Tổng kiểm tra chất lượng các loại nước tương
Hôm qua, 28/7, Thanh tra Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu Sở Y tế TPHCM và Viện Vệ sinh Y tế công cộng thành phố phối hợp để đầu tuần tới sẽ tiến hành kiểm tra, lấy mẫu nước tương của tất cả các cơ sở sản xuất trong nước, không chỉ có Chinsu.
Tin từ Sở Y tế TPHCM, tất cả các loại nước tương, xì dầu, dầu hào đang lưu hành trên thị trường sẽ được lấy mẫu để kiểm nghiệm độc chất 3-MCPD trong thành phần. Dự kiến sau 1 tuần sẽ có kết quả.
Phó Giám đốc Sở Y tế Lê Trường Giang cho biết, việc lấy mẫu sẽ không theo nguyên tắc chọn ngẫu nhiên ngoài thị trường tự do mà lấy ngay tại nơi sản xuất. Nguyên nhân là do Sở "phòng xa" tình trạng nhà sản xuất sẽ đổ thừa cho hàng nhái, giả trong trường hợp kết quả kiểm nghiệm 3-MCPD cao quá tiêu chuẩn Việt Nam cho phép (1 mg/kg). "Việc kiểm tra này không phải chỉ vì sự việc của nước tương Chinsu mà là đợt tổng kiểm tra chất lượng của tất cả các loại nước tương đang có mặt trên thị trường", ông Giang nói.
TPHCM hiện có khoảng 35 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nước tương, xì dầu, dầu hào. Trong đó 90% đang chế biến theo phương pháp thủy phân - phương pháp thủ công dễ sản sinh độc tố 3-MCPD. Theo nhiều chuyên gia khoa học, nếu muốn ngăn ngừa hay hạn chế lượng 3-MCPD trong thành phần nước tương, các đơn vị chế biến phải thay đổi lại toàn bộ quy trình sản xuất. Đây là điều rất khó khăn và không thể thực hiện trong thời gian ngắn. |
Tuy nhiên, ông Giang cũng cho rằng, hiện nay hệ thống văn bản pháp luật quy định các biện pháp xử lý trong những trường hợp vi phạm tương tự như độ 3-MCPD trong nước tương còn thiếu và yếu. Do đó, trong trường hợp có vi phạm thì những biện pháp xử lý vẫn chưa mang tính chất răn đe mạnh mẽ.
Theo Viện Vệ sinh Y tế công cộng, từ trước đến nay Viện cũng đã kiểm nghiệm nhiều loại nước tương, xì dầu do Việt Nam sản xuất đang lưu hành trên thị trường, và phần lớn có hàm lượng 3-MCPD vượt chuẩn. Những sản phẩm có hàm lượng độc tố này cao thường là nhãn hiệu không quen thuộc, thuộc sở hữu tư nhân, sản xuất quy mô không lớn. Hiện nay đa số các sản phẩm nước tương loại này được chế biến bằng cách dùng HCL thủy phân đạm đậu nành, quy trình xử lý lạc hậu nên việc tồn dư quá nhiều 3-MCPD là dễ hiểu.
Thậm chí, một cán bộ quản lý chuyên ngành đề nghị giấu tên cho biết, cơ quan cán bộ này đã từng tiến hành một cuộc điều tra, nghiên cứu hàm lượng 3-MCPD trong các loại nước tương đang bán trên thị trường. Kết quả đã làm cho cơ quan này "nín lặng" khi một số mẫu kiểm nghiệm có hàm lượng 3-MCPD cao hơn 1.000 mg/kg.
Trong khi đó, kết quả kiểm tra sơ bộ trên giấy tờ về chất lượng của nước tương Chinsu cho thấy, hàm lượng chất gây ung thư 3-MCPD nằm dưới mức quy định của Bộ Y tế Việt Nam, thậm chí chưa tới tiêu chuẩn của châu Âu.
Ông Chu Quốc Lập, Phó cục trưởng Cục quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm Bộ Y tế, cho biết, trong bộ hồ sơ kiểm định chất lượng của Chinsu có giấy chứng nhận của Bộ Khoa học công nghệ Việt Nam, Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Quatest 3), và Trung tâm kiểm nghiệm chất lượng thực phẩm của Thụy Sĩ. Tất cả đều cho thấy hàm lượng độc tố 3-MCPD nằm dưới 1 mg/kg.
Ngoài ra, Công ty liên doanh chế biến thực phẩm Việt Tiến (Vitecfood), chủ thương hiệu Chinsu, đã trình 10 kết quả kiểm nghiệm chất lượng của các lô hàng xuất ra thị trường trong năm 2005. Tất cả đều đáp ứng yêu cầu về chất lượng của Việt Nam. Ngay sau khi xảy ra "sự cố Chinsu", Vitecfood cũng chủ động trực tiếp đề nghị thanh tra Bộ Y tế nhanh chóng kiểm tra chất lượng các sản phẩm của công ty, với nỗ lực bảo vệ thương hiệu. Theo ông Chu Quốc Lập thì Cục đánh giá cao động thái này.
Trả lời phóng viên chiều qua, đại diện Hội đồng quản trị Vitecfood cho biết, quá trình xác minh nguồn gốc của chai nước tương Chinsu tại Bỉ do Vitecfood thực hiện chỉ mới đi được "nửa đường". Do đó, hiện Công ty này vẫn chưa thể thông báo được sự thực về chai Chinsu "ung thư" tại Bỉ.
Theo P. Anh - M. Linh - T. Nhàn
VnExpress