1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Tổng cục trưởng Thi hành án nói về khó khăn thu hồi tài sản của "đại án"

(Dân trí) - "Có vụ phải thu hơn 15.000 tỷ đồng, nhưng tổng tài sản dự kiến có thể thu chỉ khoảng 500 tỷ đồng; tài sản không rõ nguồn gốc, liên quan đến nhiều người, phải khởi kiện để phân chia tài sản chung".

Ông Nguyễn Quang Thái - Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) trao đổi với Dân trí xung quanh kết quả thi hành án năm 2021 đạt kết quả thấp hơn năm 2020 và những khó khăn trong thu hồi tài sản của những "đại án".

Tổng cục trưởng Thi hành án nói về khó khăn thu hồi tài sản của đại án - 1

Ông Nguyễn Quang Thái trao đổi với PV Dân trí (Ảnh: Đỗ Linh).

- Nguyên nhân nào dẫn đến kết quả thi hành án năm 2021 thấp hơn năm 2020, thưa ông?

- Có nhiều nguyên nhân. Trong đó, đại dịch Covid-19 bùng phát, diễn biến phức tạp trong toàn quốc. Từ tháng 6/2021, dịch bùng phát tập trung ở 23 tỉnh, thành như Hà Nội, TPHCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai và các tỉnh phía Nam - đều là những địa bàn trọng điểm có nhiều vụ việc thi hành án. Tổng số phải thi hành của 23 tỉnh/thành này lên tới gần 500.000 việc, chiếm hơn 61% tổng số việc của toàn quốc; số tiền, tài sản phải thu hơn 224.000 tỷ đồng, chiếm gần 80% tổng số tiền phải thu của toàn quốc.

Khi thực hiện cách ly, phong tỏa theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và của địa phương, hoạt động thi hành án bị gián đoạn, nhiều việc thi hành án tài sản có giá trị lớn phải tạm dừng.

Một số nhóm vụ việc, nhất là vụ việc liên quan đến án kinh tế, tham nhũng, mặc dù số vụ việc ít (chỉ chiếm 0,49% tổng số việc phải thi hành của toàn quốc) nhưng số tiền phải thu thì rất lớn - chiếm gần 25% tổng số tiền phải thi hành cả nước. Điều đáng nói là nhóm vụ việc này tập trung vào một số địa bàn trọng điểm như TPHCM, Đà Nẵng... lượng tiền phải thu rất lớn, nhưng tài sản bảm đảm để thu hầu như không có.

Có vụ, số tiền phải thu lên đến hơn 15.000 tỷ đồng, nhưng tổng tài sản dự kiến có thể thu, chỉ khoảng 500 tỷ đồng; tài sản không rõ nguồn gốc hoặc liên quan đến nhiều người, phải khởi kiện để phân chia tài sản chung. Chỉ dừng một vụ việc sẽ ảnh hưởng đến kết quả chung của toàn ngành, làm kéo tỷ lệ chung xuống rất nhiều.

Cũng có lý do khác là vướng mắc về thể chế, trong đó có cơ chế ủy thác thi hành án. Hiện nay trong nhiều vụ việc, mặc dù tài sản đã được bản án tuyên kê biên, có thể xử lý đồng thời nhưng do nằm ở nhiều địa phương khác nhau nên phải xử lý xong tài sản ở nơi đang tổ chức thi hành rồi mới có thể ủy thác đến nơi có tài sản khác. Điều này làm thời gian thi hành án kéo dài...

Tổng cục trưởng Thi hành án nói về khó khăn thu hồi tài sản của đại án - 2

"Chỉ khoảng trên 100 vụ việc nhưng lên tới hàng trăm ngàn tỷ đồng. Điển hình như vụ liên quan đến Hứa Thị Phấn, vụ Huỳnh Thị Huyền Như, vụ Phạm Công Danh, vụ Phan Văn Anh Vũ đa phần giá trị phải thu hồi hàng chục ngàn tỷ đồng"- ông Nguyễn Quang Thái nói (Ảnh: Đỗ Linh).

- Bên cạnh nguyên nhân khách quan thì nguyên nhân chủ quan là một bộ phận cán bộ, công chức thi hành án chưa làm hết trách nhiệm của mình, có sai sót, vi phạm. Việc này sẽ được chấn chỉnh ra sao trong năm 2022?

- Đúng là như vậy. Thực ra việc chấn chỉnh không phải đến năm 2022 mới thực hiện mà chúng tôi đã chỉ đạo thực hiện thường xuyên, nhất là trong năm 2021.

Năm 2022 và những năm tiếp theo, Tổng cục Thi hành án sẽ tham mưu cho Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Tư pháp thực hiện thật hiệu quả các biện pháp, giải pháp phòng ngừa trên 3 trục cơ bản là tham nhũng, tiêu cực và sai phạm. Đây được xem là giải pháp chủ động.

Tổng cục cũng đã ban hành "Chương trình hành động đẩy mạnh phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng, sai phạm trong thi hành án dân sự giai đoạn 2021 - 2025".

Tôi cho rằng nếu thực hiện tốt sẽ không chỉ thực hiện hiệu quả phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng, sai phạm mà còn khắc phục tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức thi hành án chưa làm hết trách nhiệm của mình, có sai sót, vi phạm làm ảnh hưởng tới kết quả.

Chúng tôi cũng sẽ phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả với cấp ủy, chính quyền, cơ quan báo chí và nhân dân trong phòng ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi tiêu cực trong quản lý công chức, viên chức. Thực hiện nghiêm, hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo Chấp hành viên, công chức cơ quan thi hành án.

Kiểm soát chặt chẽ, phòng ngừa vi phạm đối với tất cả các khâu của quá trình thi hành án; phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các sai phạm theo tinh thần "Không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ".

- Những vụ án kinh tế, tham nhũng có số tiền phải thu hồi lớn nhất hiện nay là những vụ nào? Cơ quan thi hành án có đặt ra mục tiêu trong những vụ việc đó?

- Thực ra tổng số vụ việc thi hành án liên quan đến tham nhũng, kinh tế chiếm một tỷ lệ không nhiều trong tổng số vụ việc mà cơ quan thi hành án đang tổ chức thi hành. Tuy nhiên đây lại là những vụ việc có số lượng tiền, tài sản phải thu rất lớn, nhất là những vụ việc do Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi.

Chỉ khoảng trên 100 vụ việc nhưng lên tới hàng trăm ngàn tỷ đồng. Điển hình như vụ liên quan đến Hứa Thị Phấn, vụ Huỳnh Thị Huyền Như, vụ Phạm Công Danh, vụ Phan Văn Anh Vũ (còn gọi là Vũ "Nhôm", cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Xây dựng Bắc Nam 79) đa phần giá trị phải thu hồi hàng chục ngàn tỷ đồng.

Cùng với việc số tiền phải thu lớn là những vụ rất phức tạp do tài sản kê biên nhiều, ở nhiều địa phương khác nhau, nguồn gốc tài sản cũng không rõ, thuộc sở chung nhiều ngưởi… Để xử lý các tài sản này, cơ quan thi hành án cần có sự phối hợp của các Bộ, ngành, chính quyền địa phương.

Mục tiêu lớn nhất của chúng tôi đó là làm sao để thu hồi tối đa tài sản của Nhà nước bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Để đạt được mục tiêu này, cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó đặt trọng tâm, trọng điểm những vụ án lớn, có điều kiện thu để lãnh đạo, chỉ đạo.

Điển hình như tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan thi hành án phối hợp với các cơ quan liên quan để giao cho UBND TPHCM tài sản trên địa bàn là nhà đất tại số 15 Thi Sách; giao Bộ Công an tài sản là nhà đất tại số 129 Pasteur, phường 6, quận 3, TPHCM trong vụ Phan Văn Anh Vũ; giải quyết vướng mắc, tổ chức giao tài sản là khu đất tại đường Ngô Quyền, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng trong vụ Phan Văn Anh Vũ cho UBND thành phố Đà Nẵng; tổ chức bán đấu giá khu đất 209 đường Trường Chinh, Đà Nẵng; giải quyết các vướng mắc để xử lý theo bản án và theo quy định đối với dự án khu phức hợp Sân vận động Chi Lăng, thành phố Đà Nẵng,...

Phan-Van-Anh-Vu.jpg

Phan Văn Anh Vũ 

- Ông có thể cho biết những định hướng lớn mà Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự sẽ thực hiện trong năm 2022 để nâng cao kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng?

- Định hướng lớn đã được thể hiện rõ trong Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư. Về phần mình, Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp cũng đã ban hành Kế hoạch 18-KH/BCSĐ về triển khai thực hiện Chỉ thị 04.

Trong tổng thể các nhiệm vụ, giải pháp, chúng tôi đã và sẽ tham mưu để Chính phủ trình Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung Điều 55, Điều 56 và Điều 57 Luật Thi hành án dân sự nhằm hoàn thiện quy định về ủy thác xử lý tài sản trong trường hợp người phải thi hành án có tài sản ở nhiều địa phương khác nhau.

Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm sát công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; kịp thời phát hiện, khắc phục những tồn tại, hạn chế, xử lý nghiêm những sai phạm, tiêu cực.

Chúng tôi sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng trong toàn ngành tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng trong công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế gắn với vai trò, trách nhiệm, thẩm quyền của từng cơ quan. Phải làm sao để các cơ quan kịp thời áp dụng các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, đất đai, phong tỏa tài khoản ngay trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử là tiền đề quan trọng để thi hành án đạt kết quả.

Tổ chức thực hiện tốt các giải pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng, sai phạm, trong đó đặt trọng tâm xây dựng và thực hiện "Chương trình hành động đẩy mạnh phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng, sai phạm trong thi hành án dân sự" đến từng cơ quan, từng công chức của hệ thống như tôi đã đề cập ở trên.

- Xin cảm ơn ông !

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm