Thủ tướng: 5 yếu tố nền tảng đưa quan hệ Việt Nam - Ấn Độ lên tầm cao mới
(Dân trí) - Quan hệ truyền thống tốt đẹp; tin cậy chính trị cao; thị trường rộng mở; văn hóa tương đồng; ý tưởng tương thông; chung khát vọng xây dựng đất nước… là yếu tố nền tảng trong quan hệ Việt Nam - Ấn Độ.
Nội dung này được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ sáng 31/7, diễn ra ở Thủ đô New Delhi (Ấn Độ) nhân dịp Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm cấp Nhà nước tới quốc gia này.
Thủ tướng chia sẻ rất ấn tượng khi khán phòng nơi tổ chức diễn đàn kín chỗ với sự hiện diện của đông đảo đại diện cộng đồng doanh nghiệp hai nước. Điều này, theo ông, thể hiện rõ sự quan tâm, tin tưởng, kỳ vọng vào tiềm năng hợp tác kinh tế song phương và môi trường đầu tư của Việt Nam.
Thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc
Đánh giá về mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhìn nhận việc nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác Chiến lược Toàn diện đã mở ra không gian hợp tác mới về chuỗi giá trị và tài nguyên chiến lược, an ninh kinh tế, ứng phó với biến đổi khí hậu, môi trường, khoa học công nghệ, kết nối tài chính, nhân lực chất lượng cao, giáo dục, an ninh quốc phòng...
Hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại hai nước, theo Thủ tướng, đã trở thành điểm sáng và là trụ cột quan trọng. Việt Nam cũng là đối tác quan trọng trong chính sách "Hành động hướng Đông" của Ấn Độ.
"Việc đặt Việt Nam ở vị trí quan trọng, là trọng tâm, cầu nối trong chính sách "Hành động hướng Đông" đã góp phần thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Ấn Độ nói chung và quan hệ kinh tế nói riêng phát triển lên tầm cao mới", Thủ tướng nhấn mạnh.
Ông đồng thời đề cập đến 5 yếu tố nền tảng rất quan trọng để các doanh nghiệp hai nước tiếp tục hợp tác với sự tin cậy cao, thành công, hiệu quả, góp phần cho quan hệ hai nước.
Đó là quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp; tin cậy chính trị cao; thị trường rộng mở; văn hóa, văn minh tương đồng; ý tưởng tương thông; cùng chung khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, phát triển kinh tế nhanh và bền vững.
Khái quát về tình hình trong nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã trở thành một trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, nằm trong nhóm 20 nền thương mại hàng đầu, xếp thứ 32 trong top 100 giá trị thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới; đã ký 16 FTA với hơn 60 nước.
Về định hướng hợp tác, lãnh đạo Chính phủ nêu rõ Việt Nam xác định khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đóng vai trò quan trọng, với định hướng thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, tạo kết nối lan tỏa giữa khu vực FDI và khu vực kinh tế trong nước, thúc đẩy hợp tác công - tư, huy động mọi nguồn lực phát triển…
Hướng tới mục tiêu thương mại song phương đạt 20 tỷ USD
Theo Thủ tướng, Chính phủ Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp Ấn Độ mở rộng hợp tác đầu tư vào các lĩnh vực Ấn Độ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu thu hút, ưu tiên cao như: Công nghệ cao, điện tử, khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI), xây dựng kết cấu hạ tầng, năng lượng tái tạo, năng lượng mới (hydrogen), công nghệ sinh học, đổi mới sáng tạo, nông nghiệp công nghệ cao, dược phẩm….
Khẳng định Việt Nam xem thành công của các nhà đầu tư là thành công của mình, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", "đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện là phải có kết quả, sản phẩm cụ thể, mang lại hiệu quả cao", "cùng lắng nghe và thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển".
Thủ tướng đề nghị hai bên tiếp tục hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động đối thoại, kết nối đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hai bên mở rộng hợp tác, đầu tư, kinh doanh hiệu quả; thúc đẩy, triển khai các biện pháp hiệu quả nhằm hoàn thành mục tiêu kim ngạch thương mại song phương đạt 20 tỷ USD trong thời gian tới.
Cùng với đó, Thủ tướng nhấn mạnh cần tiếp tục tăng cường hợp tác phát triển (ODA), trong đó tập trung vào các lĩnh vực phát triển hạ tầng chiến lược, bao gồm hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số và hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu…
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam tăng cường đối thoại để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư Ấn Độ tại Việt Nam; kịp thời báo cáo đối với các vấn đề vượt thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Mặt khác, ông chỉ đạo các cơ quan tiếp tục rà soát, cải cách thủ tục hành chính; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; tăng cường ứng dụng công nghệ số, phân cấp, phân quyền, giảm chi phí tuân thủ, chi phí đầu vào của người dân, doanh nghiệp...
Thủ tướng đề nghị các tập đoàn, doanh nghiệp Ấn Độ tiếp tục đầu tư, mở rộng đầu tư vào Việt Nam, hợp tác đào tạo nhân lực chất lượng cao, nhất là trong các lĩnh vực bán dẫn, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh (hydrogen), dược phẩm (đặc biệt là vaccine, thuốc điều trị các bệnh nan y), năng lượng tái tạo, công nghệ sinh học…
Với quyết tâm cao, nỗ lực lớn của hai bên, Thủ tướng tin tưởng hợp tác kinh tế - đầu tư - thương mại sẽ tiếp tục là trụ cột quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Ấn Độ, góp phần đưa mối quan hệ giữa hai nước lên tầm cao mới.
Hoài Thu (Từ New Delhi, Ấn Độ)