Chậm tham mưu về khu Ciputra, lãnh đạo sở ở Hà Nội bị kiểm điểm
(Dân trí) - Thừa nhận quá trình góp ý, tham mưu của Sở còn chưa tích cực liên quan dự án Khu đô thị Ciputra, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết đơn vị đang tiến hành kiểm điểm về việc này.
Tại kỳ họp thứ 17 diễn ra sáng 3/7, HĐND TP Hà Nội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn về vấn đề thực hiện kỷ luật, kỷ cương trách nhiệm trong thực thi công vụ tại các cơ quan Nhà nước thuộc thành phố.
Tại đây, đại biểu Vũ Ngọc Anh (quận Bắc Từ Liêm) cho biết qua theo dõi, một số văn bản liên quan các dự án triển khai trên địa bàn thành phố do cơ quan trung ương gửi xin ý kiến, nhưng các sở ngành được thành phố giao tham mưu trả lời rất chậm.
Dẫn trường hợp cụ thể liên quan dự án Khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra), ông Ngọc Anh cho biết ngày 29/11/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) có thông báo số 01 kèm theo hồ sơ tài liệu gửi UBND TP Hà Nội, đề nghị có ý kiến thẩm định về hồ sơ điều chỉnh dự án.
Tuy nhiên đến ngày 11/9/2023, Bộ KH&ĐT chưa nhận được ý kiến của UBND TP, mặc dù Bộ đã có 3 văn bản đôn đốc, đề nghị thành phố cho ý kiến để có căn cứ báo cáo Thủ tướng xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án này.
"Được biết, UBND TP Hà Nội giao Sở KH&ĐT tham mưu nội dung này. Đề nghị Giám đốc Sở cho biết nguyên nhân trong gần một năm, UBND TP chưa có văn bản có ý kiến gửi Bộ, đồng thời đề nghị thành phố cho biết công tác đôn đốc và chấn chỉnh tình trạng này", đại biểu quận Bắc Từ Liêm đặt vấn đề.
Trả lời, Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Lê Anh Quân cho biết Khu đô thị Nam Thăng Long là dự án lớn, trải qua thời gian dài, đã được thanh tra, kiểm toán nhiều lần.
Ông Quân nhấn mạnh đặc điểm của dự án này là có đầu tư nước ngoài, có chuyển giao không bồi hoàn, liên quan cả trách nhiệm sử dụng vốn nhà nước trong đầu tư kinh doanh trong dự án.
Khẳng định Sở KH&ĐT là cơ quan đầu mối được UBND TP Hà Nội giao góp ý vào dự án này, ông Quân cho biết Sở đã xin ý kiến sở ngành có liên quan như Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Tài chính và chính quyền sở tại.
"Quá trình góp ý, đến nay UBND TP đã có văn bản báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Sau đó Bộ cũng có văn bản trả lời nhà đầu tư, đang tiếp tục xem xét", ông Quân cho biết.
Ngoài nguyên nhân khách quan là dự án phức tạp, ông Quân thừa nhận quá trình góp ý, sở ngành chưa tích cực tham mưu. Theo yêu cầu của UBND TP Hà Nội, Sở KH&ĐT đã kiểm tra công vụ đối với dự án này.
"Liên quan việc này, chúng tôi đang tiến hành kiểm điểm tại sở. Trong đó kiểm điểm từ ban giám đốc, phó giám đốc sở phụ trách trực tiếp rồi các cán bộ thụ lý hồ sơ", ông Lê Anh Quân thông tin và cho biết việc kiểm điểm nhằm chỉ ra những vấn đề, biểu hiện trong việc xử lý hồ sơ và những bất cập, từ đó khắc phục cho những dự án sau này.
Điều chỉnh quy chế phối hợp để rút ngắn thời gian
Giải trình thêm về nội dung trên, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết đại biểu đưa ra trường hợp cụ thể, nhưng ông khái quát tổng thể câu hỏi về trạng thái giải quyết thủ tục hành chính đặc biệt.
Theo ông Tuấn, Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được thông qua quy định Hà Nội có thẩm quyền xem xét những dự án lớn từ 300ha đến 500ha. Đây là những điều kiện để phân định quy mô của các dự án đầu tư, thiết lập quy trình thuộc thẩm quyền của Trung ương hay địa phương.
"Với những dự án đầu tư quy mô lớn hoặc chức năng đặc thù thuộc thẩm quyền của Thủ tướng thì quy trình mạch lạc, còn điều chỉnh chủ trương đầu tư với mỗi dự án thì cần cả quá trình và lộ trình pháp lý phức tạp", ông Tuấn nói.
Với trường hợp Khu đô thị mới Nam Thăng Long (Ciputra) thuộc quận Bắc Từ Liêm, lãnh đạo UBND TP Hà Nội cho biết dự án có chủ đầu tư là tập đoàn Singapore và Tổng Công ty đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC, cũng như nhiều chủ đầu tư thứ cấp thành phần liên quan quá trình phát triển dự án.
Ông Tuấn cho biết do là dự án phức tạp, có tình trạng phối hợp liên ngành, liên thông nhiều lần, trong đó thành phố phải báo cáo Thành ủy và một số trường hợp báo cáo đảng đoàn xem xét.
"Thành ủy đã điều chỉnh quy chế phối hợp giữa UBND và Thành ủy báo cáo trường hợp này để rút ngắn thời gian. Đây là nội dung tồn tại khó khăn vướng mắc, thành phố sẽ tập trung củng cố, tăng cường năng lực, rút ngắn tiến độ tham gia ý kiến các bộ ngành Trung ương với những dự án thế này, trong thời gian ngắn nhưng vẫn đảm bảo chất lượng", ông Tuấn thông tin.
Cũng liên quan dự án trên, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh cho biết Sở đã tiến hành xem xét, kiểm tra công tác thực hiện kỷ luật, kỷ cương cán bộ đối với các sở ngành có liên quan.
Theo ông Cảnh, qua kiểm tra, "không đơn vị nào không thực hiện nghiêm". Riêng trách nhiệm của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, đơn vị sẽ bố trí luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác một số cán bộ có liên quan. Đoàn kiểm tra công vụ của Hà Nội sẽ ban hành kết luận về việc này trước ngày 31/7.