1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Mưa nhân tạo sẽ giải cứu cho hồ Hòa Bình?

Tại hội thảo khoa học về mưa nhân tạo do Viện Khí tượng Thủy văn tổ chức ngày 27/5, PGS-TS Vũ Thanh Ca, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới, khẳng định: Chỉ cần 6 triệu USD là có thể giải hạn cho Hồ Hoà Bình bằng mưa nhân tạo!

Xin ông cho biết, làm mưa nhân tạo có thể giải hạn cho hồ Hòa Bình không?

 

Việc làm mưa nhân tạo có thể giúp tăng lượng nước phục vụ đời sống, sản xuất, chống hạn hay phòng chống cháy rừng... Đặc biệt là có khả năng kéo dài mùa mưa để dự trữ nước cho mùa khô. Nếu được đầu tư hoàn chỉnh về thiết bị và công nghệ làm mưa nhân tạo phù hợp sẽ giải hạn được thủy điện Hòa Bình ở thời điểm mùa khô.

 

Để làm mưa nhân tạo cần có 2 yếu tố là cơ sở hạ tầng (thiết bị, công nghệ làm mưa nhân tạo...) và nhân lực.Hiện tại, đồng bằng trung du Bắc Bộ được xem là thuận lợi nhất để làm mưa nhân tạo với số liệu nghiên cứu khí tượng được tích lũy từ nhiều năm nay, cộng thêm mạng lưới trạm quan trắc được phủ kín hơn các khu vực khác và điều kiện mây thuận lợi (yếu tố quan trọng nhất để làm mưa nhân tạo).

 

Vậy cần bao nhiêu tiền để làm mưa nhân tạo?

 

Kinh phí nhiều nhất là mua sắm các thiết bị ban đầu gồm máy bay, radar và chuyển giao công nghệ từ nước ngoài với khoản tiền từ 5 - 6 triệu USD. Hiện tại, VN đã có máy bay đủ để làm mưa nhân tạo, còn radar rẻ nhất (Mỹ) khoảng 2 triệu USD, còn lại là các thiết bị khác và công nghệ làm mưa. Những thiết bị này có thể hoạt động trong 20 năm tới mà không sợ lạc hậu.

 

Hiện nay, chúng tôi được biết nhóm nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Khí tượng quốc gia Mỹ (NCAR) với phương pháp làm mưa nhân tạo theo công nghệ phun đốt tráng nước được Tổ chức Khí tượng Thế giới của Liên Hiệp Quốc đánh giá là có hiệu quả và hứa hẹn nhất. Tuy nhiên, để làm được việc này phải lập dự án rồi trình duyệt qua nhiều khâu mất rất nhiều thời gian.

 

Nếu Chính phủ đồng ý cấp tiền ngay mà không phải lo các thủ tục phiền hà, thì trong thời gian bao lâu sẽ làm được mưa nhân tạo?

 

Theo tính toán của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Hoàng Trung Hải, nếu thiếu 1 KWh điện thì nền kinh tế thiệt hại 0,5 USD. Hiện mỗi ngày VN thiếu 6 - 7 triệu KWh, nghĩa là mất 3 triệu USD/ngày.

 

Vậy tại sao chi 6 triệu USD làm mưa nhân tạo để giải hạn cho hồ Hòa Bình chúng ta chưa dám đầu tư?

Với điều kiện đó thì trong thời gian từ 15 ngày đến 1 tháng chắc chắn sẽ triển khai làm được mưa nhân tạo cung cấp lượng nước cơ bản cho thủy điện Hòa Bình phát điện (nếu điều kiện mây tốt). Từ 20 ngày nay ở lưu vực sông Đà đầu nguồn thủy điện Hòa Bình liên tục có mây, tuy nhiên do một số yếu tố tự nhiên nên không thể gây ra mưa.

 

Giá thành của một mét khối nước từ việc làm mưa nhân tạo là bao nhiêu, thưa ông?

 

Có nhiều yếu tố làm nên giá thành của mưa nhân tạo nhưng nhìn chung là rất rẻ. Theo tính toán của chúng tôi, để làm mưa nhân tạo ở VN chi phí khoảng 20-30 đồng/m3 nước, bao gồm cả chi phí đầu tư ban đầu. Ở Mỹ hiện nay, giá thành vào khoảng 50-60 đồng/m3 nước.

 

Các hóa chất để làm mưa nhân tạo có gây hại cho môi trường và sức khỏe con người không?

 

Tôi khẳng định là với công nghệ phun đốt tráng nước sẽ không ảnh hưởng đến môi trường cũng như sức khỏe con người. Còn theo công nghệ trước đây dùng một số chất như iodide bạc nhưng với hàm lượng rất nhỏ nên không đủ gây hại môi trường. Còn các chất độc khác như băng khô (carbonic khô), băng lỏng (carbonic lỏng) và ni tơ lỏng thì khi rơi xuống đất sẽ bay hơi hết, không có khả năng gây hại.

 

Khi nào VN có thể làm mưa nhân tạo một cách phổ biến để chống hạn?

 

Hiện nay chúng tôi mới chỉ thực hiện đề tài khoa học của Bộ Tài nguyên và Môi trường và đang trong quá trình chuẩn bị. Dự kiến đến cuối năm 2005 sẽ có báo cáo khả thi và đầu năm 2006 sẽ báo cáo đề tài. Đến năm 2008 sẽ tiến hành thử nghiệm làm mưa nhân tạo, kết hợp phục vụ đời sống. Từ năm 2010 sẽ tiến hành sử dụng làm mưa nhân tạo phổ biến đáp ứng theo yêu cầu.

 

Ở miền Trung sẽ khó khăn hơn về điều kiện tự nhiên, nhưng ở Tây Nguyên và ĐBSCL có thể làm mưa nhân tạo và thuận lợi nhất vẫn là đồng bằng trung du Bắc Bộ.

 

Theo Người Lao Động

Dòng sự kiện: Thuỷ điện Hoà Bình