(Dân trí) - Kịp thời áp dụng các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản để tránh tình trạng đến khi có án thì vụ việc đã trở thành "vườn không, nhà trống".
Ông Nguyễn Quang Thái - Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) trao đổi với Dân trí sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 04-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
- Từ năm 2016 đến 6 tháng đầu năm 2021 tình hình thu hồi tài sản tham nhũng đã đạt được kết quả ra sao? Khó khăn, vướng mắc khi thi hành những vụ án có khối lượng tài sản phải thu hồi lớn là gì, thưa ông?
+ Tình hình thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng kinh tế từ năm 2016 đến năm 2020 đã được đề cập, đánh giá tại nhiều tài liệu, diễn đàn, hội nghị theo chiều hướng tích cực, ngày càng hiệu quả. Theo đó, từ năm 2016-2019, các cơ quan thi hành án dân sự đã thu được trên 26.716 tỷ đồng; riêng trong năm 2020 đã tổ chức thi hành được trên 15.000 tỷ đồng, trong đó có trên 14.000 tỷ đồng từ các vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, cao nhất từ trước đến nay.
Kết quả này đang được các cơ quan thi hành án dân sự tiếp tục phát huy trong năm 2021, từ đầu năm đến nay đã thu trên 1.900 tỷ đồng. Hiện chúng tôi đang thực hiện nhiều giải pháp để xử lý, thu hồi tiếp hàng ngàn tỷ đồng theo các bản án đã có hiệu lực thi hành.
Có thể nói đã là vụ án có khối lượng thu hồi tài sản lớn thì ngay cái tên cũng đã nói lên tất cả. Trước đây, hệ thống cơ quan thi hành án dân sự cũng đã từng thi hành vụ án lớn như vụ EPCO, TAMEXCO... với số tiền phải thi hành lên đến hàng ngàn tỷ đồng nhưng số lượng vụ việc như thế này không nhiều. Còn hiện nay, những vụ việc thi hành án với số tiền phải thi hành ngàn tỷ đồng ngày càng nhiều và cơ quan thi hành án dân sự gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc khi thực hiện nhiệm vụ.
Có thể kể ra một số khó khăn, vướng mắc như sau:
Thứ nhất, số lượng tài sản phải xử lý rất lớn, nhiều chủng loại nên để xử lý được thì rất tốn kém về thời gian cũng như kinh phí để xác minh, kiểm đếm, liệt kê, xác định giá trị và chi phí xử lý theo quy định.
Thứ hai, tài sản có nguồn gốc phức tạp hoặc thuộc sở hữu chung với người khác hoặc đang được cho thuê, cho mượn, góp vốn, cầm cố, thế chấp,... dễ dẫn đến tranh chấp khi xử lý hoặc tài sản là cổ phần, cổ phiếu, giấy tờ có giá hoặc đã hết hạn sử dụng một phần, toàn bộ (quyền sử dụng đất nông nghiệp...), tài sản không có giấy chứng nhận quyền sở hữu (công trình xây dựng trên đất...) nhưng chưa có cơ chế xử lý.
Thứ ba, việc pháp luật về thi hành án dân sự quy định trong trường hợp có nhiều tài sản ở nhiều địa phương khác nhau thì chỉ được ủy thác đến nơi khác khi đã xử lý xong tài sản tại nơi đang tổ chức thi hành cũng đã dẫn đến việc thi hành án bị kéo dài, tài sản bị thất thoát, hư hỏng, giảm giá trị, nhất là đối với các vụ án có quá nhiều tài sản cần xử lý ở nhiều địa phương khác nhau....
- Trong các nguyên nhân dẫn đến việc "thu hồi tài sản bị thất thoát chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế còn hạn chế", đâu là nguyên nhân căn bản nhất ?
+ Đúng là có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc thu hồi tài sản bị thất thoát chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế còn hạn chế như tôi đã đề cập ở trên. Mỗi nguyên nhân đều có vị trí riêng dẫn đến hệ quả làm hạn chế khả năng thu hồi tài sản vị thất thoát, chiếm đoạt. Do vậy rất khó để xác định một nguyên nhân nào đó là căn bản.
Ai cũng biết mọi việc đều bắt đầu từ nhận thức. Từ nhận thức sẽ tới hành động. Chỉ thị số 04 của Ban Bí thư đã xác định yếu tố đầu tiên đó là "Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu các cấp đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt trong quá trình thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng". Tôi cho rằng đây là một yêu cầu rất quan trọng.
Chúng ta không thể xem trọng vấn đề tìm ra tội phạm mà xem nhẹ hậu quả của tội phạm gây ra là làm thất thoát tiền, tài sản của Nhà nước. Ngược lại, cũng không thể chỉ nghĩ đến thu hồi tiền, tài sản mà không chú ý yêu cầu tìm ra tội phạm. Hai vấn đề này có mối quan hệ khăng khít.
Ngoài ra, cũng phải xác định, trách nhiệm thu hồi tiền tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế không phải chỉ riêng của một cơ quan nào mà cần có sự tham gia, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành án dân sự giữ vai trò nòng cốt.
Một ví dụ điển hình cho việc tạo chuyển biến và thành công trong việc thu hồi tài sản tham nhũng thời gian qua đó là khi có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, đặc biệt với sự chỉ đạo quyết liệt của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, các cơ quan tiến hành tố tụng kịp thời áp dụng các biện pháp ngăn chặn ngay từ giai đoạn đầu của quá trình điều tra - là yếu tố khiến người phạm tội khó hoặc không có điều kiện tẩu tán, hủy hoại, cất giấu tài sản trước khi bị đưa ra xét xử, gây khó cho quá trình thi hành án.
- Với hệ thống quy định pháp luật hiện nay thì việc truy tìm, thu hồi tài sản do phạm tội mà có ở đang ở nước ngoài có khó khăn không, thưa ông?
+ Để truy tìm, thu hồi, thu hồi tài sản do phạm tội mà có đang ở nước ngoài thì vấn đề tương trợ tư pháp có ý nghĩa quan trọng. Tuy nhiên, Luật Tương trợ tư pháp của Việt Nam hiện nay chưa có các quy định cụ thể về phát hiện, thu hồi, chuyển giao tài sản tham nhũng hay chia sẻ thông tin với các cơ quan có thẩm quyền nước ngoài liên quan đến tài sản tham nhũng.
Trong quy định về phạm vi tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự, hình sự, vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng chưa được quan tâm đề cập, chưa có các quy định cụ thể về chuyển giao, thu hồi, chia sẻ thông tin với cơ quan có thẩm quyền nước ngoài liên quan đến hoạt động thu hồi tài sản tham nhũng.
Việc thực hiện tương trợ tư pháp vẫn phụ thuộc vào sự thiện chí, tích cực và quy định pháp luật của các nước.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chưa ký kết hiệp định tương trợ tư pháp với nhiều nước. Đây cũng là vấn đề gây nhiều khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc phối hợp điều tra làm rõ các vụ việc, vụ án tham nhũng cũng như thu hồi tài sản tham nhũng có yếu tố nước ngoài.
- Ông có thể nói về những giải pháp để khắc phục, xử lý triệt để những bất cập, hạn chế trong thời gian sắp tới ?
+ Chỉ thị của Ban Bí thư vốn dĩ đã chỉ rất rõ các yêu cầu, giải pháp. Nếu tổ chức triển khai thực hiện tốt các nhóm vấn đề được nêu ra trong Chỉ thị này sẽ là giải pháp khắc phục, xử lý triệt để những hạn chế, bất cập trong thu hồi tài sản bị thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Trong đó, tôi cho rằng trước hết phải tổ chức quán triệt để các cấp, các ngành hiểu đúng, đầy đủ về nội dung, yêu cầu của Chỉ thị số 04-CT/TW, nhất là những nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến chức trách, nhiệm vụ của từng cấp.
Nếu xây dựng chương trình, kế hoạch tốt sẽ tạo tiền đề để thực hiện tốt Chỉ thị số 04. Cá thể hóa trách nhiệm, đề cao vai trò của từng công chức, nhất là các chức danh tư pháp, người tiến hành tố tụng trong việc tổ chức thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình. Chủ động phối hợp có hiệu quả với các ngành, các cấp liên quan đến thu hồi tài sản bị thất thoát trong các vụ án tham nhũng, xác định công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế (nhất là phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với nhau, với cơ quan thi hành án dân sự) để kịp thời áp dụng các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản ngay trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, tránh tình trạng để đến khi có án thì vụ việc đã trở thành "vườn không, nhà trống".
Đồng thời phải tăng cường công tác kiểm tra, phối hợp, kiểm sát để giám sát, phòng ngừa, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm tham nhũng (nếu có) liên quan đến thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt.
Hiện nay, bên cạnh việc tham mưu cho Bộ Tư pháp về nội dung chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị 04-CT/TW trong toàn ngành tư pháp thì Tổng cục Thi hành án dân sự cũng đang khẩn trương thực hiện việc tổng hợp, rà soát, tìm ra các bất cập, hạn chế của các quy định pháp luật về thi hành án dân sự và các quy định của pháp luật khác có liên quan để đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
- Chỉ thị số 04-CT/TW yêu cầu có cơ chế phát huy hiệu quả vai trò giám sát của Nhân dân, khuyến khích người dân phản ánh, tố giác tài sản bất minh và sai phạm trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng. Làm sao để khuyến khích người dân trở thành "tai mắt", cùng giám sát việc này?
+ Đây là yêu cầu chung của Đảng, Nhà nước ta đối với tổ chức, hoạt động của các cơ quan có thẩm quyền, trong đó có công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Cái khó của vấn đề này chính là làm thế nào để người dân hiểu, thấy được đây vừa là quyền, đồng thời cũng là nghĩa vụ của công dân đối với đất nước. Có nhiều cách để khuyến khích người dân trở thành "tai mắt" của cơ quan nhà nước, trong đó, trước hết phải làm tốt công tác tuyên truyền. Tiếp theo là phải có cơ chế, bao gồm cả việc cung cấp thông tin và xử lý thông tin.
Kèm theo đó là cơ chế bảo vệ. Người dân chỉ thực sự muốn tham gia giám sát khi thấy yên tâm vì được bảo vệ và việc tham gia của mình thực sự được ghi nhận.
Cuối cùng, đó là cơ chế khen thưởng thỏa đáng.
Về phía các cơ quan Nhà nước, tôi cho rằng Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội là cầu nối quan trọng để phát huy vai trò tham gia của nhân dân trong hoạt động này. Do vậy, cần nâng cao năng lực, trách nhiệm giám sát của mỗi đại biểu trong công tác phòng chống tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng; đặc biệt phải có ý chí và hành động trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; không sợ mất uy tín, không sợ khuyết điểm, bản lĩnh, có chính kiến thông qua hoạt động giám sát, phản biện xã hội.
Mặt trận các cấp cần tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền trong hệ thống, phát huy vai trò của báo chí, truyền thông, doanh nghiệp, doanh nhân, trí thức, người dân, người dân tộc thiểu số, chức sắc tôn giáo, người tiêu biểu trong xã hội với công tác phòng, chống tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng. Bên cạnh đó cần kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, phát huy vai trò của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, phát hiện, đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng ngay từ cơ sở.
-Xin cảm ơn ông !
Một số vụ án có tài sản phải thu hồi lớn
- Bản án số 408/2018/HSPT ngày 26/6/2018 của TAND Cấp cao tại Hà Nội; Bản án số 110/2018/HSST ngày 29/3/2018 của TAND thành phố Hà Nội tuyên buộc ông Đinh La Thăng phải thi hành gần 800 tỷ đồng; cơ quan thi hành dân sự đã thu được 34 tỷ đồng, còn phải thi hành trên 750 tỷ đồng.
- Theo Bản án hình sự phúc thẩm số 02/2015/HSPT ngày 7/1/2015 của TAND Tối cao tại TPHCM (giai đoạn 1) và Bản án hình sự phúc thẩm số 291/2018/HSPT ngày 30/5/2018 của TAND Cấp cao tại TPHCM (giai đoạn 2) thì Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm phải thi hành tổng số tiền 15.000 tỷ đồng. Cơ quan thi hành án dân sự đã xử lý xong 20 tài sản tòa án tuyên kê biên thu được 400 tỷ đồng, số tiền còn phải thi hành trên 14.000 tỷ đồng.
- Theo Bản án hình sự số 330/2017/HSST ngày 29/9/2017 của TAND thành phố Hà Nội và Bản án hình sự số 281/2018/HSPT ngày 04/5/2018 của TAND cấp cao tại Hà Nội thì Hà Văn Thắm phải thi hành số tiền 1.700 tỷ đồng. Cơ quan thi hành án đã xử lý xong 10 tài sản tòa án tuyên kê biên thu được số tiền 600 tỷ đồng, còn phải thi hành 1.100 tỷ đồng. Số không có điều kiện thi hành khoảng 1.000 tỷ đồng.