Thiên tai, hạn hán năm 2025 sẽ như thế nào?
(Dân trí) - Lãnh đạo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường) dự báo về tình hình thiên tai, bão lũ, hạn hán,... có thể xảy ra trong năm 2025.
Sáng 17/1, Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức hội thảo thông tin về một số hiện tượng thời tiết, thiên tai trong năm 2025.
Tiến sĩ Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, nhận định mùa bão trên khu vực Biển Đông có khả năng xuất hiện tương đương so với trung bình nhiều năm (khoảng tháng 6).
Số lượng bão/áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng đến đất liền có khả năng ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm. Cụ thể, Biển Đông sẽ có khoảng 11-13 cơn bão, ảnh hưởng đến đất liền khoảng 5-6 cơn bão.
Hiện tượng nắng nóng, theo nhận định của ông Lâm, có khả năng xuất hiện tương đương so với nhiều năm qua.
Nắng nóng có khả năng bắt đầu xuất hiện tại khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên vào khoảng nửa đầu tháng 3; khu vực Tây Bắc Bắc Bộ, vùng núi phía Tây Bắc Trung Bộ vào khoảng tháng 4 và phía Đông Bắc Bộ, khu vực ven biển Trung Bộ từ khoảng tháng 5 trở đi.
"Nhiều khả năng nắng nóng trong năm 2025 sẽ không gay gắt và kéo dài như năm 2024", ông Lâm thông tin.
Giai đoạn từ tháng 1 đến 3/2025 có thể xuất hiện các đợt không khí lạnh có cường độ mạnh gây rét đậm, rét hại trên diện rộng, băng giá, sương muối ở khu vực vùng núi phía Bắc.
"Năm nay số đợt mưa lớn diện rộng xảy ra trên toàn quốc và ở mức xấp xỉ với trung bình nhiều năm (khoảng 20 đợt). Các đợt mưa lớn diện rộng có khả năng bắt đầu từ tháng 6 ở Bắc Bộ, sau đó chuyển dần về phía nam và kết thúc vào khoảng tháng 12 ở các tỉnh Trung Bộ", ông Lâm dự báo.
Trong mùa khô đầu năm nay, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, từ tháng 2 đến tháng 4 xâm nhập mặn sẽ tăng cao gây ảnh hưởng đến dân sinh, nông nghiệp tại các địa phương.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Hoàng Phúc Lâm cho rằng tình trạng xâm nhập mặn không nghiêm trọng như mùa khô các năm 2015-2016 và 2019-2020.
Từ tháng 3 đến tháng 7, tình hình khô hạn thiếu nước cục bộ ngoài vùng cấp nước của các công trình thủy lợi có khả năng xảy ra tại các tỉnh Phú Yên đến Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk.
Để chủ động dự báo và cung cấp kịp thời thông tin về tình hình thiên tai có khả năng diễn biến phức tạp, gia tăng về tần suất và cường độ, Tổng cục Khí tượng thủy văn đã chỉ đạo tăng cường theo dõi, giám sát diễn biến của trạng thái khí quyển - đại dương và phát tin cảnh báo, thông báo về các thiên tai khi số liệu quan trắc, dự báo đạt ngưỡng.
Đặc biệt phải tập trung quan tâm đối với khu vực chịu ảnh hưởng của mỗi đợt thiên tai có nguy cơ tác động lớn như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, ngập lụt diện rộng, hạn hán…
Cơ quan khí tượng sẽ chủ động có công văn gửi thông tin nhận định sớm đến Chính phủ, các bộ ngành, địa phương để cung cấp thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành.
Bên cạnh đó, thông tin dự báo, cảnh báo về lũ quét, sạt lở đất theo thời gian thực sẽ được cập nhật trên trang http://luquetsatlo.nchmf.gov.vn, hệ thống cảnh báo sớm dông sét, mưa lũ tại địa chỉ https://iweather.gov.vn và mạng xã hội.
Ứng dụng AI trong dự báo, cảnh báo thiên tai
Ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn, khẳng định sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng các công nghệ dự báo, cảnh báo sớm.
Trong đó, cơ quan này nghiên cứu ứng dụng AI trong dự báo, cảnh báo thiên tai, trước mắt là đối với dự báo bão, mưa và các hiện tượng nguy hiểm ít xảy ra theo quy luật thông thường.
"Việc sử dụng AI sẽ giúp cải thiện khả năng phân tích dữ liệu lớn (quan trắc, radar, vệ tinh, mô hình số...) và sử dụng hiệu quả nhất trong dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn", ông Cường cho hay.
Việc hợp tác quốc tế trong trao đổi thông tin dữ liệu, đặc biệt trên biển đối với bão và ở thượng nguồn các dòng sông chảy vào Việt Nam, sẽ được tăng cường thông qua hợp tác song phương và đa phương.