TPHCM bàn phương án kéo dài metro lên 500km
(Dân trí) - Với phương án mới, TPHCM sẽ có 10 tuyến metro, trong đó một tuyến vành đai, 8 tuyến chạy xuyên tâm.
Dựa trên định hướng điều chỉnh quy hoạch TPHCM, đơn vị tư vấn đề xuất 3 phương án phát triển hệ thống metro trên địa bàn với tổng chiều dài hơn 500 km, gấp đôi quy hoạch cũ.
Đề xuất trên được đưa ra tại cuộc họp trao đổi các nội dung liên quan đến xây dựng đề án phát triển đường sắt đô thị TPHCM theo kết luận số 49 của Bộ Chính trị, do Sở GTVT TPHCM chủ trì, chiều 10/4.
Theo Kết luận 49, mục tiêu năm 2035, TPHCM cần hoàn thành mạng lưới metro theo quy hoạch với 8 tuyến, tổng chiều dài hơn 200km. Yêu cầu trên đặt ra thách thức lớn cho TPHCM trong điều kiện thời gian chỉ còn 11 năm.
Ngoài cách tiếp cận mới, cơ chế đột phá triển khai các dự án, tư vấn đề xuất điều chỉnh tổng chiều dài đường sắt đô thị của thành phố lên 511km - gấp hơn hai lần hiện nay, thực hiện đến năm 2045.
Đề xuất nối dài số km đường sắt đô thị từ 200 lên 500km lần đầu được ông Hoàng Ngọc Tuân, quyền Giám đốc Ban Chuẩn bị đầu tư (thuộc Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM - MAUR) nêu tại tọa đàm Kết luận 49 và Nghị quyết 98 - Cơ hội và thách thức cho đường sắt đô thị TPHCM hồi cuối tháng 7.
Theo ông Tuân, một siêu đô thị như TPHCM nếu chỉ quy hoạch 220km đường sắt đô thị là quá khiêm tốn. Dẫn chứng kinh nghiệm từ một số thành phố lớn trên thế giới, ông Tuân cho biết Thẩm Quyến (Trung Quốc) diện tích khoảng 2.000km2 (tương đương diện tích TPHCM) nhưng quy hoạch tới 1.142km metro.
Do đó, MAUR đề xuất điều chỉnh quy hoạch chiều dài toàn bộ mạng lưới đường sắt đô thị TPHCM lên khoảng 400-500km, thực hiện trong 2 giai đoạn đến năm 2035 theo Kết luận của Bộ Chính trị và tầm nhìn sau 2035.
Như vậy, với phương án mới, TPHCM sẽ có 10 tuyến metro, trong đó một tuyến vành đai, 8 tuyến chạy xuyên tâm.
Theo định hướng trên, tư vấn đưa ra 3 phương án triển khai. Trong đó, phương án một là đầu tư toàn bộ mạng lưới này trong thời gian từ nay đến năm 2045, tổng vốn sơ bộ gần 50 tỷ USD.
Phương án 2 là đầu tư 6 tuyến, gồm 5 tuyến xuyên tâm và một tuyến vành đai, tổng chiều dài 303km, nguồn vốn khoảng 25 tỷ USD.
Phương án còn lại là đầu tư hoàn thiện ba tuyến số 1, 3, 4 và làm một phần các tuyến số 2, 5, 6. Theo cách này, tổng chiều dài các tuyến được xây dựng khoảng 180km, tổng vốn hơn 20 tỷ USD.
Trong 3 phương án, đơn vị tư vấn đánh giá phương án thứ 3 phù hợp với quy hoạch hiện nay ở thành phố, đồng thời khả thi hơn về nguồn lực so với hai cách còn lại.
Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm cho biết kết luận 49 của Bộ Chính trị giao TPHCM đến năm 2035 cần cơ bản hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị. Đây là cơ sở để thành phố đề xuất các cơ chế, xây dựng đề án để triển khai.
Theo ông, đây là đề án rất lớn, chưa có tiền lệ, mang tính đột phá trong phát triển hệ thống metro. Đề án này bao gồm rất nhiều lĩnh vực liên quan thủ tục đầu tư, huy động vốn, đất đai, quy hoạch, khoa học công nghệ; mô hình tổ chức xây dựng và khai thác...
TPHCM đang triển khai 2 tuyến metro. Trong đó, metro số 1 có tổng mức đầu tư 43.757 tỷ đồng, đạt 98% tổng khối lượng, được thành phố lên kế hoạch đưa vào khai thác vận hành vào quý III năm nay.
Metro số 2 có mức đầu tư 47.890 tỷ đồng, đang được triển khai di dời hạ tầng kỹ thuật với 90% mặt bằng sạch. Trước đó, metro số 2 dự kiến hoàn thành năm 2026, nhưng do nhiều vướng mắc nên được gia hạn đến năm 2030.
Bên cạnh đó, MAUR đang chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 3a (Bến Thành - Tân Kiên), metro số 5 giai đoạn 1 (ngã tư Bảy Hiền - Cầu Sài Gòn) và kêu gọi xúc tiến đầu tư cho các tuyến còn lại.