Thủ tướng: “Tôi nhận trách nhiệm về Vinashin”
(Dân trí) - “Là người đứng đầu Chính phủ, tôi nhận trách nhiệm đó. Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các thành viên Chính phủ đang kiểm điểm để làm rõ trách nhiệm”, Thủ tướng nhấn mạnh khi trả lời câu hỏi về trách nhiệm vụ việc tại Vinashin.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên họp Quốc hội sáng 24/11 (ảnh: Việt Hưng)
Sẽ công khai trách nhiệm thành viên Chính phủ
Là người chất vấn đầu tiên, đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội) đặt vấn đề, những ngày gần đây các thành viên Chính phủ khi đề cập tái cơ cấu tập đoàn Vinashin đã đưa ra nhận định tập đoàn sẽ làm ăn có lãi, tự vay tự trả, nhưng bà băn khoăn không biết tập đoàn sẽ trả nợ bằng cách nào.
Thủ tướng cho rằng, Chính phủ đã ban hành một số nghị định cùng nhiều văn bản để cụ thể hóa việc thực hiện quyền chủ sở hữu đối với TCty, tập đoàn. Tuy nhiên, cơ chế, thể chế quản lý đối với đầu tư, sử dụng vốn, giám sát, thanh tra còn nhiều kẽ hở. |
“Nếu không trả nợ được sẽ như thế nào, nếu khoanh nợ ngân hàng, khoản tiền lãi 15.000 tỷ đồng sẽ ra sao? Trên cương vị đại diện chủ sở hữu nhà nước với tập đoàn này, Thủ tướng chịu trách nhiệm như thế nào?”, bà Loan chất vấn.
Đại biểu Phạm Thị Loan mở đầu phiên chất vấn (ảnh: Việt Hưng)
Thủ tướng cho rằng, đề án tái cơ cấu là khả thi, nhưng từ đề án đến trở thành hiện thực đòi hỏi một quá trình chỉ đạo quyết liệt, cụ thể. “Thực hiện đề án này còn rất khó khăn, mong đại biểu, nhân dân ủng hộ, giám sát”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ.
Về vấn đề trả được nợ, Thủ tướng cho biết, tập đoàn sẵn sàng trình bày cho đại biểu, còn Thủ tướng không thể trình bày cụ thể, năm nào trả được bao nhiêu.
Cũng theo Thủ tướng, về trách nhiệm, việc cố ý làm trái của những lãnh đạo tại Vinashin, cơ quan chức năng sẽ làm đúng pháp luật, đồng thời Thủ tướng cũng thẳng thắn nhận trách nhiệm trong vai trò chủ sở hữu.
“Là người đứng đầu Chính phủ, tôi nhận trách nhiệm đó. Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các thành viên Chính phủ đang kiểm điểm để làm rõ trách nhiệm. Trách nhiệm cụ thể như thế nào chúng tôi sẽ công khai”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Bắt tiếp vào Vinashin, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết chất vấn, Thủ tướng là người ký quyết định bổ nhiệm Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Vinashin, vậy Thủ tướng có trách nhiệm như thế nào? Cùng đó, đại biểu này mong đợi sự kiểm điểm mạnh mẽ hơn nữa của Chính phủ.
Đáp lại, Thủ tướng cho biết, từ 1996 Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã quyết định bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình là TGĐ TCty. Đến 1999, Thủ tướng Phan Văn Khải tiếp tục phân công ông Bình làm TGĐ kiêm Chủ tịch HĐQT.
Khi thành lập tập đoàn Vinashin, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản “nhắc” về vấn đề nhân sự, nhưng đến khi bổ nhiệm HĐQT, TGĐ, các ngành báo cáo với Thủ tướng việc chưa tìm được người và đề xuất bổ nhiệm ông Bình cho đến khi thuê được TGĐ mới và Thủ tướng đã đồng ý. “Chúng tôi sẽ kiểm điểm việc này để làm rõ trách nhiệm như thế nào”, Thủ tướng nói.
“Không có chuyện Thủ tướng không kỷ luật ai”
Đại biểu Vũ Hoàng Hà chất vấn Thủ tướng (ảnh: Việt Hưng)
“Thủ tướng đã nhận trách nhiệm, trong khi các bộ trưởng lại không nhận trách nhiệm. Thái độ của Thủ tướng đối với trách nhiệm của các thành viên Chính phủ như thế nào?”, đại biểu Vũ Hoàng Hà (Bình Định) chất vấn.
Tiếp đó, đại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai (Tây Ninh) cũng nhìn nhận, các Bộ trưởng không nhận rõ trách nhiệm, thậm chí có Bộ trưởng nói đã “làm hết trách nhiệm”, có Bộ trưởng đổ lỗi cho luật khiếm khuyết…
Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ kiểm điểm nghiêm túc, Bộ trưởng nào liên quan đến đâu, trách nhiệm cụ thể thế nào sẽ đúng với thực tế.
Nhắc lại câu trả lời chất vấn của Thủ tướng tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa này là trong 3 năm đảm nhận cương vị cao nhất Chính phủ, Thủ tướng không kỷ luật ai, đại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai chất vấn tiếp: “Từ bài học Vinashin không chấp hành chỉ đạo trong việc mua tàu cũ, Thủ tướng rút kinh nghiệm gì để lập lại kỷ cương hành chính”.
Thủ tướng cho rằng, tinh thần thủ tướng yêu cầu là tăng cường lãnh đạo, quản lý để không ai bị xử lý, hạn chế bị xử lý, chứ không phải Thủ tướng không kỷ luật ai. “Không có chuyện Thủ tướng không kỷ luật ai”, Thủ tướng nói.
Các đại biểu trao đổi thêm trong giờ giải lao (ảnh: Việt Hưng)
Theo Thủ tướng, khi phát hiện vi phạm đều phải xử lý theo đúng pháp luật, quy định của Đảng, có lý có tình. Với lãnh đạo Vinashin, có những việc đã chấp hành chỉ đạo, nhưng cũng có việc không và với những việc không chấp hành đã xử lý theo đúng quy định, đảm bảo nghiêm minh.
“Thủ tướng đã làm đúng quy định đối với khen thưởng, kỷ luật cán bộ thuộc thẩm quyền của mình”, Thủ tướng khẳng định.
Tiếp tục bám đuổi vấn đề Vinashin, đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội) chất vấn, từ bài học Vinashin ta có tiếp tục tái cơ cấu các tập đoàn khác không, nhất là tập đoàn Dầu khí - tập đoàn đang đầu tư nhiều ra bên ngoài.
Thủ tướng cũng cho biết, sẽ không tái cơ cấu tất cả các tập đoàn, chỉ tái cơ cấu Vinashin và không để các tập đoàn khác lâm vào tình cảnh như Vinashin.
Về tập đoàn Dầu khí, theo báo cáo của các cơ quan chức năng vẫn đang hoạt động tốt, nhưng Thủ tướng cũng chỉ đạo rà soát lại và tập đoàn cũng đang làm việc này để hạn chế yếu kém, ngăn ngừa những hậu quả có thể xảy ra.
Trước những băn khoăn của đại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai (Tây Ninh) về việc Chủ nhiệm Ủy ban giám sát tài chính quốc gia công bố lãi suất, tỷ giá, trong khi theo đại biểu đây là việc của Thống đốc ngân hàng nhà nước phải làm, Thủ tướng khẳng định, hai cơ quan này phải có tinh thần hợp tác với nhau. “Tôi có yêu cầu việc công bố thông tin của các bên dựa trên tinh thần hợp tác với nhau, quan trọng là làm sao có lợi cho nền kinh tế. Cần trình bày thế nào để chúng ta kiểm soát được lạm phát, điều hành tỷ giá lãi suất cho phù hợp. Nếu phát biểu có chỗ này chỗ khác thì chúng ta rút kinh nghiệm.” - Thủ tướng nói. |
Video clip Thủ tướng nhận trách nhiệm về Vinashin trước Quốc hội
Cấn Cường - Lan Hương