1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TikToker, YouTuber ngày càng nhiều, đại biểu băn khoăn về xu hướng nghề

Hà Mỹ

(Dân trí) - Đề cập về sự xuất hiện của những ngành nghề mới như TikToker, YouTuber, Streamer, đại biểu HĐND TP Hà Nội đề nghị lãnh đạo Sở Lao động cho biết xu hướng thị trường lao động thủ đô trong 5-10 năm tới.

Tiếp tục chương trình tại kỳ họp thứ 17, chiều 3/7, HĐND TP Hà Nội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn về lĩnh vực việc làm, công tác đào tạo nghề đối với lãnh đạo sở, ngành liên quan. 

Đại biểu Nguyễn Thị Lan Hương (huyện Quốc Oai) cho biết sau đại dịch Covid-19, thị trường lao động xuất hiện một nghề mới phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới, đó là công việc livestream dựa trên xu thế phát triển của nghề bán hàng qua mạng và sản xuất nội dung trên nền tảng TikTok, Facebook, YouTube...

Bà Hương dẫn báo cáo của ngành công thương cho thấy riêng doanh số của 5 sàn thương mại điện tử tại Việt Nam đã đạt ngưỡng xấp xỉ 10 tỷ USD. Từ các nền tảng này cũng xuất hiện những nghề mới, có thể coi là không chính thức như Streamer, Tiktoker, Youtuber…

Nữ đại biểu đề nghị lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) và UBND TP Hà Nội cho biết xu hướng thị trường lao động thủ đô và chiến lược phát triển công tác đào tạo nghề trong 5-10 năm tới, trước xu thế hội nhập và sự phát triển chóng mặt của mạng xã hội, trí tuệ nhân tạo.

TikToker, YouTuber ngày càng nhiều, đại biểu băn khoăn về xu hướng nghề - 1

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội Bạch Liên Hương trả lời chất vấn của các đại biểu HĐND TP về công tác đào tạo nghề (Ảnh: Thanh Hải).

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội Bạch Liên Hương cho biết theo đánh giá, xu hướng thị trường lao động tập trung ở hai nhóm lớn là dịch vụ du lịch và công nghiệp sáng tạo, công nghệ cao. Đây là hai lĩnh vực mà người lao động đang tập trung và doanh nghiệp cũng có xu hướng tuyển dụng nhiều nhất.

Về chiến lược phát triển thị trường lao động trong 5-10 năm tới để đáp ứng xu thế trên, bà Hương nhấn mạnh việc xây dựng chiến lược thực hiện trên 3 nguyên tắc: cơ cấu kinh tế xã hội và chiến lược phát triển của thủ đô trong giai đoạn 5 năm; nhu cầu của thị trường; thế mạnh mà cơ sở giáo dục, đào tạo nghề đang tập trung.

"Trong 5 năm tới, 3 nhóm nghề phát triển được thành phố tập trung là: công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ du lịch và thương mại, nông nghiệp công nghệ cao", bà Hương thông tin và cho biết một số nhóm khác cũng được ưu tiên như văn hóa nghệ thuật, công nghiệp văn hóa, y tế - chăm sóc sức khỏe. 

Trao đổi thêm về nội dung trên, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết thành phố đã giao Sở LĐ-TB&XH cùng các ngành tập trung hoàn thành đề án nâng cao chất lượng đào tạo nghề trên địa bàn, dự kiến hoàn thành để trình các cấp trong tháng 8.

Theo đó, tổng thể đề án có nhiều nội dung, bám vào định hướng phát triển thủ đô theo Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị. Căn cứ vào nhu cầu của xã hội và phân tích đánh giá, đề án sẽ xác định các nghề trọng tâm, trọng điểm và giao nhiệm vụ cho các trường lên kế hoạch đào tạo. 

TikToker, YouTuber ngày càng nhiều, đại biểu băn khoăn về xu hướng nghề - 2

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà trả lời một số vấn đề liên quan lĩnh vực việc làm, đào tạo nghề, chiều 3/7 (Ảnh: Thanh Hải).

Cùng quan tâm nội dung trên, đại biểu Đặng Đình Đoàn dẫn báo cáo của Tổ chức Tiền tệ quốc tế IMF, cho biết đến năm 2030, hơn 40% lực lượng lao động bị ảnh hưởng bởi trí tuệ nhân tạo.

Ông Đoàn đặt câu hỏi sở, ngành liên quan của Hà Nội có giải pháp tổng thể gì để đảm bảo công ăn việc làm của người lao động thủ đô, đặc biệt trong những ngành nghề ảnh hưởng bởi trí tuệ nhân tạo.

Theo Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, công nghiệp sáng tạo là một trong 3 nhóm xu hướng phát triển nghề của Hà Nội. Trong đó, trí tuệ nhân tạo (AI) là những nội dung mà Sở đã tham mưu có trong danh mục, cũng như có mã ngành nghề được đơn vị đề xuất với Bộ LĐ-TB&XH. 

Về giải pháp, bà Bạch Liên Hương cho biết Sở tiếp tục nâng cao chất lượng cơ sở đào tạo nghề, đầu tư cho chương trình, giáo trình, giáo án đối với các ngành nghề mới, đặc biệt ngành nghề liên quan khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo theo xu hướng phát triển hiện nay.

Cùng với đó, ngành lao động Hà Nội đầu tư, rà soát, sắp xếp lại quy hoạch trên cơ sở quy hoạch tổng thể của thủ đô đang trình Thủ tướng phê duyệt; tiếp tục gắn kết với yêu cầu, nhu cầu của doanh nghiệp. 

"Sở cũng tiếp tục tham mưu chính sách, cơ chế đặc thù của Hà Nội trên cơ sở Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, có cơ chế khuyến khích những lĩnh vực, ngành nghề, xu hướng mới, trong đó tập trung trí tuệ nhân tạo và công nghiệp", Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cam kết.