1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Lâm Đồng:

Thông thêm đường ống 60mm, hút nước trong khoang hầm sập

(Dân trí) - Công việc cứu hộ đang hết sức khẩn trương, chạy đua với thời gian khi nước tại khu vực hầm sập không ngừng dâng lên, đã dâng cao 1,2m, các công nhân phải leo giàn giáo tránh nước. Một đường ống phi 60 vừa khoan đặt thành công để bơm hút nước khỏi khoang hầm sập.

23h, ông Nguyễn Quốc Kỳ - Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương cho biết, 12 công nhân hiện liên lạc được với người bên ngoài qua 2 đường ống thông và vẫn nói chuyện bình thường. Tuy nhiên, một số người trong nhóm đó có dấu hiệu bị hạ canxi máu. Đầu giờ sáng mai, bộ phận trực y tế sẽ tổ chức bơm sữa giàu dinh dưỡng và giàu can xi vào để hỗ trợ thêm các nạn nhân, chống tình trạng hạ canxi máu.

22h49, ông Vũ Minh Thành – GĐ công ty Nhôm - Bô xít Lâm Đồng kiến nghị phương án dùng máy thuỷ lực (cắt được đá) với đường kính 2m để thao tác cắt bóc, đưa đất đá ra ngoài. Phương án này đang được Ban chỉ đạo tìm kiếm cứu nạn xem xét tính toán vì đây được xem là giải pháp tối ưu nhất lúc này.
 
22h30, được biết, mực nước trong khoang hầm khu vực 12 công nhân gặp nạn đã dâng lên 1,2m. Dù đã được tiếp tế nước gừng để giữ ấm nhưng nhiệt độ về đêm mỗi lúc một xuống thấp, trời rất lạnh lại ở trong môi trường ngập nước nên các nạn nhân báo ra bên ngoài về tình trạng "đang rất lạnh"...
 
Các công nhân tiên phong đảm nhận xuyên các mũi khoan để cứu các nạn nhân.
Các ca thợ khoan chia nhau làm việc không ngừng trong đêm.
 
Thiếu tướng Bùi Văn Sơn – Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng thông tin với báo chí, lực lượng cứu hộ đã sử dụng máy khoan đá chuyên dụng khoan mũi rộng đường kính 20cm từ phía hạ lưu đường hầm. Công việc này tương đối thuận lợi. Trong vòng 2 tiếng, đội khoan đã "chạy" được 20m. Nếu vẫn đạt tiến độ như hiện nay và không gặp phải những khối đá lớn, tướng Sơn nhận định, trong vòng hơn 4 tiếng nữa, mũi khoan này sẽ vươn tới vị trí các nạn nhân đang bị mắc kẹt. 
 
Trong khi đó, tại cửa phía trước của đường hầm, nước đang được hút ra nhưng rất chậm.
 
20h55', ông Nguyễn Văn Yên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, tình trạng sức của 12 công nhân vẫn ổn định.
Hiện đồ ăn, thức uống vẫn đang truyền qua đường ống vào bên trong hiện trường nơi các công nhân bị mắc kẹt. Vấn đề lo lắng lớn nhất đối với công tác cứu hộ là hiện bên trong lòng đất đang rất lạnh, nhiệt độ xuống thấp, nước trong khoang hầm ngập ngang ngực. Lực lượng chức năng đang cho khoan một đường từ đỉnh núi với độ sâu 70m, đường kính ống khoan 11cm để đưa quần áo chống rét  xuống cho các công nhân mắc kẹt. Khi đưa được quần áo xuống, các công nhân sẽ được an toàn.
 
Phó Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Yên cũng cho hay dự kiến 1-2 tiếng nữa có thể bơm hút được hết nước trong khoang hầm sập ra ngoài.
Thông thêm đường ống 60mm, hút nước trong khoang hầm sập
Đường liên lạc với các công nhân qua lỗ thông nhỏ khoan được qua 35m đất đá cũng là đường ống để chuyển thức ăn vào khoang hầm sập (ảnh: báo Lâm Đồng).
 
20h40', Thứ trưởng Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, hiện lực lượng cứu hộ đang đào 2 lỗ thoát nước để đưa ống phi 60 (đường kính 60mm) vào vị trí khoang hầm có các nạn nhân. Hiện đã thông được 1 ống, một ống còn lại hiện đã khoan được 16m trên tổng chiều dài 60m.
 
Như vậy dự kiến nếu không có gì trở ngại, sau đêm nay, 17/12 sẽ có 3 ống, trong đó 1 ống tiếp sửa và 2 ống mới. Song song với đó, lực lượng chức năng cũng đang cho khoan 1 lỗ phi 130 trực diện từ trên đỉnh đồi xuống hầm.

Hiện việc đào một hầm hình chữ nhật từ 1-1,5m để cứu người đã triển khai, kiến mất khoảng 48h để hoàn thành.

19h5', những câu chuyện đầy cảm động được kể lại. Phía cửa hầm bị sập, lực lượng cứu hộ tóc đẫm mồ hôi giữa tiết trời mỗi lúc một lạnh hơn, tích cực khoan, đào, chuyển đất đá ra ngoài. Phía bên kia hầm, 12 công nhân cũng chiến đấu theo cách riêng của họ.
Cuộc chiến phía bên kia khoang hầm sập: Chúng tôi ổn
Chủ yếu vẫn chỉ là các loại thực phẩm chế biến sẵn, đồ lỏng truyền theo ống có thể đưa vào hầm để tiếp cứu các nạn nhân.
 
Mừng nhất là tinh thần và sức khỏe của các anh em vẫn ổn. Lực lượng cứu hộ truyền tai nhau, thỉnh thoảng vẫn nghe tiếng anh em cười đùa động viên nhau trong ấy. Cháo gà, xúc xích, sữa tươi được chuẩn bị chu đáo để chuyển vào tiếp sức cho anh em. Giữa khoang hầm nước ngập đến ngang hông, co ro trên giàn giáo, việc ăn uống có thể hiểu là không chẳng dễ dàng gì nhưng các anh em vẫn luôn chắc nịnh một lời trấn an "chúng tôi ổn" mỗi khi người bên ngoài hỏi han qua lỗ hổng nhỏ đục thông được.
 
Lớp đất đá sạt lở xuống được ước tính dày 35m và dính ướt nên rất khó khăn cho việc đào bới. Hiện Bộ Xây dựng đang chỉ đạo đơn vị thi công đưa máy khoan lên đỉnh đồi để sẵn sàng cho phương án khoan nhồi từ trên xuống.
 
18h20’, trao đổi cùng PV Dân trí, Đại tá Phan Văn Hùng, Phó Tham mưu trưởng Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh Lâm Đồng, phụ trách lực lượng quân sự tại hiện trường cho biết, ngay sau khi nhận tin báo, BCH Quân sự đã cử hơn 50 cán bộ chiến sĩ tới hiện trường phối hợp các lực lượng khác đưa phương tiện, vật chất, lương thực thực phẩm, máy móc… vào trong hầm để triển khai các phương án tiếp cận nạn nhân.

Theo đánh giá của Đại tá Hùng, hai công tác khó khăn nhất hiện nay là việc chuyển đất đá ra ngoài và tình trạng mực nước trong hầm không ngừng dâng cao.

18h03’, các lực lượng chức năng gồm lực lượng cơ động, điện lực Lâm Đồng,… đang tranh thủ ăn nhẹ ngay trước cửa hầm trước khi làm nhiệm vụ cứu hộ dự kiến sẽ lại kéo dài xuyên đêm nay.

Lực lượng cơ động trực 24/24h đang tranh thủ ăn nhẹ trước khi tiếp tục làm nhiệm vụ.
Lực lượng cơ động trực 24/24h đang tranh thủ ăn nhẹ trước khi tiếp tục làm nhiệm vụ.

Hiện tại với sự hỗ trợ của phía điện lực, điện đã được thắp sáng để có thể tiếp cận sâu trong hầm.

Chiều nay thời tiết tại địa bàn xã Lát khô ráo, không có mưa nên thuận lợi hơn cho việc triển khai các phương án cứu hộ.

Túc trực tại hiện trường, ngoài các lực lượng chức năng còn có vài chục phóng viên các báo đài luôn sẵn sàng chuyển những thông tin kịp thời nhất tới độc giả cũng như người thân các nạn nhân vì điều kiện không thể tới Lâm Đồng. 

17h30', Thượng úy Nguyễn Minh Thắng, Đại đội phó lực lượng cơ động Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, đơn vị đã dựng 3 trại dã chiến để trực canh 24/24h. Hiện 30 chiến sĩ cơ động cùng với các lực lượng chức năng đang làm mọi biện pháp để ứng cứu, tiếp cận 12 công nhân sớm nhất.

Đấu nối thêm 1 máy phát điện 500KW.
Đấu nối thêm 1 máy phát điện 500KW.

17h25, Điện lực Lâm Đồng đã đấu nối xong cầu dao để cấp thêm nguồn điện đưa vào hầm. Như vậy, đến thời điểm này đã có 2 máy phát điện công suất 500KW đang cung cấp điện tại hiện trường.

16h50', chị Phan Thị Hoa, quê huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, vợ nạn nhân Trương Tuấn Việt, thẫn thờ chia sẻ với phóng viên, ngay sau khi nhận được tin chồng bị nạn, trưa hôm qua 16/12, chị đã tức tốc bắt xe vào Lâm Đồng. Hai đứa con của anh chị phải gửi nhờ ông nội trông giúp.
 
Do bị say xe, lại quá lo lắng cho chồng nên hiện chị Hoa đang được lực lượng y tế chăm sóc trong lán y tế.
 
Về công tác chăm sóc sức khỏe, bà Phạm Thị Bạch Yến, Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng, cho biết, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chỉ đạo các bác sĩ ở Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) tới hiện trường để hỗ trợ các y bác sĩ tại Lâm Đồng. Nước gừng vẫn đang được đưa vào bên trong.
 
Bà Phạm Thị Bạch Yến cũng cho biết, đang có 12 bác sĩ, 12 điều dưỡng, 6 xe cứu thương, 12 bình ôxy nhỏ, 12 băng ca, 9 bình ôxy lớn được huy động. Tất cả các nhân viên y tế chia làm 3 tổ để sẵn sàng sơ cấp cứu các công nhân ngay khi họ được đưa ra khỏi hầm.
 
Chị Hoa thẫn thờ lo cho sự an nguy của chồng.

Chị Hoa thẫn thờ lo cho sự an nguy của chồng.
16h24’, trao đổi với phóng viên Dân trí từ hiện trường cứu hộ, Thứ trưởng Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, các lực lượng có mặt đang nghiên cứu địa hình để đưa thiết bị, máy móc phục vụ phương án khoan nhồi từ đỉnh đồi. Tuy nhiên, đây sẽ là phương án sau cùng được tính triển khai nếu các phương án khác không hiệu quả.

Giải pháp chủ yếu, cấp bách nhất triển khai lúc này vẫn là tích cực khoan để thoát nước từ cả 2 hướng – thượng lưu và hạ lưu. Song song với đó, lực lượng công binh cũng tiến hành đào hầm cứu nạn.
Ông Hùng trấn an, mực nước vẫn đang dâng lên trong khoang hầm bị sập nhưng tốc độ nước lên không quá lớn, đáng lo ngại. Dự kiến, trong khoảng 24 giờ các hướng cứu hộ sẽ khoan thủng được vách hầm.
 
Các lực lượng cứu hộ tại hiện trường, theo ông Hùng, túc trực rất đầy đủ, hùng hậu (có lực lượng tại chỗ của địa phương, đội hỗ trợ của TCty than khoáng sản, TCty Sông Đà). Nếu có điều lực lượng tăng cường ở Sài Gòn lên thì cũng chủ yếu để phục vụ triển khai phương án khoan nhồi từ đỉnh đồi xuống.
 
15h45', Bộ trưởng Bộ Y tế đã có mặt tại hiện trường vụ sập hầm thủy điện, chỉ đạo công tác cấp cứu, cung cấp trang thiết bị y tế cho các nạn nhân và lực lượng cứu hộ. Nữ Bộ trưởng Y tế đã chỉ đạo điều động một số chuyên gia về hồi sức - cấp cứu từ TPHCM đến Lâm Đồng sẵn sàng cho công tác chăm sóc sức khỏe.
 
Trao đổi tại hiện trường, nữ Bộ trưởng chỉ đạo 3 việc không thể lơ là: một là bơm thêm khí ôxy vào khu vực sập hầm; hai là luôn đảm bảo đủ dinh dưỡng cho các nạn nhân, đặc biệt là sữa, nước đường để tránh cho các nạn nhân bị tụt đường huyết; ba là luôn sẵn sàng túc trực các xe cứu thương cùng trang thiết bị y tế, sẵn sàng công tác hồi sức, cấp cứu ngay khi các nạn nhân được đưa ra ngoài.
 
Phút nghỉ ngơi của các công nhân sau thời gian dài làm việc hết công suất.
Bộ trưởng Bộ Y tế tới hiện trường.
 
15h15', thêm một xe cứu hộ được điều động vào trong hầm, trên xe có lực lượng cứu hộ, y bác sĩ với nhiều trang thiết bị y tế...

Ban chỉ huy cứu hộ cũng cho biết, một máy khoan công suất lớn đang được huy động và di chuyển gấp rút từ TP Hồ Chí Minh lên Lâm Đồng để hỗ trợ cứu hộ.

 
Thêm một xe cứu hộ vào hầm.

Thêm một xe cứu hộ vào hầm.
 
15h5', một nhóm công nhân mỏ từ Quảng Ninh vào hầm tham gia cứu hộ đã trở ra. Theo thông tin từ anh Phạm Văn Hạ (thuộc Trung tâm Cấp cứu mỏ Vinacomin), để tránh tái diễn sập, sụt, các anh thực hiện việc đào hoàn toàn thủ công bằng các dụng cụ chuyên dụng. Anh Hạ cho biết trong hầm rất lạnh nên các anh sẽ làm việc thay ca.
 
Tính cách khoan từ đỉnh đồi, chạy đua với mực nước dâng trong hầm

Liên lạc với các công nhân bị mắc kẹt thông qua đường ống thông hơi được khoan xuyên qua lớp đất đá. (Ảnh: Nguyễn Dũng - TTXVN)
 
 
Chuẩn bị vật liệu để gia cố đường hầm. (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN)

Tiếp tế lương thực cho 12 công nhân mắc kẹt. (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN)
 
14h40, trước tình trạng nước trong hầm đã dâng cao 1m, Bộ trưởng Xây dựng và Bộ trưởng Công thương chỉ đạo, công tác khoan thoát nước cần đặt lên hàng đầu. Hai Bộ trưởng yêu cầu khoan khẩn trương lỗ thoát nước xuyên qua khối đất đá sập để tiêu nước trong hầm ra ngoài; Khẩn trương gia công bộ khung (hình chữ A hoặc chữ nhật kích thước 1 - 1,5 m), tiến hành đào moi lỗ thoát nạn, đào đến đâu chèn ngay khung đỡ đến đó, cố gắng trong vòng 20 giờ đào thông được hầm thoát nạn để cứu công nhân ra.
 
14h,
 
14h, trực tiếp chứng kiến cảnh cứu hộ, cách thức tiếp cận khu vực các công nhân bị mắc kẹt trong hầm, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo, ưu tiên cứu người là số một. Bộ trưởng yêu cầu xây dựng nhiều phương án, trong đó có hướng đào hầm đưa nạn nhân ra ngoài theo phương án khoan phá đất sụt hoặc khoan cọc nhồi.

 

“Nguyên nhân và trách nhiệm đối với sự cố cần làm rõ nhưng vấn đề số một hiện nay vẫn là cứu người” - ông Dũng trao đổi.

 

Nhận định công tác cứu hộ đã đạt kết quả quan trọng khi cung cấp được ôxy và thức ăn cho các công nhân bị nạn, Bộ trưởng Xây dựng lưu ý, hiện tại không lo nạn nhân đói, thiếu không khí mà phải lo chuyện thoát nước, chống lạnh bởi hiện mức nước trong hầm đã dâng cao 1m. Bộ trưởng Xây dựng đề nghị khoan nhiều hướng khác nhau để nhanh chóng bơm, hút được nước.
 

Hai Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Bộ Công thương trực tiếp chỉ đạo phương án cứu hộ tại hiện trường.

Hai Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Bộ Công thương trực tiếp chỉ đạo phương án cứu hộ tại hiện trường.
 
13h45, một nhóm 10 công nhân có nhiều kinh nghiệm nhất từ mỏ than tỉnh Quảng Ninh với đầy đủ dụng cụ cần thiết đã tiến vào hầm.
 
Lực lượng công nhân mỏ từ Quảng Ninh vào Lâm Đồng tham gia cứu hộ.

Lực lượng công nhân mỏ từ Quảng Ninh vào Lâm Đồng tham gia cứu hộ.
 
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã có mặt tại hiện trường. Hai Bộ trưởng cùng hội ý với với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng thống nhất mục tiêu: làm thế nào để thoát nước ra ngoài nhanh nhất; ngoài ra quá trình cứu hộ phải tuyệt đối an toàn cho đội cứu hộ. Ngoài ra 2 Bộ trưởng yêu cầu thường xuyên liên lạc với các nạn nhân bên trong để động viên tinh thần, tiếp lương thực, tìm cách chuyển thêm quần áo vào cho các công nhân.
 
Hai Bộ trưởng yêu cầu dừng thi công công trình dự án thủy điện cho đến khi có chỉ thị mới. Sự vắng mặt của chủ đầu tư dự án thủy điện Đạ Dâng – Đa Chomo cũng được nhắc nhở. Các cán bộ cho biết chủ đầu tư đang đi công tác nước ngoài. Hai vị Bộ trưởng yêu cầu chủ đầu tư phải thường xuyên túc trực, phối hợp giải quyết sự cố.
 
13h30, thông tin từ hiện trường vụ sập hầm truyền ra: Việc liên lạc, trao đổi với các công nhân bị mắc kẹt vẫn được duy trì, tiếng của các nạn nhân nghe rất rõ.

 

Lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cũng đã vào tận hiện trường để bàn phương án cứu hộ.

 

Hiện công tác khoan đào để thoát nước gặp khó do có rất nhiều đá mồ côi, nguy cơ sạt lở tiếp cao. Máy xúc và máy khoan chủ lực được điều động tới. Bộ Công thương có Trung tâm Cấp cứu mỏ có nhiều kinh nghiệm cũng đã được Bộ trưởng cử vào phối hợp giải cứu các công nhân mắc kẹt.

 

Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, ông Nguyễn Xuân Tiến, quyết định phương án khoan cọc nhồi và đào hầm. Dự tính nếu khoan từ đỉnh đồi xuống với khoảng cách 60m sẽ mất khoảng 2 ngày, nếu không gặp đá. Nếu theo phương án khoan cọc nhồi sẽ cần sự tham gia của các đơn vị giao thông.
 
12h50', công tác cứu hộ vẫn đang được triển khai xuyên trưa. Trước đó, lãnh đạo tỉnh cùng lực lượng cứu hộ dùng bữa trưa tạm tại bờ lán của của bộ chỉ huy quân sự tỉnh. Thêm một chiếc xe của lực lượng cứu hộ được điều vào trong hầm...
12h30’, trong khi lực lượng cứu hộ đang đào đất thì ngay trên đỉnh đồi, cách nơi xảy ra sự cố sập hầm khoảng 70m xuất hiện 2 miệng hố do sụt lún. Người dân khu vực này cho biết, các hố sụt lún này đã xuất hiện khá lâu nhưng mấy ngày gần đây trời mưa khiến hố sạt lở mạnh và nước có thể theo đó thấm xuống dưới. Hai hố có đường kính 15m x 4m, chiều sâu khoảng 10m. Đây có thể là một trong những nguyên nhân gây sụp hầm và gây khó khăn cho công tác cứu hộ.
Hai hố sụt lún trên đỉnh đồi (Ảnh: Báo Lâm Đồng)

Hai hố sụt lún trên đỉnh đồi (Ảnh: Báo Lâm Đồng)
Lực lượng cứu hộ bàn phương án mới, chạy đua với tình trạng nước dâng.

Lực lượng cứu hộ bàn phương án mới, chạy đua với tình trạng nước dâng.

Điều thêm lực lượng vào trong hầm.

Điều thêm lực lượng vào trong hầm.
12h10', danh sách 12 công nhân mắc kẹt trong hầm thủy điện được công bố. Cụ thể:

1. Phạm Viết Nam, nam, 1976; tỉnh Nghệ An

2. Phạm Xuân Đăng, nam, 1964; tỉnh Vĩnh Phúc

3. Đặng Thị Hồng Ngọc, nữ, 1988; tỉnh Nghệ An

4. Phạm Viết Lành, nam, 1994; tỉnh Nghệ An

5. Nguyễn Anh Tuấn, nam, 1991; tỉnh Hà Tĩnh

6. Nguyễn Văn Quang, nam, 1992; tỉnh Nghệ An

7. Hoàng Ánh Văn, nam, 1990; tỉnh Nam Định

8. Hoàng Đình Thịnh, nam, 1996; tỉnh Nam Định

9. Hoàng Đình Hường, nam, 1984; tỉnh Nam Định

10. Nhữ Văn Trường, nam, 1992; tỉnh Hà Nam

11. Nguyễn Tiến Đoàn, nam , 1989; tỉnh Nam Định

12. Trương Tuấn Việt, nam, 1984; tỉnh Hà Nam

11h20', Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Xuân Tiến cho biết, đang chỉ đạo lực lượng khoan tạo ống thoát nước từ phía sau, làm ống hút nước trong hầm ra ngoài. Cùng lúc này lực lượng công binh tiếp tục triển khai phương án cứu hộ bên ngoài.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến trực tiếp chỉ đạo phương án cứu hộ mới.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến trực tiếp chỉ đạo phương án cứu hộ mới.
Nước trong hầm đang liên tục dâng lên. (Ảnh: Người lao động)

Nước trong hầm đang liên tục dâng lên. (Ảnh: Người lao động)
11h10', liên tiếp các cuộc họp khẩn cấp ngay tại chỗ được thực hiện giữa các lực lượng cứu hộ. Ban chỉ huy cứu hộ đánh giá, công tác khai thông đường hầm cứu 12 công nhân đang mắc kẹt gặp khá nhiều khó khăn khi nước đang dâng lên nên việc đào đất cứu hộ sẽ rất nguy hiểm. Phương án khẩn trương trước mắt là hút nước trong hầm ra ngoài. 12 công nhân bên trong khu vực bị mắc kẹt đang phải ngồi trên giàn giáo để “chạy nước”.
Hiện nước trong hầm đang không ngừng dâng lên, ngập cao khoảng 60cm; đồng thời ống hơi bị tắc và ẩm nên 12 nạn nhân bị mắc kẹt có thể bị ngạt nước. Ban chỉ huy lực lượng cứu hộ đang tìm mọi biện pháp để cứu nguy.
Ảnh công nhân điều khiển máy khoan từ đầu hầm bị sập. (Ảnh: Người lao động)
Ảnh công nhân điều khiển máy khoan từ đầu hầm bị sập. (Ảnh: Người lao động)

 
Đến 11h, phương án cứu nạn cứu hộ đã được thống nhất. Theo đó, song song việc đào hầm để đưa các nạn nhân ra ngoài sẽ khoan để tạo đường thoát nước đang ứ bên trong hầm, nhằm cứu hộ các nạn nhân.
 
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến đã chỉ đạo lực lượng cứu hộ đưa máy khoan chuyên dụng để khoan từ phía cổng xả đường hầm, tìm lối thoát nước; trong khi đó các lực lượng khác tiếp tục đào bới đất để vào hầm đưa các nạn nhân ra ngoài.
 
Các chuyên gia cho rằng phải bơm nước trước, sau đó sẽ đào đất theo các phương án, hoặc theo hình tam giác, hoặc hình thoi... tùy theo địa hình. Qua khảo sát thực tế hiện trường sáng nay, công tác đào hầm để cứu 12 nạn nhân sẽ gặp nhiều khó khăn vì lượng đất đá, bùn nhão rất lớn và kéo dài khoảng 30m.
 
Cụ thể, hầm Đạ Dâng cao 5m, ngang 4m và đã thi công được 600 mét xuyên qua ngọn đồi, âm dưới mặt đất 70m. Vị trí hầm bị sập cách đầu miệng hầm chừng 500 mét. Hiện lực lượng cứu hộ đang cố gắng khoan thêm một lỗ nhưng chưa được.
Theo thông tin mới nhất, dự kiến trưa nay 17/12, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng sẽ đến hiện trường vụ sập hầm chỉ đạo công tác cứu hộ cứu nạn.
10h43'

10h43', lực lượng chức năng vẫn đang tích cực thiết lập hệ thống đường hầm hình chữ A để giải cứu 12 công nhân đang mắc kẹt bên trong. Hơn 50 lính cứu hộ đang thay phiên nhau đào đất ở khu vực hầm bị sạt lở. Bên cạnh việc khai thông đường hầm, công tác đảm bảo án toàn, chăm sóc sức khỏe cho các công nhân luôn được chú ý. Thức ăn, nước uống tiếp tục được chuyển vào.
Hiện tại, Bộ Công thương cũng đã chỉ đạo đưa một nhóm thợ mỏ từ Quảng Ninh vào để phối hợp cùng các lực lượng địa phương cứu hộ. Trong sáng 17/12, 29 lính công binh của Quân Khu 7 đã lên tiếp ứng.

Toàn cảnh vụ sập hầm và phương án cứu hộ (Đồ họa: Ngọc Diệp)

Toàn cảnh vụ sập hầm và phương án cứu hộ (Đồ họa: Ngọc Diệp)

10h41’, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến cũng trực tiếp đến hiện trường chỉ đạo công tác cứu hộ.

Ông Lê Việt Quang dự báo công tác cứu hộ phải kéo dài ít nhất 2 ngày nữa vì rất nhiều khó khăn lúc này nằm ở việc đào đất đá, vận chuyển ra ngoài và thông khí trong hầm.

Được biết, hiện tại, sức khỏe 12 công nhân bị kẹt vẫn đảm bảo. Tuy nhiên, do nước ngập, trong hầm lạnh, nhóm công nhân phải trú tạm trên giàn giáo. 

10h, theo báo Người Lao động, tại khu vực hầm sập có gần 100 người chia thành 4 nhóm thay phiên nhau cứu hộ (2 nhóm/lần). Trong 2 nhóm sẽ có 1 nhóm đẩy đường ống bằng thép đường kính 6 cm vào trong để bơm khí ô xy và tiếp tế thức ăn cho các nạn nhân mắc kẹt trong đường hầm. Nhóm còn lại đào 1 đường hầm chữ A vòng qua khu vực sạt lở để tiếp cận nạn nhân.Không khí trong hầm rất lạnh, ngột ngạt. Nước rỏ liên tục từ trần hầm xuống. Dưới nền hầm nước ngập đến đầu gối. Ngoài trời rất âm u.
Khoan lắp đường hầm “đặc biệt” mở lối thoát cho 12 nạn nhân mắc kẹt


Khoan lắp đường hầm “đặc biệt” mở lối thoát cho 12 nạn nhân mắc kẹt
Thêm nhiều gỗ, sắt thép được đưa tới cửa hầm để phục vụ việc cừ, chống, làm đường ống chữ A giải cứu công nhân.

Ông Lê Việt Quang - Giám đốc Công ty Nhôm Lâm Đồng vừa trở ra từ phía bên trong đường hầm cũng thông tin với báo Lâm Đồng, qua đường ống đã khoan được hôm qua, cháo, sữa và oxy đã liên tục được đưa vào cho các nạn nhân bên trong, nước bên trong đang ngập khoảng 60cm. Nói về phương án cứu hộ, ông Quang khái quát kế hoạch dựng đường hầm dài 35m, dùng gỗ kè hai bên đường vào hầm là phương án tối ưu, với tốc độ làm việc không ngừng nghỉ thì phải mất 2 ngày mới hoàn thành đường hầm này vì bên trong đất sụt lở rất nhiều.
Khẩn trương đưa gỗ vào dựng hầm chữ A theo phương án cứu hộ mới. (Ảnh: Báo Lâm Đồng)

Khẩn trương đưa gỗ vào dựng hầm chữ A theo phương án cứu hộ mới. (Ảnh: Báo Lâm Đồng)
8h35', một xe cứu hộ được đưa vào trong hầm. Trao đổi với PV Dân trí, ông Phạm Phú Ty, Phó trưởng Công an huyện Lạc Dương, cho biết công tác cứu hộ hiện tại vẫn là truyền thức ăn, bơm ôxy cho các nạn nhân; hút nước từ trong đoạn hầm bị sập ra. Phía khác khoan đào tại vị trí sập để mở lối thoát cho 12 người mắc kẹt.
Sáng nay hàng chục chiến sĩ công binh của Quân khu 7 được điều động tới hiện trường, hỗ trợ đưa các nạn nhân ra ngoài sớm nhất có thể. 
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lâm Đồng cũng đã điều động 100 chiến sĩ đến phối hợp cứu hộ. Nhiệm vụ chính của các chiến sĩ là vận chuyển gỗ, các vật liệu, trang thiết bị về khu vực tập kết để chuyển vào bên trong hầm và sẵn sàng hỗ trợ công tác cứu hộ.

Trước đó, lúc 23h đêm qua, ông Phan Văn Hùng, Phó tham mưu trưởng - Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Lâm Đồng, cũng cho biết đang lắp đặt một hệ thống đường ống kết cấu hình chữ A với đường kính khoảng 4 mét xuyên qua đoạn hầm bị sập, để làm lối thoát, đưa 12 công nhân ra ngoài. Hệ thống đường hầm “đặc biệt” này sẽ giúp ngăn chặn lớp đất đá có thể sập tiếp xuống khi quá trình cứu hộ đang diễn ra.

8h10', lực lượng cứu hộ tiếp tục chuyển thức ăn gồm cháo, sữa... và bơm ôxy vào cho 12 nạn nhân. Việc liên lạc được với các nạn nhân, nghe tiếng nói và biết thông tin họ vẫn khỏe mạnh khiến các lực lượng cứu hộ có thêm động lực. Những người thân đợi phía ngoài cũng vỡ òa niềm vui. 12 nạn nhân trao đổi với bên ngoài qua ống thông và qua thiết bị bộ đàm chuyên dụng của quân đội.
Sữa được bơm vào một đường ống nhỏ, luồn qua ống thông đưa vào cho các nạn nhân. (Ảnh: VietNamnet)

Sữa được bơm vào một đường ống nhỏ, luồn qua ống thông đưa vào cho các nạn nhân. (Ảnh: VietNamnet)
7h12’ sáng nay, 17/12, gần trọn 24 giờ sau vụ sập hầm, một xe của Ban Chỉ huy quân sự Đồng Nai được tăng cường đưa lên, đang đào xới phía cửa hầm để thực hiện kế hoạch lắp đặt đường ống chữ A thông với khu vực hầm sập làm 12 công nhân mắc kẹt.

Được biết, hiện tại, lối thông với nhóm công nhân gặp nạn chưa mở được rộng hơn, vẫn chỉ đủ để chuyển lương thực, nước uống vào trong hầm. Bất lợi lớn nhất hiện tại là các nạn nhân phải ngâm nước nhiều giờ trong đêm (nhiệt độ xuống chỉ khoảng 15 độ C) nên rất lạnh.
Lực lượng cứu hộ đã làm việc suốt đêm qua và đã liên lạc được với các nạn nhân thông qua ống thông đã khoan được. Các nạn nhân vẫn khỏe mạnh nhưng rất mệt, lạnh và đói. 12 bình ôxy, nước gừng, sữa đã được chuyển vào bên trong.
Việc liên lạc với các nạn nhân đã thành công. (Ảnh: Báo Lâm Đồng)
Việc liên lạc với các nạn nhân đã thành công. (Ảnh: Báo Lâm Đồng).

Thủ tướng yêu cầu huy động mọi lực lượng, phương tiện cứu nạn 12 công nhân

 

Ngày 16/12, Thủ tướng Chính phủ có công điện số 2583/CĐ-TTg về việc tổ chức cứu nạn sự cố sập hầm thủy điện Đạ Dâng – Đa Chomo.

 

Theo công điện, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng khẩn trương huy động mọi lực lượng, phương tiện, sử dụng các biện pháp để tập trung ứng cứu, tổ chức tìm kiếm, cứu nạn đối với các nạn nhân còn bị mắc kẹt trong hầm.

Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo Quân khu 7, các đơn vị đóng quân trên địa bàn và các đơn vị liên quan sẵn sàng lực lượng, phương tiện hỗ trợ địa phương khi có yêu cầu.

Ngọc Hà - Song Lê - Phương Thảo - Viết Hảo