1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Không thể nói Bộ KH-ĐT vô can trong vụ Vinashin”

(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Võ Hồng Phúc cho rằng, bộ này đã “làm tròn nhiệm vụ trong vấn đề Vinashin”, nhưng Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội, Nguyễn Văn Thuận đã lập tức “phản bác” lại nhận định này.

“Bộ không có trách nhiệm gì…!”
 
Được chủ toạ mời phát biểu trong phiên chất vấn Bộ trưởng GTVT, Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Võ Hồng Phúc cho rằng, theo quy định, bộ này có nhiệm vụ tham mưu với Chính phủ quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển Vinashin và bộ đã “làm tròn nhiệm vụ".
 
Cụ thể, theo ông Phúc các văn bản tham mưu của Bộ những năm qua vẫn còn đúng khi đối chiếu với kết luận của Bộ Chính trị và đề án tái cơ cấu Vinashin của Chính phủ mới đây.
 
Lý giải về việc không kiên trì theo đuổi quan điểm của mình để có thể tránh cho Vinashinh không rơi vào tình cảnh hiện nay, ông Phúc cho rằng, do… vướng luật. Theo ông Phúc, luật Doanh nghiệp 2003 quy định quyền hạn rất lớn cho Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc và nếu bộ có ý kiến can thiệp sẽ trái luật nên “bộ phải chấp nhận”.
 
“Mình kiên trì đến đâu nhưng đưa luật ra thì mình chịu. Bộ KH-ĐT đã làm tròn nhiệm vụ của mình trong vấn đề Vinashin. Chúng tôi không có trách nhiệm gì mà phải chịu trách nhiệm.”, ông Phúc phát biểu.
 
“Không thể nói Bộ KH-ĐT vô can trong vụ Vinashin” - 1
Bộ trưởng Võ Hồng Phúc phủ nhận trách nhiệm của Bộ trong vụ Vinashin (Ảnh: Việt Hưng)
 
Câu nói của ông Phúc làm cả hội trường rộ lên tiếng cười, nhưng người đứng đầu Bộ Kế hoạch - Đầu tư vẫn tiếp tục phân tích khía cạnh luật “sai” và theo ông mỗi đại biểu Quốc hội cũng có trách nhiệm khi đã bấm nút thông qua luật trên.
 
Chưa hết, theo ông Phúc, thời điểm Quốc hội khoá trước làm luật Doanh nghiệp, có rất nhiều đại diện doanh nghiệp làm đại biểu Quốc hội và những người này phát biểu thường được tin hơn các bộ chủ quản phát biểu.
 
“Lẽ ra khi thường vụ tiếp thu ý kiến của đại biểu cũng cho Chính phủ nói lại thì quy trình làm luật chặt hơn”, ông Phúc “tiếc”.
 
Kết lại lời phát biểu ông Phúc nhìn nhận, Vinashin là bài học chung cho cả Chính phủ, Quốc hội, lãnh đạo Đảng, Nhà nước về thí điểm xây dựng tập đoàn và từ nay cần chỉnh đốn để làm tốt hơn, nhất là xây dựng, ban hành luật.
 
Không lâu sau phát biểu của Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội, ông Nguyễn Văn Thuận đã “lên tiếng”. Ông Thuận thẳng thắn cho rằng, cách trả lời của Bộ trưởng Phúc là “không đúng” và “không được”.
 
Theo ông Thuận, lẽ ra khi Bộ Chính trị cho thí điểm về tập đoàn, Chính phủ và bản thân cơ quan quản lý nhà nước về doanh nghiệp là Bộ KH-ĐT phải trình ra Quốc hội việc sửa luật Doanh nghiệp hoặc trình ra Quốc hội một nghị quyết về tổ chức và hoạt động của tập đoàn. Vì thế, Bộ KH-ĐT không thể vô can.
 
“Đồng chí nói làm hết trách nhiệm nhưng tại vướng luật, vậy năm ngoái chúng ta dùng một luật sửa nhiều luật, tại sao Bộ KH-ĐT biết chuyện không ổn của tập đoàn lại không trình ra Quốc hội để xử lý”, ông Thuận lập luận.
 
Về quy trình làm luật, ông Thuận cho rằng, cả UB Thường vụ Quốc hội và cơ quan soạn thảo là Chính phủ đều có trách nhiệm đến cùng, chứ không phải chỉ mình UB Thường vụ làm, không phải UB Thường vụ không nghe ý kiến từ Chính phủ.
 
“Giải thích trước Quốc hội phải bình tĩnh, nghe nhau, không nên nói võ đoán”, ông Thuận kết lại phần phát biểu của mình.
 
Từ 2013 Vinashin sẽ có lãi
 
Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, Trưởng ban chỉ đạo tái cơ cấu Vinashin cho rằng, năm 2005 - 2006, Vinashin lâm vào tình trạng phá sản. Nếu không tiến hành tái cơ cấu, cơ sở vật chất của tập đoàn này có nguy cơ trở thành đống sắt vụn, trong khi tái cơ cấu sẽ phát triển và trả được nợ.
 
Qua 3 bước tái cơ cấu từ năm 2008 và nhất là từ tháng 6/2010 trở lại đây đã thu được một số kết quả. Cụ thể, 27 con tàu đang đóng dở dang đã được đóng tiếp và tổng cộng năm nay sẽ đóng 66 con tàu, trong khi ban đầu chỉ đặt ra 57 tàu.
 
Từ đóng tàu và công nghiệp phụ trợ năm nay doanh thu của Vinashin khoảng 14.000 tỷ đồng. Các tàu chuyển cho Vinaline cũng có thể thu được 1.400 tỷ đồng. Riêng tàu Hoa Sen cũng đã có phương án cho thuê và dự kiến thu về 4 triệu USD…
 
Với khoảng 20% công ty thuộc Vinashin phải tái cơ cấu bằng nhiều biện pháp để thu hồi vốn và trả nợ, theo Phó Thủ tướng có khoản sẽ mất có khoản sẽ lời, nhưng chung lại là sẽ có lời.
 
Với phần 80% tài sản và nợ Vinashin đang gánh, nếu thị trường tốt, quản trị tốt, năm tới có thể lỗ ít, năm 2012 có thể đứng vững và không lỗ nữa, còn từ 2013, 2014 sẽ trở lại có lãi.
 
Chuyển sang vấn đề trách nhiệm, Phó Thủ tướng cho biết, Bộ Chính trị đã chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm nghiêm túc, từ người đứng đầu Chính phủ là Thủ tướng đến các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng có liên quan và tập đoàn. Hiện nay đang tiến hành kiểm điểm và tới đây, kết quả kiểm điểm sẽ công khai trước công luận.
 
Chốt lại phát biểu, ông Hùng cho rằng, Vinashin phải trải qua 3 bước là củng cố, ổn định, phát triển, với khoảng thời gian 4 - 5 năm. Theo ông, nếu thiên thời tốt, tức thị trường phục hồi trở lại, cộng với địa lợi là nước ta có biển và nhân hoà, tức Quốc hội ủng hộ, công luận ủng hộ, việc tái cơ cấu Vinashin sẽ thành công.
 
Cấn Cường