Đại biểu cảnh báo về Temu và cơn lốc hàng giá rẻ, "cần hành động ngay"
(Dân trí) - Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng các sàn như Temu hoạt động ở Việt Nam phải tuân thủ các quy định. Cơ quan chức năng cần kiểm tra, xử lý, chấn chỉnh. Đại biểu khác đặt nhiều câu hỏi với hàng giá rẻ.
Sáng 26/10, phát biểu thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) bày tỏ lo ngại trước vấn đề hàng giá rẻ đang tràn vào Việt Nam qua kênh bán hàng thương mại điện tử.
Temu quảng cáo rầm rộ, giảm giá mạnh: Nguy cơ triệt tiêu hàng trong nước
Ông Cường nhắc đến sàn thương mại điện tử Temu thời gian gần đây quảng cáo rầm rộ, hàng hóa giảm giá sâu, có mặt hàng giảm đến 70%, rẻ hơn so với mặt bằng.
Khẳng định đây là "cảnh báo lớn" rất cần quan tâm trong lĩnh vực tiêu dùng hiện nay, ông Cường cho rằng nếu không có giải pháp kiểm soát, người tiêu dùng sẽ mua hàng qua các kênh thương mại điện tử giá rẻ, chưa được kiểm soát chất lượng, ảnh hưởng đến thị trường trong nước.
Theo ông, việc này có nguy cơ hàng hóa giá rẻ triệt tiêu hàng sản xuất trong nước. Khi đó, các cửa hàng kinh doanh trong nước gặp khó khăn, sẽ phải đóng cửa khi người dân mua hàng giá rẻ qua mạng.
Vị đại biểu kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước "cần hành động ngay" trước vấn đề này. "Chúng ta không thể cấm hoạt động thương mại điện tử vì đây là xu thế, và Việt Nam đang hội nhập sâu rộng nhưng phải có giải pháp kiểm soát chất lượng hàng hóa bán qua sàn thương mại điện tử", ông Cường nói.
Về vấn đề kiểm soát chất lượng hàng được bán qua mạng, ông Cường cho biết tình trạng này đang bị buông lỏng. Vấn đề đó đã được các đại biểu Quốc hội chất vấn ở các kỳ họp trước. Hiện có việc nhiều hàng hóa sản xuất ở Trung Quốc nhưng "đội lốt" hàng Việt Nam, có sẵn nhãn mác Việt Nam khi nhập về nước.
Ông Cường đề nghị cần tăng cường kiểm soát chất lượng hàng trên thương mại điện tử, một mặt để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, một mặt để bảo vệ các ngành sản xuất trong nước trước "cơn lốc" hàng giá rẻ.
Xem lại chính sách miễn thuế nhập khẩu hàng giá trị nhỏ
Bên cạnh đó, ông Cường cũng kiến nghị xem xét lại chính sách miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa có giá trị nhỏ, dưới 1 triệu đồng.
Theo ông, cần phải nhìn nhận rằng nếu hàng giá rẻ tràn lan như hiện nay thì chính sách này có còn phù hợp hay không, chúng ta cần tính toán lại, cần nghiên cứu để thu thuế đối với hàng nhập khẩu giá trị.
Biện pháp kiểm soát hành chính đối với hàng hóa nhập khẩu giá trị nhỏ cũng cần tăng cường, đẩy mạnh hơn.
Ngoài ra, vị đại biểu kiến nghị một giải pháp quan trọng khác là nâng cao năng lực cạnh tranh của sàn thương mại điện tử trong nước.
Ông bày tỏ lo ngại khi hiện nay thị phần thương mại điện tử trong nước chủ yếu thuộc về các sàn thương mại điện tử nước ngoài (trên 90%), còn các sàn trong nước rất thấp. Vì vậy, ông Cường kiến nghị cần có chính sách để xây dựng các sàn thương mại điện tử trong nước đủ sức cạnh tranh.
Ông Cường nhấn mạnh các sàn thương mại như Temu hoạt động ở Việt Nam phải tuân thủ các quy định. Cơ quan chức năng cần kiểm tra, xử lý, chấn chỉnh nếu các sàn thương mại chưa tuân thủ quy định.
Có phải chúng ta chi trả phần lớn 28 tỷ USD cho nước láng giềng?
Tại tổ Trà Vinh, đại biểu Trần Quốc Tuấn góp ý Chính phủ cần có giải pháp hiệu quả hơn nữa trong hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, quản lý và kiểm soát tốt kinh doanh thương mại điện tử.
Ông dẫn số liệu trong 9 tháng, doanh thu thương mại điện tử ước đạt khoảng 28 tỷ USD (tăng 36%), thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới…
"Điều này cho thấy, kinh doanh qua mạng xã hội, qua các sàn giao dịch thương mại điện tử tăng rất nhanh. Vấn đề đặt ra là hàng hóa kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử là hàng hóa gì, nguồn gốc xuất xứ ở đâu, tỷ lệ hàng Việt Nam chiếm bao nhiêu trong số tiền 28 tỷ USD đó?", ông Tuấn nói.
Vị đại biểu bày tỏ băn khoăn liệu có phải chúng ta chi trả phần lớn số tiền ấy cho nước láng giềng, do chúng ta đã mua hàng hóa với giá cực rẻ của họ để kinh doanh trên sàn thương mại điện tử trong nước.
Cho rằng đây là điều lo lắng, ông Tuấn khẳng định chính việc hàng hóa của nước láng giềng có giá quá rẻ với chi phí logistics cực kỳ tốt và được kinh doanh dễ dàng trên sàn thương mại điện tử của ta nên đã tạo ra tâm lý dễ dãi đối với người tiêu dùng trong nước.
Điều này, theo ông Tuấn có 2 mặt. Mặt tích cực đối với người tiêu dùng là rất dễ mua sắm, muốn mua món đồ gì cũng có, chỉ cần thực hiện vài thao tác trên điện thoại thông minh, lướt TikTok hay lên sàn thương mại điện tử Shopee hoặc Lazada là có thể mua các món đồ theo ý thích với giá siêu rẻ; được giao hàng nhanh chóng, với phương thức thanh toán dễ dàng.
Nhưng ngược lại, mặt tiêu cực theo ông là thực tế này đang "giết chết dần", "chết mòn" các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng trong nước, vì hàng hóa Việt Nam không thể cạnh tranh về giá cả, mẫu mã.
Từ thực tế đó, ông Tuấn đề xuất Chính phủ có giải pháp chỉ đạo kiên quyết, dứt khoát, hiệu quả để vừa khuyến khích, tạo động lực thúc đẩy phát triển, vừa bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp trong nước, nhưng cũng không làm ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.