Tập đoàn lớn của Ấn Độ muốn đầu tư công viên dược 5 tỷ USD ở Việt Nam
(Dân trí) - Với kế hoạch đầu tư 4-5 tỷ USD trong 10-12 năm, Tập đoàn dược phẩm lớn của Ấn Độ muốn xây dựng một công viên dược ở Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam chuyển giao công nghệ, tạo ra hạ tầng dược phẩm tốt nhất.
Kế hoạch đầu tư vào lĩnh vực dược phẩm vào Việt Nam được Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các tập đoàn dược lớn nhất Ấn Độ cùng trao đổi trong cuộc gặp sáng 31/7 tại Thủ đô New Delhi, nhân dịp Thủ tướng Phạm Minh Chính có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ.
Kỳ vọng hút đầu tư từ công việc dược tỷ USD ở Việt Nam
Tiếp Chủ tịch, Giám đốc điều hành Tập đoàn SMS Pharmaceuticals và Giám đốc điều hành Công ty Sri Avantika Narendra Reddy, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ tiềm năng của thị trường Việt Nam với dân số hơn 100 triệu người.
Ông cho biết Việt Nam hiện nhập khoảng 33% dược phẩm của Ấn Độ nên rất muốn lắng nghe ý tưởng phát triển thị trường dược ở Việt Nam của doanh nghiệp Ấn Độ.
SMS Pharmaceuticals là một trong những doanh nghiệp sản xuất dược phẩm lớn nhất Ấn Độ.
SMS Pharmaceuticals và Sri Avantika Contractors đã thành lập liên doanh với công ty Việt Nam để đề xuất phát triển Khu công nghiệp Dược phẩm công nghệ cao tại khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa).
Ông P. Ramesh Babu, Giám đốc điều hành Tập đoàn SMS Pharmaceuticals đề cập dự án Công viên dược Việt Nam - Ấn Độ định đầu tư ở Việt Nam với tổng vốn 4-5 tỷ USD trong 10-12 năm, đặt tại Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa).
Lãnh đạo tập đoàn SMS Pharmaceuticals tính toán nếu được giải phóng khoảng 500ha đất cho dự án này, đầu tư khoảng 1 tỷ USD trong giai đoạn đầu tiên có thể mang lại doanh thu 1,5 tỷ USD trong 1-2 năm.
Công viên dược này dự kiến sẽ là khu sản xuất các loại thuốc tiêm, thuốc kháng sinh và các sản phẩm thuốc chống ung thư, hỗ trợ sinh sản…
Nhìn xa hơn, doanh nghiệp tính toán khi dự án hình thành có thể thu hút các nhà đầu tư thứ cấp từ Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu đến với Việt Nam nên rất mong Chính phủ Việt Nam sẽ có chính sách ưu đã để thu hút đầu tư.
Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định môi trường đầu tư của Việt Nam cơ bản hoàn thiện và đáp ứng tốt yêu cầu tốt nhất của các nước. Ngoài ra, ông cho biết sắp tới, Việt Nam sẽ ban hành một số chính sách khác để ưu tiên cho các ngành Việt Nam muốn thu hút như ngành công nghệ cao, và cả y dược.
Ông P. Ramesh Babu đánh giá Việt Nam có những chính sách rất tốt. Ông chia sẻ kỳ vọng sẽ tạo ra cơ sở hạ tầng dược tốt nhất ở Việt Nam, khi đó các công ty dược sẽ đến và đặt cơ sở sản xuất ở Công viên dược này, kéo theo nhiều nhà đầu tư sẽ đến Việt Nam.
Cảm ơn ý tưởng đầu tư Công viên dược ở Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói đây là cái Việt Nam đang thiếu và rất cần thiết cho đất nước 100 triệu dân.
"Lựa chọn đầu tư vào Việt Nam là lựa chọn thông minh, nhưng lựa chọn là phải làm, làm phải ra sản phẩm, ra sản phẩm phải tiêu thụ được, tiêu thụ được phải có hiệu quả và lợi nhuận, lợi nhuận càng nhiều càng tốt", Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần đã nói là làm, không bàn lùi.
Theo ông, Việt Nam hiện nhập khẩu 33% dược phẩm từ Ấn Độ nên ý tưởng đầu tư công viên dược ở Việt Nam của doanh nghiệp Ấn Độ rất đáng hoan nghênh, bởi Việt Nam có dân số đông, có nguồn nguyên liệu dược phẩm dồi dào nhưng thiếu công nghệ sản xuất thuốc. Việc có Công viên dược và chuyển giao công nghệ từ Ấn Độ có thể giúp Việt Nam giảm nhập khẩu dược phẩm, tạo công ăn việc làm và thúc đẩy ngành công nghiệp dược phát triển.
Ấn Độ muốn hợp tác với Việt Nam sản xuất thuốc trị ung thư
Thông điệp này cũng được người đứng đầu Chính phủ Việt Nam tái khẳng định khi tiếp Chủ tịch sáng lập Tập đoàn dược phẩm BDR Dhamesh Shah.
BDR là nhà sản xuất sản phẩm điều trị ung thư lớn nhất tại Ấn Độ với 80% thị phần trong nước, sở hữu chuỗi cung ứng khép kín từ sản xuất nguyên liệu đầu vào đến thành phẩm, với 9 nhà máy tại Ấn Độ và 1 nhà máy tại Algeria.
Tập đoàn này đang cung cấp nguyên liệu dược phẩm đầu vào bào chế thuốc điều trị ung thư cho một số nhà máy tại Việt Nam và chuẩn bị được phê chuẩn cấp phép phân phối các loại thuốc điều trị một số loại bệnh ung thư.
"Việt Nam là một trong những nền kinh tế đang phát triển nhanh và chúng tôi muốn trở thành nhà đầu tư chiến lược tại đây với những sản phẩm dược hoàn chỉnh", ông Dhamesh Shah nói và cam kết sẽ chuyển giao công nghệ để giúp Việt Nam phát triển công nghiệp dược, đem lại lợi ích cho cả hai bên.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh Việt Nam có nhu cầu về thuốc do dân số đông, cần chuyển giao công nghệ, sản xuất nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, đào tạo nguồn nhân lực ngành dược. Vì thế, Việt Nam cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.
Ông Dhamesh Shah cho biết Tập đoàn BDR có thể hợp tác với Việt Nam về sản xuất thuốc trị ung thư, xây dựng cơ sở dữ liệu liên quan trung tâm xạ trị, hóa trị - mô hình đang rất thành công ở Ấn Độ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính gợi ý doanh nghiệp lựa chọn địa điểm đầu tư để xây dựng nhà máy các loại thuốc chống ung thư, lựa chọn công nghệ sản xuất, quy mô đầu tư và tiến hành các thủ tục cấp phép đầu tư.
Nhấn mạnh ý tưởng đầu tư của Ấn Độ phù hợp với định hướng, mong muốn của Việt Nam, Thủ tướng cho biết cần quyết liệt triển khai theo tinh thần "đã bàn phải làm, đã làm phải có sản phẩm, đã có sản phẩm phải mang lại lợi ích cho các chủ thể liên quan".
Hoài Thu (Từ New Delhi, Ấn Độ)