1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hoang mang giữa "ma trận" thuốc chữa Covid-19

Thế Hưng

(Dân trí) - Trên thị trường đang xuất hiện rất nhiều loại thuốc chữa Covid-19. Không chỉ thuốc tây, các loại thuốc nam, "gia truyền nhiều đời" cũng được rao bán với cam kết chữa khỏi hoàn toàn, nhanh chóng.

"Ma trận" thuốc tây chữa Covid-19

Sau đợt bùng phát dịch tại TPHCM, Hà Nội đang là tâm điểm của đợt đại dịch Covid-19 lần thứ 4. Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, cộng dồn số F0 tại Hà Nội trong đợt dịch này (tính từ ngày 29/4/2021) là 108.806 ca. 

Chính sự bùng phát của số ca nhiễm đã ảnh hưởng tới tâm lý của người dân, lo sợ bệnh viện quá tải, sợ mắc bệnh mà không đủ thuốc chữa... Theo anh Trần Phương Duy (Cầu Giấy, Hà Nội), sau khi biết bản thân trở thành F0, anh đã lên mạng tìm mua thuốc chữa Covid-19.

Hoang mang giữa ma trận thuốc chữa Covid-19 - 1

Các loại thuốc chữa Covid-19 trên thị trường (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

"Tôi cảm thấy hoang mang và lo lắng cho bản thân và gia đình, bởi tôi vừa có con nhỏ mới sinh. Tôi muốn nhanh chóng khỏi bệnh để tránh làm ảnh hưởng tới vợ con, nên đã tìm mua thử cả thuốc tây lẫn thuốc nam chữa Covid-19 trên mạng xã hội", anh Duy nói.

Tổng số tiền anh Duy bỏ ra lên tới gần 5 triệu đồng cho các loại thuốc trên. Dù cảm thấy hoang mang vì những lời quảng cáo, nhưng anh Duy vẫn "nhắm mắt" dùng vì "có bệnh thì phái tứ phương".

Việc tự ý mua thuốc trôi nổi, sử dụng thuốc chữa Covid-19 không theo chỉ định của bác sĩ như trường hợp của anh Duy là rất nguy hiểm. Theo bác sĩ Lê Xuân Thắng, Bệnh viện đa khoa quốc tế Thu Cúc (Thành viên nhóm bác sĩ quân y hỗ trợ online chăm sóc điều trị F0 tại nhà), với thuốc tây, người bệnh chỉ nên sử dụng thuốc được khuyến cáo đưa vào chương trình điều trị. Những thuốc này được Bộ Y tế cấp phép đưa vào sử dụng tại thị trường Việt Nam.

Bác sĩ Thắng đặc biệt cảnh báo, không nên sử dụng thuốc ngoài nguồn khuyến cáo, vì thuốc nào cũng có hai mặt. Ngoài tác dụng điều trị, thuốc có thể có tác dụng phụ không mong muốn. Nếu dùng thuốc không rõ nguồn gốc thì rất khó để kiểm soát tác dụng phụ, kể cả tác dụng điều trị.

"Hiện nay, các đối tượng kinh doanh đang đánh vào tâm lý hoang mang của người dân để trục lợi. Người bệnh nên bình tĩnh, liên hệ với các bác sĩ để nhận được hướng dẫn và theo dõi triệu chứng", bác sĩ Thắng chia sẻ và khẳng định, các bác sĩ không bán thuốc mà chỉ đưa ra đơn thuốc dễ kiếm, đơn giản và phổ thông cho người bệnh.

Nhiều người bệnh khi gọi tới nhờ nhóm bác sĩ quân y tư vấn cho biết, trước đó họ đã mua thuốc chữa Covid-19 được xách tay từ Ấn Độ, Nga. Tuy nhiên, đối với các loại thuốc này, bác sĩ Thắng cho rằng chưa rõ thuốc có thực sự được xách tay từ hai nước đó về hay hàng trôi nổi không rõ nguồn gốc. Hơn nữa, loại thuốc này cũng không có khuyến cáo sử dụng cho người Việt Nam nên người bệnh sử dụng phải hết sức cẩn thận.

Đáng nói, theo bác sĩ Lê Xuân Thắng, người bệnh tự ý sử dụng các loại thuốc này có thể dẫn tới tai biến muộn, tai biến tại chỗ hoặc tai biến nhanh. Nếu nhiều người sử dụng có thể gây hệ lụy xấu cho xã hội.

Thuốc giả hay thuốc thật?

Hoang mang giữa ma trận thuốc chữa Covid-19 - 2

Giá thuốc chữa Covid-19 được rao bán lên tới hơn 10 triệu đồng/lọ (Ảnh: Thế Hưng).

Thời điểm thuốc chữa Covid-19 mới xuất hiện tại Việt Nam, giá mỗi lọ thuốc lên tới hơn 10 triệu đồng. Nhưng hiện nay, giá thuốc chỉ còn 2-3 triệu đồng/lọ. Giá thuốc hỗn loạn mà chất lượng thuốc cũng không được đảm bảo.

Qua lời kể của người bán, các lọ thuốc Molnupiravir Capsules 200mg Molaz có nắp thiếc là hàng chuẩn xuất khẩu. Thế nhưng, người mua vẫn rất khó để phân biệt được đâu là thuốc thật và đâu là thuốc giả.

Người bệnh uống phải thuốc chữa Covid-19 giả sẽ rất nguy hiểm. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM), cho biết, những thuốc này không biết rõ công thức là gì, không biết có phải thuốc giả hay không. Người dân mua phải thuốc giả thì tiền mất, tật mang.

"Nhưng cũng không thể trách người dân, vì khi bị bệnh thì đều rối loạn nên đi mua", bác sĩ Khanh nói và nhận định thêm, cơ quan quản lý nhà nước cũng cần siết chặt các hoạt động mua bán thuốc chữa Covid-19 hơn. 

Điều đáng sợ hơn là các dân buôn không có kiến thức y khoa, nhưng sẵn sàng tư vấn cho người bệnh như chuyên gia: "Uống Molnupiravir là "êm", ít ho sốt. Khách bị nặng uống Molnupiravir càng tốt, uống vào nhẹ người luôn. Molnupiravir có tác dụng khi vào cơ thể sẽ khóa virus và tiêu diệt virus. F0 được uống Molnupiravir có thể tiếp xúc được với người nhà mà không bị nhiễm chéo vì virus đã bị khóa".

Hoang mang giữa ma trận thuốc chữa Covid-19 - 3

Bắt giữ lượng lớn thuốc điều trị nhiễm Covid-19 tại TPHCM (Ảnh: Tổng Cục QLTT).

Mới đây 21/1/2022, Đội QLTT số 3, Cục QLTT thành phố Hồ Chí Minh đã thu giữ một lượng lớn 555 hộp thuốc các loại gồm Molnupiravir Capsules Molnatris Mylan; Molnupiravir 800mg Tablets, Moluzen 400; Molnupiravir Capsules 200mg, Molaz Azista; Favipiravir Tablets 400mg, Feravir-400 Xenon tại địa chỉ số 1942/91 đường Huỳnh Tấn Phát, huyện Nhà Bè (TPHCM). 

Lô hàng chưa xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp. Theo tìm hiểu nhanh, một trong những loại thuốc bị thu giữ là Molnatris 200mg (Molnupiravir) Mylan được các trang mạng giới thiệu là thuốc kháng virus được chỉ định điều trị các triệu chứng từ nhẹ đến trung bình của Covid-19, thuốc có thành phần chính Molnupiravir bào chế dưới dạng viên dùng theo đường uống và được sản xuất bởi hãng dược Mylan India.

Nhận định về các hoạt động buôn bán thuốc chữa Covid-19, Phó cục trưởng Cục Nghiệp vụ Tổng cục Quản lý thị trường Nguyễn Đức Lê cho hay, hiện nay, lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội đang diễn biến phức tạp, một số đối tượng đã nhập lậu các mặt hàng y tế không qua kiểm định, không đảm bảo chất lượng vào thị trường, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

"Để qua mắt lực lượng chức năng, các đối tượng thường lợi dụng mạng xã hội làm nơi buôn bán. Sau đó, tìm những địa điểm đang xây dựng, địa hình đi lại khó khăn, sâu trong các ngõ nhỏ để làm nơi cất giấu hàng hóa" ông Lê thông tin. 

Trong dịp cuối năm, để tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát với mặt hàng này, ông Nguyễn Quang Huy - Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp - Kế hoạch - Tài chính Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, Tổng cục Quản lý thị trường đã xây dựng kế hoạch cao điểm chống buôn lậu trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Cụ thể, kế hoạch số 07 ngày 18/11/2021 xác định rõ tuyến, địa bàn và cụ thể đối với các tuyến biên giới.

"Trong đó, tuyến biên giới phía bắc, chúng tôi chỉ đạo tập trung vào các mặt hàng pháo nổ, thuốc lá, rượu, bia, nước giải khát, mỹ phẩm, gia súc, gia cầm và đặc biệt là thiết bị y tế", ông Huy thông tin.

Việc triển khai theo ông Huy sẽ chú trọng vào việc chỉ đạo quản lý thị trường (QLTT) tại các địa phương phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, biên phòng và hải quan trong việc tổ chức, xây dựng kế hoạch. Mục tiêu là triệt phá tụ điểm, đầu nậu lớn để ngăn chặn hàng hóa vi phạm vận chuyển từ tuyến biên giới vào trong nội địa.

"Thuốc thần kỳ trẻ 1 tháng đến cụ già 100 tuổi đều dùng được" (!?)

Trên mạng xã hội, không chỉ có thuốc tây chữa Covid-19, các loại thuốc nam, thuốc "gia truyền nhiều đời" cũng được rao bán tràn lan với lời quảng cáo trị khỏi chỉ trong một ngày.

Theo đó, một cơ sở bán "Thuốc nam gia truyền Covid" trên đường Giải Phóng (Hà Nội) quảng cáo đã bán thuốc chữa Covid-19 4 đời, trước cả khi có dịch Covid-19. Thậm chí, người bán còn thản nhiên quảng cáo thuốc trị được bách bệnh, kể cả bệnh nặng nhất.

Hoang mang giữa ma trận thuốc chữa Covid-19 - 4

Thuốc nam gia truyền Covid-19 đã có 4 đời (Ảnh: Thế Hưng).

"Chỉ cần súc miệng, đưa thuốc xuống sâu thành họng nơi ho và có nhiều Covid-19 ở đó. Người uống ngửa cổ lên, thuốc xuống vùng đang tổn thương sẽ làm liền bên trong là khỏi", người bán hướng dẫn cách sử dụng.

Tinh vi hơn, một cơ sở sản xuất thuốc chữa Covid-19 có địa chỉ tại phường 13, quận Tân Bình, TPHCM in trên nhãn chai thuốc là "Dược liệu hỗ trợ điều trị Covid-19". Công dụng in trên vỏ cũng chỉ là tăng khả năng đề kháng, giúp hệ miễn dịch đẩy lùi Covid-19, an toàn với người già, trẻ em, thai phụ.

Thế nhưng, khi quảng cáo trên mạng xã hội, cơ sở này lại ngang nhiên khẳng định: "Thay mặt dòng họ Nguyễn Bá đưa ra một loại thuốc của các cụ xưa đã để lại. Chúng tôi đã sản xuất ra một loại dược liệu trị Covid-19 và trị khỏi ngay lập tức. Tôi sẽ lấy thân mạng của tôi ra làm chứng. Trông rất nhỏ, nhưng cứu được rất nhiều người".

"Ai dùng thuốc này 10 người sẽ khỏi 9, 1 người cũng khỏi luôn. Kể cả những người đang nằm trong viện cấp cứu, thở oxy dùng đến thuốc này 5-10 phút là người đó sẽ tỉnh. Đây là một loại thuốc rất thần kỳ, trẻ em 1 tháng đến các cụ 100 tuổi cũng dùng được. Lọ dược liệu này từ thiện 100% cho F0", người bán quảng cáo. 

Người bán "lấy thân mạng ra cam kết F0 cứ dùng thuốc là khỏi".

Tuyên bố từ thiện hoàn toàn cho bệnh nhân F0, thế nhưng, khi gọi điện đến số điện thoại 09623039** trên website, người bán lại cho biết, nếu lấy thuốc thì phải trả lại một khoản để tái sản xuất cho nhà thuốc bằng 10% giá trị thuốc.

Người bán cho biết, khách lấy bao nhiêu hàng thì sẽ chuyển tới tận nơi. Một thùng 300 lọ có mức phí 3 triệu đồng. Tính ra, mỗi lọ mất 10.000 đồng tiền phí.

Đáng nói, lọ thuốc này được làm từ rượu, tỏi và tá dược nhưng lại được người bán phù phép như thuốc tiên. "Nếu không bị Covid-19 thì ngày uống 3 lần, nam 7 giọt, nữ 9 giọt. Nếu bị F0 thì mỗi tiếng uống một lần, chỉ trong ngày nay ngày mai là âm tính", người bán khẳng định.

Hoang mang giữa ma trận thuốc chữa Covid-19 - 5

Người bán quảng cáo nếu bị F0 chỉ cần mỗi tiếng uống một lần, trong một ngày là âm tính. (Ảnh: Thế Hưng).

Song, theo bác sĩ T.M., Bệnh viện Y học cổ truyền Hải Dương, bất cứ thuốc nào cũng không nên tự động mua, dùng khi không có đơn của bác sĩ. Thuốc có thành phần rượu, tỏi không chữa được Covid-19. Bởi thành phần chính của tỏi có tính kháng sinh, kháng khuẩn và sát trùng nhẹ.

Còn với Covid-19, bác sĩ M. giải thích, virus đi vào trong cơ thể chứ không đọng ở phía trên để dùng các dung dịch sát khuẩn, khử khuẩn bám ở bề mặt. Một số thuốc nam có tác dụng hỗ trợ chống viêm nhiễm đường hô hấp, kể cả thuốc súc miệng, rượu tỏi. Nhưng rượu và tỏi ngâm như thế nào phải có nồng độ, chứ không thể bừa bãi.

"Nó có tác dụng, nhưng nó chỉ xử lý nhiễm khuẩn tốt. Khi sức đề kháng giảm thì người bệnh có thể nhiễm cả virus, cả nhiễm khuẩn chứ không hoàn toàn chỉ có virus", bác sĩ M. phân tích.

Đặc biệt, theo vị bác sĩ này, dù dùng một lượng nhỏ thuốc có thành phần rượu, tỏi cũng gây tổn thương tại chỗ, ví dụ như bị bỏng. Thậm chí, theo khuyến cáo của chuyên ngành ung thư, khi dùng cồn để súc họng nhiều cũng gây khả năng bị ung thư.

Cảnh báo người dân, bác sĩ M. cho hay, việc sử dụng thuốc nam súc miệng vài lần một ngày trong vài ngày là khỏi Covid-19 là không có thực, chưa có bằng chứng khoa học. Hiện nay, chưa có công trình nào nghiên cứu từ những dung dịch đó có thể chữa khỏi Covid-19, do đó người dân cần hết sức cảnh giác. 

Ma trận thuốc tây - thuốc nam chữa Covid-19 đang bủa vây người dân. Hơn lúc nào hết, các cơ quan chức năng cần vào cuộc, mạnh tay xử lý để bảo vệ người dân, giữa lúc cả xã hội đang hoang mang vì đại dịch.