DMagazine

"Đo" mưa bão, "chỉ điểm" vùng sạt lở và dùng Facebook đưa tin thời tiết

(Dân trí) - GS.TS Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ TN-MT) kể về những khó khăn, thách thức khi dự báo mưa, bão và chuyện ông chia sẻ thông tin thời tiết trên Facebook mỗi ngày.

GS.TS Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) kể về những khó khăn, thách thức khi dự báo mưa, bão và chuyện ông chia sẻ thông tin thời tiết trên Facebook mỗi ngày.

Đo mưa bão, chỉ điểm vùng sạt lở và dùng Facebook đưa tin thời tiết - 1

Thông tin khí tượng thủy văn (KTTV) được xem là thông tin đầu vào phục vụ cho quy hoạch phát triển và thiết thực đối với các ngành kinh tế - xã hội. Những năm gần đây hiện tượng thời tiết dị thường, cực đoan ngày càng gia tăng cả về tần suất lẫn cường độ. Đó có phải là thách thức rất lớn đối với các cán bộ làm công tác dự báo KTTV không, thưa ông?

- Với tất cả các quốc gia trên thế giới, thông tin KTTV có vai trò quan trọng, đầu vào phục vụ của hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế, đời sống xã hội.

Theo báo cáo của Worldbank năm 2021, nếu các nước có thu nhập thấp và trung bình có hệ thống KTTV hiện đại như châu Âu thì thiệt hại hàng năm do thiên tai có thể giảm 23.000 người và từ 300 triệu USD đến 2 tỷ USD. Lợi nhuận kinh tế từ việc cung cấp thông tin cho các ngành lĩnh vực có thể đạt từ 3 tỷ USD đến 30 tỷ USD.

Trên phạm vi toàn cầu, thông tin KTTV có thể giảm được thiệt hại do thiên tai hàng năm ước tính lên tới 66 tỷ USD.

Công tác dự báo từ trước nay vẫn luôn khó khăn và sẽ ngày càng khó khăn lớn hơn do tác động của biến đổi khí hậu. Dữ liệu quan trắc hơn 50 năm qua trên toàn cầu cho thấy các hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan có xu thế gia tăng cả về cường độ và tần suất.

Với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, các nhà khoa học đã chỉ ra trong tương lai bão mạnh sẽ nhiều hơn, nắng nóng khốc liệt hơn trong mùa hè. Những nơi ít mưa sẽ ngày càng khô hạn hơn, ngược lại những nơi nhiều mưa sẽ ngày càng có mưa lớn và lũ lụt nhiều và khốc liệt hơn.

Đo mưa bão, chỉ điểm vùng sạt lở và dùng Facebook đưa tin thời tiết - 3

Công tác dự báo đứng trước những thách thức lớn cho không chỉ ở Việt Nam mà còn cả các trung tâm dự báo thời tiết lớn ở các quốc gia có trình độ phát triển hơn về khoa học kỹ thuật. Vì vậy, người dân cần phải thường xuyên cập nhật các thông tin dự báo gần nhất để có những thông tin đủ độ tin cậy nhất giúp giảm thiểu những thiệt hại.

Nhưng cũng có không ít lần dư luận đặt vấn đề về chất lượng dự báo, tính chính xác của những bản tin dự báo, thưa ông?

- Phải khẳng định rằng, thiên tai là một cá thể có biến chứng rất thất thường, có thể thay đổi rất nhanh về cường độ cũng như phạm vi hoạt động. Khoa học không thể khẳng định chính xác điểm ảnh hưởng, mức độ nguy hiểm ở ngưỡng cụ thể mà chúng ta chỉ có thể đưa ra phạm vi ảnh hưởng và khả năng tác động.

Chính vì vậy bài toán ứng phó với thiên tai chính là quản trị rủi ro thiên tai. Tức là phải lường trước được mức rủi ro có thể từ thấp đến cao. Trên cơ sở đó chúng ta sẽ chuẩn bị công tác ứng phó đầy đủ, dù thiên tai có xảy ra ở mức nào thì chúng ta cũng luôn sẵn sàng ứng phó, không bị động trước thiên tai. Điều này thế giới đang làm và Việt Nam chúng ta cũng đang từng bước triển khai. Ứng phó thiên tai mà bị động thì vô cùng nguy hiểm.

Đo mưa bão, chỉ điểm vùng sạt lở và dùng Facebook đưa tin thời tiết - 5

Trên thực tế, trong những năm gần đây, với sự đầu tư của nhà nước, hệ thống quan trắc, thông tin dữ liệu và công tác dự báo, cảnh báo bão của Tổng cục KTTV đã có những bước phát triển. Các bản tin dự báo đã từng bước được nâng cao về độ tin cậy, thời hạn dự báo...

Trong đợt mưa lũ kéo dài năm 2020 hay hạn mặn khốc liệt 2019-2020, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đều ghi nhận, đánh giá cao bản tin dự báo của ngành KTTV.

Hay trường hợp siêu bão Noru năm 2022, trên cơ sở tính toán và phân tích các dữ liệu từ các trung tâm dự báo bão quốc tế, chúng tôi đã tham mưu khả năng cường độ bão trên Biển Đông mạnh nhất cấp 14, khi vào gần bờ cấp 11-13. Từ thông tin dự báo đó, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, các cơ quan, địa phương đã kịp thời ứng phó nên không có thiệt hại nào đáng tiếc xảy ra.

Dự báo những gì sẽ xảy ra trong tương lai rất khó và không bao giờ đạt được tuyệt đối. Tổng cục Khí tượng thủy văn đã có những đổi mới như thế nào để công tác dự báo, cảnh báo được chính xác hơn?

Đo mưa bão, chỉ điểm vùng sạt lở và dùng Facebook đưa tin thời tiết - 8

- Ngành KTTV đã mở rộng thời hạn dự báo thời tiết, cảnh báo sớm thiên tai tới 10 ngày, nội dung và hình thức bản tin đã có nhiều thay đổi, tập trung cung cấp các thông tin dự báo ở quy mô nhỏ hơn và thời gian dài hơn.

Các sản phẩm dự báo mùa cũng được mở rộng hạn dự báo, hàng năm đã có bản tin nhận định thiên tai năm (2 lần/năm).

Đối với bão, áp thấp nhiệt đới hiện đã nâng khả năng dự báo trước 3 ngày, cảnh báo trước 5 ngày; dự báo, cảnh báo mưa lớn trước 2-3 ngày; cảnh báo dông sét trước từ 30 phút đến 2-3 giờ. Các đợt rét đậm, rét hại cảnh báo trước 5-7 ngày, dự báo trước 2-3 ngày. Nhờ đó công tác chỉ đạo ứng phó được chủ động và sớm hơn.

Đối với dự báo thời tiết biển đã có những đổi mới vượt bậc nhờ các công nghệ dự báo tiên tiến mới được áp dụng. Độ phân giải cho mô hình dự báo sóng đã được chi tiết đến 4km và dự báo sóng với hạn dự báo đến 10 ngày.

Thời điểm ban hành các bản tin bão hiện nay cũng sớm hơn trước đây từ 30 phút đến một giờ. Các bản tin thiên tai khác như nắng nóng, không khí lạnh, mưa lớn đều được ban hành sớm hơn 30 phút so với trước đây.

Ngoài thông tin về thiên tai còn có thông tin về khả năng tác động của các hiện tượng thời tiết đối với môi trường, điều kiện sống, cơ sở hạ tầng và các hoạt động kinh tế - xã hội.

Qua đánh giá bước đầu của chúng tôi, khi đưa thêm các thông tin về khả năng tác động vào các bản tin dự báo đã giúp cơ quan chỉ đạo phòng tránh thiên tai các cấp chủ động hơn trong triển khai phương án phòng ngừa, ứng phó.

Đo mưa bão, chỉ điểm vùng sạt lở và dùng Facebook đưa tin thời tiết - 9

Ông đánh giá như thế nào về tình hình thiên tai, bão lũ, trượt lở đất đã xảy ra liên tiếp trong năm nay? Việc dự báo, cảnh báo trong những sự việc có được đưa ra kịp thời, sát với thực tế?

- Trong các loại hình thiên tai, có những loại có thể theo dõi được quá trình diễn biến như áp thấp nhiệt đới, bão, lũ trên các sông lớn. Có những loại hình thiên tai diễn ra trong quy mô rất hẹp, không nhìn thấy được quá trình diễn biến như lũ quét, sạt lở đất, dông, lốc, sét...

Hiện nay, việc cảnh báo lũ quét, sạt lở đất chi tiết đến từng khu vực nhà dân, thôn bản để giảm thiểu các thiệt hại vẫn luôn là thách thức không chỉ của riêng Việt Nam mà ngay cả với những nước có trình độ khoa học công nghệ phát triển như Nhật Bản, Mỹ... Với công nghệ hiện nay, thế giới chưa thể dự báo được lũ quét, sạt lở đất sẽ xảy ra tại vị trí cụ thể và trong thời điểm cụ thể.

Đo mưa bão, chỉ điểm vùng sạt lở và dùng Facebook đưa tin thời tiết - 11

Hiện nay, một số tỉnh đã có điều tra xác định điểm nóng về lũ quét, sạt lở đất thì trong bản tin của cơ quan KTTV sẽ cảnh báo chi tiết hóa tới các xã, các điểm có nguy cơ xảy ra sạt lở. Đối với các tỉnh chưa được điều tra, đánh giá chi tiết thì cảnh báo đến cấp huyện.

Đối với đợt sạt lở tại đèo Bảo Lộc (xã Đại Lào, TP Bảo Lộc, Lâm Đồng) vào ngày 30/7, ngay từ ngày 27/7 Đài KTTV tỉnh Lâm Đồng đã phát bản tin cảnh báo xã Đại Lào có nguy cao xảy ra sạt lở; tiếp đến các bản tin cảnh báo liên tục trong ngày 29-30/7 đã nhấn mạnh đèo Bảo Lộc là khu vực nguy cơ xảy ra sạt lở.

Đối với vụ lũ quét ở Sa Pa (Lào Cai) vừa qua, cơ quan KTTV cũng đã có cảnh báo, địa phương đã có các biện pháp phòng ngừa ứng phó, nhưng rất tiếc vẫn không thể tránh khỏi thiệt hại về người và tài sản.

Đo mưa bão, chỉ điểm vùng sạt lở và dùng Facebook đưa tin thời tiết - 13

Có nhiều ý kiến cho rằng Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương cần phải công khai lên mạng, cập nhật thường xuyên bản đồ trượt lở đất để cảnh báo người dân, cộng đồng nhanh chóng hơn? Đặc biệt phải xác định, khoanh vùng được nơi có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất cao, nơi có nguy cơ cao rủi ro thiên tai?

- Năm 2023, Tổng cục KTTV đã triển khai đồng bộ một số giải pháp khác nhau nhằm tăng cường mức độ chi tiết các bản tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất. Trong đó trọng tâm là ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại, xác định ngưỡng mưa chi tiết hơn; tạo bản đồ cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.

Các sản phẩm cảnh báo của hệ thống đã cập nhật từng giờ, chi tiết các vùng có nguy cơ.

Đo mưa bão, chỉ điểm vùng sạt lở và dùng Facebook đưa tin thời tiết - 15

Ông thường xuyên sử dụng Facebook cá nhân để đăng tải các thông tin dự báo thời tiết. Ông thấy hiệu quả của việc đó ra sao?

- Sử dụng Facebook cá nhân để đăng tải các thông tin dự báo KTTV là thông tin thiết yếu trong đời sống hằng ngày của cá nhân tôi. Mọi người thân trong gia đình và bạn bè của tôi mỗi ngày sẽ cần đến thông tin này nên tôi nghĩ đây là một vấn đề thiết yếu tích cực, cũng là để chia sẻ những tâm huyết của tôi và các đồng nghiệp đến với xã hội.

Để đánh giá hiệu quả của việc sử dụng Facebook cá nhân đăng tải các thông tin dự báo thời tiết là rất khó, vì còn phụ thuộc vào số lượng người tham gia theo dõi trang, khả năng thống kê được phản hồi của người đọc...

Tuy nhiên, tôi thấy mạng xã hội là nơi có thể đưa các thông tin dự báo, cảnh báo đến cộng đồng nhanh nhất. Do đó nếu mỗi cán bộ, người dân khi nhận được thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai mà chia sẻ với gia đình, cộng đồng thì việc phòng tránh sẽ hiệu quả hơn.

Đo mưa bão, chỉ điểm vùng sạt lở và dùng Facebook đưa tin thời tiết - 17

Bạn bè trên Facebook có khi nào phàn nàn, góp ý, thậm chí chê trách các dự báo đó vì chưa chính xác không?

- Ngành KTTV là ngành phục vụ cộng đồng mỗi thông tin của chúng tôi đưa ra đều có giá trị đối với cộng đồng nên bản thân tôi hay cán bộ viên chức toàn ngành ở bất cứ nơi đâu đều cảm nhận sự quan tâm của xã hội.

Dự báo KTTV là bộ môn khoa học xác suất nên đôi khi không tránh được sự thiên lệch. Chính vì điều ấy nên chúng tôi mong muốn cộng đồng luôn hiểu biết về bản tin dự báo của chúng tôi và hiểu biết về khả năng của khoa học dự báo, cảnh báo trong bối cảnh tác động cực đoan của biến đổi khí hậu ngày càng hiện hữu sâu sắc.

Việc thay đổi phương pháp thông tin, đưa các bản tin dự báo tới người dân nhanh chóng, dễ dàng, dễ hiểu hơn đã được Tổng cục Khí tượng thủy văn nghiên cứu, triển khai ?

- Trước đây, công tác dự báo chủ yếu dự báo, cảnh báo các hiện tượng thiên tai nguy hiểm như: Bão/áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, nắng nóng, rét đậm, rét hại, lũ, lũ quét.

Từ năm 2016 đến nay cảnh báo hiện tượng KTTV nguy hiểm và quy trình số lượng các loại hình thiên tai dự báo gia tăng đáng kể, bao gồm: Bão/áp thấp nhiệt đới, mưa lớn diện rộng, lũ, ngập lụt; lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy; không khí lạnh; nắng nóng; hạn hán; xâm nhập mặn, dông, sét, tố, lốc, mưa đá và mưa lớn cục bộ; sương mù ven biển, sóng lớn, nước dâng trong áp thấp nhiệt đới, bão, gió mùa và triều cường.

Bên cạnh đó, các nội dung bản tin đã được cải tiến để hướng tới phục vụ đa mục tiêu, từng bước triển khai bản tin dự báo tác động, cảnh báo rủi ro theo yêu cầu của thực tiễn.

Đo mưa bão, chỉ điểm vùng sạt lở và dùng Facebook đưa tin thời tiết - 19

Về hình thức truyền tin, ngoài các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai được ban hành định kỳ, ngành KTTV đã triển khai kênh thông tin dự báo trực tuyến lũ quét, sạt lở đất và mưa dông hạn cực ngắn, cập nhật 1 giờ/lần trên cổng thông tin điện tử của Tổng cục KTTV tại địa chỉ:  http://luquetsatlo.nchmf.gov.vn/; https://www.amo.gov.vn.

Ngoài ra, Tổng cục KTTV cũng duy trì các kênh thông tin trên mạng xã hội Facebook như các trang https://www.facebook.com/NCHMF và https://www.facebook.com/tongcuckhituongthuyvanVN để cập nhật thông tin trong tình huống thiên tai nhằm đưa các cảnh báo đến với cộng đồng một cách sớm nhất để góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Đo mưa bão, chỉ điểm vùng sạt lở và dùng Facebook đưa tin thời tiết - 21

Nội dung: Thế Kha

Ảnh: Nguyễn Hải

Thiết kế: Tuấn Huy