Ông Hồ Đức Phớc: "Temu trong diện phải nộp thuế, không nộp sẽ thanh tra"

Hoài Thu

(Dân trí) - Nói về sàn giao dịch xuyên biên giới Temu, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nhấc máy gọi ngay cho Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, chỉ đạo rà soát để yêu cầu Temu kê khai nộp thuế.

Thông tin này được Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc chia sẻ bên hành lang Quốc hội sáng 26/10, liên quan vấn đề thu thuế với sàn giao dịch điện tử, trong đó có Temu.

Cho biết đã nghe các đại biểu Quốc hội phản ánh nhiều về việc này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định sàn thương mại điện tử xuyên biên giới Temu vừa xuất hiện tại Việt Nam cũng nằm trong diện phải nộp thuế như Google, Facebook…

Để có thông tin cụ thể hơn về tiến độ triển khai thu thuế với sàn giao dịch điện tử xuyên biên giới Temu, ông Phớc ngay lập tức dùng điện thoại gọi điện cho Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế.

Ông Hồ Đức Phớc: Temu trong diện phải nộp thuế, không nộp sẽ thanh tra - 1

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc (Ảnh: Minh Châu).

Qua điện thoại, ông yêu cầu lãnh đạo Tổng cục Thuế rà soát ngay và trước tiên phải làm văn bản đôn đốc, yêu cầu Temu kê khai nộp thuế, đồng thời, lập tức thu thập các dữ liệu thống kê.

"Tổng cục Thuế đang kiểm tra dữ liệu và yêu cầu kê khai nộp thuế. Trường hợp không nộp sẽ tổ chức thanh tra, xử lý", ông Phớc nhấn mạnh.

Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính, hiện có 102 đơn vị nước ngoài đăng ký nộp thuế, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn như Google, Facebook, Microsoft… trong diện nộp thuế. Điển hình, ở Hà Nội vừa qua thu được 33.000 tỷ đồng tiền thuế.

Đánh giá khái quát, ông Phớc cho rằng trước sự phát triển như vũ bão trong thời đại công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo AI, chúng ta phải thích ứng nhanh, bắt kịp xu thế thời đại, nếu không sẽ tụt hậu, bị bỏ lại phía sau.

Ông cho biết đã chỉ đạo các tổng cục của Bộ Tài chính thành lập từng nhóm, nghiên cứu trí tuệ nhân tạo để áp dụng.

Trao đổi về nguy cơ doanh nghiệp trong nước "thua ngay trên sân nhà", sản xuất trong nước dễ bị đè bẹp, Phó Thủ tướng nêu quan điểm cần ban hành luật về chống bán phá giá, để chống phá giá và độc quyền.

"Ví dụ, có một vài ông kinh doanh, buôn bán xi măng trên cùng một dãy phố. Một ông nhiều vốn, bán xi măng dưới giá thành. Còn một ông ít vốn, phải vay ngân hàng thì bán đắt hơn, không ai mua. Người tiêu dùng sẽ mua xi măng của ông bán giá rẻ. Ông này thâu tóm được bằng biện pháp đại hạ giá rồi độc quyền khu vực. Sau đó ông ấy nâng giá lên mà không bị ai cạnh tranh", ông Phớc dẫn chứng.

Theo ông, doanh nghiệp nội buộc phải thích nghi và vươn lên.

Còn về phía cơ quan quản lý Nhà nước như Bộ Tài chính, nếu không tập trung phát triển công nghệ thông tin cũng sẽ tụt hậu ngay.

Minh chứng, ông Phớc nói vừa qua thu ngân sách vượt 940.000 tỷ đồng trong 4 năm, vì có những giải pháp sáng tạo. Ví dụ như xuất hóa đơn điện tử, kết nối dữ liệu liên thông, kết nối máy tính tiền, hóa đơn may mắn, hay là xuất hóa đơn từng lần qua bán hàng, chống đầu cơ, chuyển nhượng trong bất động sản, rồi thu thuế sàn thương mại điện tử trong nước, sàn thương mại điện tử xuyên biên giới…

"Một loạt các giải pháp được chúng tôi đưa ra để không bị trục lợi, thất thu thuế. Chúng tôi cũng phát động trong toàn ngành thuế với gần 40.000 người viết phần mềm đối chiếu các lần giao dịch, xác định giao dịch đáng ngờ để đánh giá, kiểm tra", ông Phớc nói.

Trao đổi thêm về yêu cầu của Phó Thủ tướng, ông Mai Sơn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế, cho biết Tổng cục Thuế đã có yêu cầu và Temu đã đăng ký thuế.

"Temu phải nộp thuế theo quy định như các đơn vị kinh doanh, nhà cung cấp nước ngoài khác như Facebook, Google... Họ phải thực hành theo đúng luật rồi sẽ hậu kiểm, chia sẻ dữ liệu, xem kê khai có đúng không", ông Sơn nói.