1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM: 4 cây cầu bắc qua Thủ Thiêm được đề xuất tên gọi mới

Q.Huy

(Dân trí) - Sở Văn hóa Thể thao đề xuất, cầu Thủ Thiêm 1 đổi tên thành Thủ Thiêm; cầu Thủ Thiêm 2 đổi thành cầu Ba Son; cầu Thủ Thiêm 3 đổi tên thành cầu Thủ Ngữ và cầu Thủ Thiêm 4 đổi thành Bến Nghé.

Ngày 9/3, ông Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao (VHTT) TPHCM, đã ký văn bản gửi Thường trực UBND thành phố về việc xem xét đặt tên cho 4 cây cầu Thủ Thiêm. Hiện tại, 4 cây cầu này vẫn mang các số thứ tự.

Cụ thể, Sở VHTT đề xuất đặt, đổi tên cầu Thủ Thiêm 1 thành cầu Thủ Thiêm; cầu Thủ Thiêm 2 đổi tên thành cầu Ba Son; cầu Thủ Thiêm 3 đổi thành cầu Thủ Ngữ; cầu Thủ Thiêm 4 đổi thành cầu Bến Nghé.

Theo quy định, sau khi lấy ý kiến cơ quan chuyên môn, các tên công trình công cộng, đường, phố  dự kiến được đặt, đổi cần công khai để người dân góp ý. Sau đó, UBND tỉnh, thành phố cần trình HĐND cùng cấp tại kỳ họp thường kỳ hàng năm.

TPHCM: 4 cây cầu bắc qua Thủ Thiêm được đề xuất tên gọi mới - 1

Dự kiến, cầu Thủ Thiêm 2 sẽ hoàn thiện và đưa vào sử dụng vào dịp 30/4 (Ảnh: Hải Long).

Theo Sở VHTT TPHCM, tên gọi Thủ Thiêm đã xuất hiện từ cuối thế kỷ XVIII. Trong đó, Thủ là đồn canh dưới thời phong kiến và cũng là chức vụ để chỉ người đứng đầu một tổ chức, đơn vị hành chính. Chính quyền thời ấy đã cho lập đồn binh ở Thủ Thiêm để kiểm soát việc đi lại trên sông Sài Gòn. Chữ Thiêm có thể do tên người chỉ huy đồn binh thời ấy mà thành.

Tên gọi Ba Son có từ năm 1790, khi chúa Nguyễn Ánh đặt trại thủy quân và xây dựng "xưởng thủy" bên sông Sài Gòn. Ba Son được ghi dấu là cái nôi của ngành công nghiệp đóng tàu và sửa chữa tàu thủy của Việt Nam. Ngoài ra, tên gọi này cũng gắn liền với cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, là niềm tự hào của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Thủ Ngữ là tên gọi tắt của cột cờ Thủ Ngữ, được xây năm 1865 tại khu ngã ba rạch Bến Nghé gặp sông Sài Gòn. Cột cờ là bộ phận kỹ thuật có chức năng báo hiệu cho tàu ra vào cảng Nhà Rồng, cũng là tín hiệu để tàu, bè nhận biết, tránh lạc xuống Cần Giờ hay Vũng Tàu. Từ Thủ Ngữ có thể hiểu theo nghĩa cột cờ này được dựng ngay tại lối ra vào đường thủy, có chức năng báo hiệu cho tàu bè hoạt động.

Bến Nghé là một địa danh tại vùng đất Sài Gòn - Gia Định xưa. Tên gọi này để chỉ một bến thuyền ở Sài Gòn, còn là tên một rạch nước nhỏ, nơi có người qua lại tấp nập. Có một thời, nhắc đến Đồng Nai - Bến Nghé là nói đến cả vùng đất Nam Bộ. Ngày nay, tên gọi Bến Nghé được đặt cho một phường tại quận 1 và con rạch tạo ranh giới tự nhiên giữa quận 1 và quận 4.