1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thuỷ điện Hoà Bình "chết" trong cơn mưa dữ dội

Cuối chiều ngày 22/5, một trận mưa dữ dội đổ ập vào trung tâm thị xã Hoà Bình, một vài tuyến đường ngập nước và hàng loạt cây ven đường gãy đổ. Song cũng trong buổi chiều cùng ngày, hồ chứa thuỷ điện Hoà Bình đã ở dưới mực nước chết 0,25m.

Cơn mưa sớm báo hiệu lũ tiểu mãn đang về chưa đủ "cứu nguy" cho nhà máy điện lớn nhất nước.

Lũ tiểu mãn đã về

Cơn mưa đầu tiên vào buổi sáng chỉ đủ làm... ướt đường dẫn lên nhà máy, nhưng đến trận mưa buổi chiều, cây trồng bao quanh nhà máy gãy đổ hàng loạt và một vài tuyến đường trong thị xã bắt đầu ngập nước.

Trận mưa dữ đội và được mong chờ đến mức hầu như tất cả cán bộ còn trực trong nhà máy điện, đều đổ ra... ngắm. Song trước lúc ấy khoảng 2 tiếng đồng hồ, vào lúc 13 giờ chiều, hồ chứa thuỷ điện Hoà Bình chỉ còn 79,75m, dưới mực nước chết 0,25m dự báo sẽ tiếp tục giảm xuống nữa trong những ngày sau.

Trưởng phòng Thuỷ văn Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình - ông Đậu Công Tú tuy đang ốm nhưng vẫn tiếp tục trực lũ cho đến tận ngày hôm nay (23/5).

Những trận mưa đầu nguồn sông Đà, xuất hiện ở Lai Châu và cả ở Sơn La vừa nâng được lưu lượng nước về hồ Hoà Bình từ 140m3/giây ngày hôm trước lên 190m3/giây trong ngày 22/5. "Song do phải duy trì các tổ máy hoạt động, mực nước hồ đã xuống quá mực nước chết và sẽ còn xuống nữa nếu mưa chỉ "tí ti" như hiện nay" - ông Tú tỏ ra thất vọng.

Một cán bộ thuỷ văn tên Cảnh tiết lộ, các trận mưa như dự báo sẽ tiếp tục xuất hiện trên thượng nguồn cho đến ngày 25/5. Tiếc rằng, lưu lượng nước về hồ tối đa cũng chỉ được nâng lên mức thấp 250m3/giây.

Lượng mưa đo được ở Hoà Bình, Sơn La và Lai Châu theo ông Đậu Công Tú, sẽ chỉ dùng lại ở mức 20-40mm và "không thấm vào đâu" so với nhu cầu về nước sản xuất cho Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình hiện nay. Các cán bộ thuỷ văn ở thuỷ điện Hoà Bình đều đồng ý rằng, đừng trông chờ nhiều vào lũ tiểu mãn năm nay.

Tuy nhiên, ông Tú cũng cảnh báo nên hiểu sai "mực nước chết" tương đương với việc toàn bộ các tổ máy điện phải... nghỉ. Với thiết kế của các tổ máy, Hoà Bình vẫn có thể phát điện ngay cả khi mực nước trong hồ chỉ còn 75m và ở mực nước này, dù mưa nhiều hay ít, các tổ máy vẫn luân phiên phát điện được vào giờ cao điểm dựa trên việc tích nước vào giờ thấp điểm. "Trong trường hợp xấu nhất, khi mực nước hồ chỉ còn 75m và lượng nước về quá thấp, tối thiểu luôn luôn phải có một tổ máy phát điện" - ông Tú giải thích.

"Lạy trời mưa xuống!"

Những ngày vừa qua, Hoà Bình chỉ đưa rất ít tổ máy vào phát điện trong đêm, nhằm tích nước cho các tổ máy khác hoạt động lúc cao điểm tối. Số đo mực nước chết sẽ quyết định kế hoạch sản xuất điện trong một ngày. Phần lớn cán bộ thuỷ văn Nhà máy Hoà Bình phải trực thuỷ văn 24/24h trong ngày. Ông Tú tâm sự: "Luôn luôn phải có một người trực thay tôi, thậm chí nếu tôi chỉ đi ăn cơm có 15 phút".

Số liệu cuối cùng đo được vào chiều ngày 22/5 cho thấy, lưu lượng nước về hồ Hoà Bình sẽ không giữ được mức 190m3/giây và sẽ giảm xuống còn 175m3/giây trong ngày hôm sau. Giải pháp duy nhất cứu và giữ nước trong hồ, theo ông Đậu Công Tú là "lạy trời mưa xuống" và tiết giảm tối đa công suất phát ra của các tổ máy thật hợp lý. Và như thế, thì cả người dùng điện cũng phải tiết giảm công suất sử dụng đến tối đa.

Theo Lao Động

Dòng sự kiện: Thuỷ điện Hoà Bình