýt tại thành phố khoảng 40% (với tỷ lệ trợ giá/chi phí), trước đây có thời điểm trợ giá tới 68%.

Theo ông Cường, xe buýt đóng vai trò chủ lực trong vận tải hành khách công cộng thành phố. Tuy nhiên, ngành xe buýt đang đối diện với khó khăn như trợ giá 3 năm gần đây không tăng mà giảm, duy trì khoảng 1.000 tỷ đồng. Trước đây, trợ giá cao nhất là 1.400 tỷ đồng/năm.

Trong bối cảnh đó, yêu cầu đổi mới phương tiện, nâng cao chất lượng, mở thêm luồng tuyến mới gặp khó khăn. Dự kiến, đến năm 2020, thành phố tăng thêm 220 tuyến, với 5.600 phương tiện. Tìm kiếm kinh phí hoàn thành mục tiêu trên là thách thức lớn.

Về vấn đề trợ giá mà doanh nghiệp đề cập, ông Cường nhấn mạnh: “Thành phố sẽ xây dựng bộ định mức đơn giá mới để trợ giá hợp lý”.

Quốc Anh