Thợ hàn tiết lộ đặc tính nguy hiểm nhất của xỉ hàn gây tai họa khôn lường
(Dân trí) - Có hơn 30 năm kinh nghiệm trong nghề hàn xì, ông Đỗ Quang Khải (Hà Nội) cho biết, các vụ cháy do hàn thường tới từ việc xỉ hàn bắn vào vật liệu gây cháy âm ỉ, kể cả 1-2 tiếng sau khi thi công.
Xỉ hàn có thể cháy âm ỉ suốt 2 tiếng
Không chỉ có kinh nghiệm làm nghề hàng chục năm, ông Đỗ Quang Khải còn đảm nhiệm vị trí Trưởng khoa Cơ khí trường Cao đẳng cơ điện Hà Nội. Ông Khải chia sẻ: "Những năm trước, tôi thực chiến rất nhiều ở khu vực phố cổ Hà Nội. Trước khi làm, tôi đều quan sát xung quanh để che chắn. Tôi sẽ kiểm tra khu vực thi công những phương tiện dễ cháy nổ để thu gọn cất đi. Dây điện trần là phải cắt điện vì trong quá trình hàn bắn hạt kim loại nóng ra sẽ gây cháy".
Cũng theo ông Khải, kinh nghiệm khi thi công là xung quanh khu vực làm tuyệt đối không có người qua lại. Bán kính an toàn dưới đất là 2-3m, càng lên cao bán kính an toàn càng tăng, có thể khoảng 3-4m. Muốn hàn phải xin cấp phép và có cam kết, vì người thợ hàn phải chịu trách nhiệm nếu có sự cố xảy ra.
Nhiều vụ cháy đã xảy ra trong quá trình sửa chữa quán karaoke. Theo kinh nghiệm của ông Khải, quán karaoke khi đang sửa chữa thì không nên nhận khách hát.
Đặc biệt quán karaoke với những vật liệu cách âm, nhiều dây điện... là nơi rất dễ bắt lửa. Ông Khải khuyên thợ hàn khi thi công ở đây nên chuẩn bị sẵn bình chữa cháy mini để xử lý kịp thời nếu có sự cố. Quá trình hàn nên che chắn thật kỹ xung quanh, không để xỉ hàn bắn không kiểm soát.
"Ngoài ra, người thợ hàn khi đến thi công phải khảo sát điều kiện cần và đủ mới được làm. Trong quá trình hàn, hồ quang hàn với nhiệt cao tiếp xúc với sắt thép sẽ sinh ra xỉ hàn. Hạt kim loại lỏng rơi vào nơi dễ cháy sẽ âm ỉ cháy. Nó không cháy ngay mà 1-2 tiếng sau mới bùng cháy, đó mới là điểm nguy hiểm nhất của xỉ hàn", ông Khải tiết lộ nguyên nhân.
17 năm làm thợ hàn, anh Hoàng Ngọc Bắc (45 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, anh đã nghe quá nhiều vụ cháy xảy ra do hàn xì. Theo anh Bắc, nguyên nhân chủ yếu do người thợ hàn chủ quan, không quan sát, để ý xung quanh môi trường làm việc cũng như không chuẩn bị bình chữa cháy bên cạnh.
"Không phải đến vụ cháy quán karaoke hôm qua nguy cơ mất an toàn từ hoạt động hàn xì mới được cảnh báo. Mối nguy từ việc hàn xì thiếu an toàn, thiếu kiến thức đã gây ra nhiều thảm họa . Kể cả những người thợ lành nghề, có trình độ, đôi lúc cũng chủ quan để tia lửa hàn xì bắn vào các vật liệu dễ cháy như xốp, ống nhựa, dây điện… Làm cái nghề này phải hết sức cẩn thận thì mới không để xảy ra chuyện đau lòng như hôm qua", anh Bắc chia sẻ.
Cũng theo anh Bắc, các vụ cháy bắt nguồn từ xỉ hàn đều gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Chia sẻ kinh nghiệm bản thân, anh Bắc cho biết nếu không chuẩn bị bình chữa cháy, người thợ hàn có thể để chậu nước gần mình, phát hiện cháy có thể kịp thời dập lửa.
Thợ hàn học an toàn trước khi học nghề
Nhu cầu của xã hội đối với nghề hàn đang rất lớn. Tuy nhiên, thợ hàn được đào tạo bài bản lại rất ít. Theo ông Đồng Văn ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, mỗi năm, trường chỉ tuyển sinh được 2 lớp đào tạo hàn dài hạn với hơn 40 học viên. Song các học viên khác tại trường đều bắt buộc phải học hàn ngắn hạn để phục vụ công việc. Số lượng học viên tham gia học hàn ngắn hạn mỗi năm lên tới 1.000 người.
Theo ông Ngọc, nhu cầu học nghề hàn ngắn hạn hiện nay rất lớn nhưng đào tạo dài hạn thì giảm, vì nghề hàn độc hại, vất vả.
Khi học ngành này, học viên sẽ được học môn An toàn trước khi học nghề. Môn học An toàn sẽ bao gồm đào tạo an toàn chung (an toàn cho người, an toàn cho thiết bị và an toàn nghề nghiệp); an toàn dụng cụ, đồ nghề; an toàn khi làm việc trên cao, làm việc nơi nguy hiểm, làm việc nơi có khí độc; an toàn cho thiết bị liên quan tới điện, khí...
Sau khi nắm được các nguyên tắc an toàn cơ bản, học viên mới học chuyên môn - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội khẳng định.
Trong nội dung an toàn có hướng dẫn học viên phải bò ra hoặc khom người, nhét giẻ ướt vào miệng khi xảy ra cháy. Học viên cũng được học sử dụng bình chữa cháy xách tay, dập lửa bằng cát, nước, những tiêu lệnh phòng cháy... tùy nơi xuất hiện cháy. Thế nhưng, nhiều trường đào tạo chưa hướng dẫn học viên tự chuẩn bị các dụng cụ chữa cháy khi đi làm.
Do tính chất nguy hiểm của nghề hàn, ông Ngọc cho rằng: "Nghề đặc thù cần phải quản lý chặt vấn đề liên quan tới đào tạo. Không phải cứ truyền nghề cho nhau rồi cầm kìm hàn ra hàn sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm".