1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Tiết lộ của dân buôn thuốc chuyên thuê diễn viên đóng "người bệnh may mắn"

Thế Hưng

(Dân trí) - Người dùng mạng xã hội Facebook, YouTube hay Zalo thường xuyên gặp phải các quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng. Nếu dân buôn không tiết lộ, các chiêu trò dàn dựng phía sau không phải ai cũng biết.

Quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng tràn lan trên mạng xã hội

Quảng cáo thuốc đông y phổ biến và hiệu quả nhất hiện nay là chạy trên Youtube. Bởi đối tượng khách hàng người già thường xuyên sử dụng mạng xã hội này.

Theo anh Nguyễn Viết Đông (TP Hải Dương), bố mẹ anh nghỉ hưu ở nhà thường xuyên xem tivi. Nhưng thay vì xem các kênh truyền hình thông thường, bố mẹ anh xem rất nhiều nội dung trên YouTube.

"Các video quảng cáo thuốc thường xuyên chạy ra mỗi khi ông bà xem. Thấy các triệu chứng bệnh giống hệt của bản thân, bố mẹ lại thúc giục tôi mua về cho uống thử", anh Đông nói và chia sẻ thêm, nếu anh không đồng ý, bố mẹ anh sẽ tự gọi điện để nghe tư vấn và mua.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại gia đình anh Phan Thanh Hào (Cẩm Phả, Quảng Ninh). Bố mẹ anh Hào xem video thấy có người nói khỏi bệnh nhờ uống thuốc A, thuốc B... nên cũng nhất quyết mua về dùng thử.

Sau 3 tháng, bệnh tình không thuyên giảm, bố mẹ anh gọi điện phản hồi lại thì bị chặn số.

Các trường hợp bị lừa như bố mẹ anh Đông, anh Hào rất phổ biến. Các đối tượng bán thuốc sau khi lừa được một lượng lớn khách hàng sẽ bỏ video cũ và chuyển sang làm các video quảng cáo mới. Các bệnh nhân khác tin vào và vòng xoáy bị lừa lại lặp lại.

Phóng viên đã tiếp cận được một "dân chuyên" trong lĩnh vực bán thuốc trên mạng là anh T.V. (Hà Nội). Điều bất ngờ là anh V. chia sẻ, chính anh cũng không biết được công dụng thực sự của sản phẩm mà anh bán. Hiện anh T.V. đã "giải nghệ" sau khi bị cơ quan chức năng xử phạt mạnh tay.

Tiết lộ của dân buôn thuốc chuyên thuê diễn viên đóng người bệnh may mắn - 1

Anh V. đã từng chạy quảng cáo cho người tự nhận là lương y chữa trĩ 7 đời, anh thừa nhận kết quả trị bệnh không thực sự như quảng cáo nhưng rất nhiều người bệnh tin mua (Ảnh: NVCC).

Anh V. kể: "Làm nghề này sợ nhất bị cơ quan chức năng sờ gáy. Bởi bản chất việc chúng tôi không có chứng chỉ hành nghề nhưng lại tư vấn bán thuốc là sai. Không may thuốc có hàm lượng độc tố hoặc làm chết người thì người bán sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự".

Đủ chiêu trò, mánh khóe chỉ dân trong nghề mới biết

Chia sẻ về những mánh khóe trong nghề, anh V. cho biết, trước đây anh thường thuê KOLs (những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội) về chạy quảng cáo. Tùy theo độ nổi tiếng, các KOLs sẽ nhận được mức thù lao tương ứng.

Không ít ca sĩ, diễn viên đình đám cũng sẵn sàng chạy quảng cáo cho anh V. Thời điểm còn bán thuốc sinh lý nam, anh V. đã bỏ ra 700 triệu đồng để thuê một nam ca sĩ hạng A tại Hà Nội chạy quảng cáo độc quyền.

"Tôi không nghĩ việc thuê diễn viên, ca sĩ quảng cáo thuốc "dởm" lại dễ dàng tới vậy", anh V. nói, cách này hiệu quả cao nhưng tốn kém và dễ bị công an để ý.

Sau đó anh V. dần chuyển sang phối hợp với các lương y ở vùng sâu vùng xa. Cụ thể, theo chia sẻ của anh V., anh kết nối với các thầy thuốc để nhập hàng và nhận làm thương mại cho những người này.

Tiết lộ của dân buôn thuốc chuyên thuê diễn viên đóng người bệnh may mắn - 2

Thầy thuốc vùng sâu vùng xa được những người chạy quảng cáo chuyên nghiệp về làm hình ảnh, nhận làm đại lý bán hàng (Ảnh: NVCC).

Anh V. sẽ quay đặt bài trên báo mạng, thuê các đài truyền hình về quay phim, làm phóng sự. Cách làm này anh V. đánh giá rất hiệu quả vì tạo được uy tín rất cao với khách hàng.

"Khi đã làm quen tay, chúng tôi không thuê các đài truyền hình làm mà tự quay video rồi đóng thẳng logo của họ. Tôi chỉ bỏ ra 10-20 triệu đồng đã có một video quảng cáo đẹp hơn cả quay phim nhà đài. Những video bán hàng đơn giản thậm chí chỉ mất 3-4 triệu đồng", anh V. cho hay.

Thù lao cho diễn viên đóng trong các clip này cũng không cao, chỉ khoảng 500.000-1.000.000 đồng/người. Mỗi video có 3-4 "người bệnh" nói về tình trạng bệnh và đã khỏi sau khi dùng thuốc. Các diễn viên này anh V. thường tìm thuê ở khu vực Ba Vì (Hà Nội), vì khu vực này có cả làng đông y.

Tiết lộ của dân buôn thuốc chuyên thuê diễn viên đóng người bệnh may mắn - 3

Các bệnh nhân được thuê đóng vai "bệnh nhân" quảng cáo thuốc. Video tự quay nhưng ngang nhiên đóng logo đài truyền hình để tạo sự tin cậy với khách hàng (Ảnh: Cắt từ video).

"Thuốc chữa bệnh gì tôi sẽ tìm diễn viên có dấu hiệu đang mắc bệnh đó để đóng. Ví dụ bán thuốc chữa gan, tôi sẽ tìm 3-4 người bị vàng da để nhìn giống đang bị bệnh vì thuê người da dẻ hồng hào sẽ không ai tin", anh V. tiết lộ.

Cũng theo anh V., video quảng cáo chạy quá nhiều sẽ bị nhàm chán và khách hàng sẽ cảnh giác hơn. Do đó, khi sản phẩm đã "nát" anh sẽ làm mới. Do chi phí quay video, thuê diễn viên không quá cao nên dân buôn sẽ làm mới liên tục. 

Cách đối phó với cơ quan chức năng

Theo khẳng định của anh V.: "Chạy quảng cáo thuốc đông y kiếm được rất nhiều tiền. Một trong những đơn vị lớn nhất kinh doanh mặt hàng này có doanh thu khủng khiếp, lên tới 60 tỷ đồng/ngày. Đơn vị này kinh doanh theo hệ thống tương tự như mô hình đa cấp".

Còn anh V. kinh doanh theo mô hình hộ kinh doanh cá thể. Anh V. thuê nhân viên bán hàng và người làm marketing. Đội marketing có trách nhiệm tìm kiếm thông tin khách hàng, chạy quảng cáo. Đội bán hàng có trách nhiệm tư vấn bán thuốc và chốt đơn.

Để tránh bị cơ quan chức năng sờ gáy, anh V. chỉ nhận làm đại lý của các thầy thuốc bán thuốc đông y hoặc thuốc nam để bán thuốc chứ không sản xuất. "Khi bị cơ quan chức năng "hỏi thăm", sai phạm của tôi chỉ làm quảng cáo sản phẩm quá đà. Tôi đã bị phạt hành chính 20 triệu đồng về hành vi quảng cáo không đúng về sản phẩm".

Cũng theo lời "cựu dân buôn thuốc" này, do không am hiểu về thuốc nên nếu chính các "lương y" cũng lừa đảo anh cũng không thể biết. Không ít "lương y" mà anh V. hợp tác còn sử dụng cả các loại gỗ không rõ nguồn gốc, người bệnh uống vào bệnh tình còn nặng thêm.

Tiết lộ của dân buôn thuốc chuyên thuê diễn viên đóng người bệnh may mắn - 4

Nhiều người bệnh sau khi đã "tiền mất tật mang" mới ngộ ra rằng mình bị lừa (Ảnh: NVCC).

Quá trình làm nghề lâu năm, anh V. còn chỉ ra một số lỗ hổng trong quản lý khiến những hoạt động quảng cáo thuốc này vẫn diễn ra rầm rộ hàng này. Cụ thể: "Sản phẩm cỏ cây hoa lá của lương y dù không được cấp phép nhưng vẫn cho phép lưu hành. Các lương y không bằng cấp cũng được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động. Do đó, những người làm thương mại như tôi chỉ việc nhập về và làm thương mại".

Nếu không may bị cơ quan chức năng kiểm tra, anh V. khẳng định chỉ tư vấn cho khách sản phẩm là trà giải nhiệt, thanh lọc cơ thể. Nếu bị đưa ra chứng cứ tư vấn bán thuốc cho khách thì anh V sẽ đổ lỗi cho cấp dưới...

Sau nhiều năm bán thuốc đông y rởm với đủ chiêu trò mánh khóe, hiện anh V. đã quyết định "giải nghệ".