Tội phạm cưỡng dâm tăng 200%, "chưa bao giờ cao như thế"
(Dân trí) - Tội cưỡng dâm tăng 200%, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà khẳng định chưa bao giờ tội này tăng cao như thế, cần nghiên cứu, báo cáo rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Ngày 26/10, tại phiên thảo luận tổ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (Hà Nội) đề nghị Chính phủ đánh giá sâu hơn về ý thức, nhận thức và đạo đức chấp hành pháp luật.
Theo ông Hà, mặt này của người dân còn hạn chế trong nhiều lĩnh vực; điển hình là trong việc tham gia giao thông đường bộ.
Ông cho hay, người dân ý thức rất kém thể hiện trong việc đỗ xe, quay đầu xe, vượt đèn đỏ, đi quá tốc độ… Thực trạng này "rất xấu hổ". Người nước ngoài khi đến với Việt Nam họ thấy ý thức tham gia giao thông của nhiều người Việt rất kém.
Cũng liên quan đến báo cáo về kinh tế xã hội trong năm 2024, ông Hà cho rằng có vấn đề rất đáng quan tâm là tình hình phạm tội cưỡng dâm gia tăng.
"Theo báo cáo của Chính phủ thì tội cưỡng dâm tăng 200%, chưa bao giờ tội này tăng cao như thế. Điều này cũng liên quan đến ý thức, nhận thức và đạo đức trong chấp hành pháp luật", ông Hà nói.
Vị đại biểu đề nghị Chính phủ nghiên cứu, báo cáo rõ thêm về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Về tình hình thi hành Hiến pháp; thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Hà cho biết theo báo cáo của Chính phủ, hiệu quả tuyên truyền pháp luật có tiến bộ, có thành tựu.
Tuy nhiên, theo vị đại biểu này, với những thực trạng xã hội như trên, đề nghị Chính phủ cần đánh giá thêm về hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhân dân.
"Theo tôi việc tuyên truyền này chưa thực sự phát huy hiệu quả nên ý thức, nhận thức và đạo đức của xã hội trên nhiều lĩnh vực chưa thực sự đi vào cuộc sống", ông Hà nêu quan điểm.
Tại tổ Trà Vinh, đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga cho biết, dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan liên quan đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn. Trong đó nhiều dự án luật, nghị quyết với các chính sách lớn, phức tạp, quan trọng đã được Quốc hội thông qua, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, từ đó triển khai hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, theo đại biểu Nga, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024 cũng còn một số hạn chế nhất định.
Bà Nga đề nghị Chính phủ cần đánh giá sâu thêm những nguyên nhân hạn chế chủ quan, khách quan để có biện pháp khắc phục tốt hơn trong thời gian tới.